Bụi thời gian... không nhạt dấu trường chinh!-Bài 2: Người chép sử quê
06:04, 28/04/2025
(QBĐT) - Ngày tôi lên gặp cựu chiến binh (CCB) Hồ Duy Thiện ở nhà riêng tại thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), phố núi Đồng Lê tháng 4 nắng rát mặt. Thế mà trong căn phòng nhỏ, ông vẫn áo mayô, quần cộc trằn mình với từng con chữ. Khuyên: “Nghỉ ngơi chút ông?”. Ông cười: “Viết để bắt cái đầu nó làm việc. Viết dành cho con cháu sau này. Chứ qua thêm vài tuổi nữa thì nhớ nhớ... quên quên”. Nghe lời ông tự sự, tôi bất chợt giật mình ngộ ra: Sau lính chiến trận, CCB Hồ Duy Thiện còn làm “huyện trưởng” của một huyện. Và khi “hết quan”, ông xây dựng bảo tàng, viết sử, viết sách. Ở huyện miền núi Tuyên Hóa này, mấy ai sở hữu được số đầu sách như ông.
Tôi hỏi ông, con đường binh nghiệp đang thênh thang thế vì sao lại chuyển ngành? CCB Hồ Duy Thiện cho biết: “Tháng 1/1977, Quân đội gửi mình về Trường đại học Thủy lợi Hà Nội để tiếp tục học. Đầu năm 1978, thì tốt nghiệp kỹ sư thuỷ lợi, được phong quân hàm trung úy và trở lại công tác tại Cục Quy hoạch thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Một năm sau chuyển lên Văn phòng Bộ Quốc phòng giữ chức trợ lý theo dõi công tác xây dựng cơ bản toàn quân. Năm 1981, về công tác tại Phòng Cán bộ, Quân khu 4. Năm 1984, mình lại tiếp tục “xin” làm trợ lý Ban Doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cho gần nhà, gần quê. Một thời gian sau thì giữ chức Phó ban, rồi Quyền Trương ban với quân hàm đại úy”.
CCB Hồ Duy Thiện (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội viếng Thành cổ Quảng Trị.
Tháng 2/1988, ông Hồ Duy Thiện chuyển ngành về quê Tuyên Hóa làm Phó Văn phòng UBND huyện. Một năm sau, ông giữ chức Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện. Tháng 7/1990, ông là Phó Chủ tịch UBND huyện. Tháng 12/1999 được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 4/2008.
18 năm khoác áo lính, trưởng thành qua từng trận đánh, từng chiến dịch lớn, khởi đầu từ 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đến giải phóng Trị Thiên-Huế, Phan Rang, Long Thành, Sài Gòn... năm 1975. Tất cả “gia sản” của người lính gói gọn trong một bảo tàng thu nhỏ ngay tại quê nhà Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) với hơn 100 hiện vật.
Ông Hồ Duy Thiện tâm sự: “Mong rằng con cháu sau này, sẽ “đọc” được những giá trị, mất mát, hy sinh của người lính qua từng trang nhật ký chiến trường, từng kỷ vật mà mình góp nhặt, nâng niu, gìn giữ trên từng chặng đường hành quân, qua từng trận đánh lớn nhỏ. Từ đó, thế hệ trẻ trân quý hơn thế hệ cha anh đi trước vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Chuẩn bị thả hoa trên dòng Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội.
Rời quân ngũ, CCB Hồ Duy Thiện có điều kiện thực hiện những lời hứa chưa tròn với đồng đội, đồng chí mình, với từng mảnh đất cưu mang, bao bọc ông qua từng trận đánh. Cứ mỗi độ tháng 7 hàng năm, ông lại vào thăm Quảng Trị, thả hoa viếng đồng đội trên dòng sông Thạch Hãn một thời ông từng qua về như con thoi dưới mưa bom, bão đạn quân thù. Lại rưng rức nhớ từng câu thơ CCB Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương tạc vào dòng sông lịch sử: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lúc đó Hồ Duy Thiện là trợ lý Tuyên huấn của E101, F325. Sau khi giải phóng Thừa Thiên-Huế, Bộ Tư lệnh F325 điều thượng úy Nguyễn Ánh Dương về làm Tiểu đoàn trưởng D1, F101. Trong trận đánh Long Thành (Đồng Nai), sau khi giải phóng quận lỵ, trên đường chỉ huy bộ đội truy kích tàn quân địch, thượng úy Nguyễn Ánh Dương đã ngã xuống.
Một điều làm CCB Hồ Duy Thiện luôn canh cánh trong lòng là giữa ông và thượng úy Nguyễn Ánh Dương gặp nhau trên đường đi chiến dịch, kịp hỏi thăm nhau giây phút nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, khi đồng đội Nguyễn Ánh Dương hy sinh cũng chỉ biết quê anh ở Thái Bình.
Viếng đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
“Cho đến 20 năm sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1995, nhớ đến thượng úy Nguyễn Ánh Dương, mình viết một bài báo tựa đề “Trước cửa ngõ Sài Gòn” kèm theo bức thư kể về gương chỉ huy táo bạo, dũng cảm của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương gửi cho báo Thái Bình. Rồi niềm vui đến bất ngờ, ngày 22/4/1995, Báo Thái Bình đăng bài báo của tác giả Hồ Duy Thiện. Một tuần sau, mình nhận được thư của gia đình liệt sỹ Nguyễn Ánh Dương. Biết vợ con liệt sỹ và quê anh ở thôn Bá Mai, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng (Thái Bình). Qua thông tin khớp nối, gia đình liệt sỹ Nguyễn Ánh Dương đã tìm được nơi anh an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Long Thành (Đồng Nai) sau 20 năm đằng đẳng chờ mong”, CCB Hồ Duy Thiện rưng rưng kể lại.
Nguyện mãi là người chép sử
Tháng 12/2008, Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam (DSVHVN) huyện Tuyên Hóa thành lập do ông Hồ Duy Thiện làm Chi hội trưởng. Đến tháng 4/2012, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Hội DSVHVN huyện Tuyên Hóa. Ông Hồ Duy Thiện làm Chủ tịch Hội một quãng thời gian dài 13 năm.
11 tập sách “Tuyên Hóa-Quê hương, con người” do CCB Hồ Duy Thiện làm chủ biên.
Mỗi người cầm bút có một mục đích riêng chung, với CCB Hồ Duy Thiện, tôi luôn kính trọng xem ông như một đồng nghiệp lớn tuổi trong làng báo, gọi “ông”, xưng “con”... riết rồi thành quen và cảm nhận, mục đích ông cầm bút chỉ để cảm ơn cuộc đời, sống có ích cho cuộc đời.
Ông bảo: “Còn viết được, nguyện mãi mãi là người chép sử”. Bởi thế, trong quãng thời gian 13 năm hoạt động Hội DSVHVN huyện Tuyên Hóa, ông đã hoàn thành 15 cuốn lịch sử các địa phương trên địa bàn Tuyên Hóa, Quảng Trạch và một số cơ quan, đơn vị.
CCB Hồ Duy Thiện còn là chủ biên trong sưu tầm, biên tập, xuất bản 11 tập sách “Tuyên Hóa-Quê hương, con người” với kinh phí gần 400 triệu đồng bằng hình thức xã hội hóa hoàn toàn. Hội DSVHVN huyện Tuyên Hóa phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất, lập hồ sơ xếp hạng thêm 8 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh trên địa bàn Tuyên Hóa; làm hồ sơ đề nghị với Hội đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam và Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận cây gạo cổ thụ ở xã Thạch Hóa là "Cây di sản Việt Nam"; đề xuất công nhận 12 nghệ nhân dân gian về hát ca trù và Kiều cổ (trong đó cấp quốc gia 4 nghệ nhân và cấp tỉnh 8 nghệ nhân).
Tác giả và cựu chiến binh Hồ Duy Thiện.
Với thành tích của mình, CCB Hồ Duy Thiện đã được Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, địa phương tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại.
Với cá nhân mình, hành trình lớn lên từ vùng đất học Phong Hóa, trở thành sinh viên Trường đại học Thủy lợi rồi “gác bút nghiên” làm người lính trận đi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc sau đó trở về cống hiến cho quê hương Tuyên Hóa, CCB Hồ Duy Thiện có thêm ba đầu sách: “Dấu thời gian” (2012), “Ký ức người lính” (2014) và “Một thời để nhớ” (2022).
(QBĐT) - Cựu chiến binh Trương Văn Lê (SN 1951) ở xã Gia Ninh (Quảng Ninh), là tấm gương tiêu biểu cho phẩm chất, nghị lực và sự kiên cường của người lính Cụ Hồ. Anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ, trở về cuộc sống đời thường, ông đã tiên phong và có nhiều đóng góp quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế và xây dựng quê hương.
(QBĐT) - Ông là Hồ Duy Thiện (SN 1948), 78 tuổi đời, 18 năm tuổi quân, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa. Với cựu chiến binh Hồ Duy Thiện, mãi mãi bụi thời gian... không bao giờ phai nhạt dấu trường chinh một thời!
(QBĐT) - Trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại, người dân Quảng Bình "Hai. giỏi", không kể gái hay trai, già hay trẻ, họ bám đồng, bám biển vừa sản xuất vừa chiến đấu.