icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Nhọc nhằn nghề "canh sóng" hái rong biển

  • 07:02, 15/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày đông, biển động, từng cột sóng lớn đập vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa, cũng là lúc các loài rong biển sinh sôi. Vào thời điểm này, người dân ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) lại rủ nhau ra những ghềnh đá ở quanh vịnh Hòn La để hái rong biển. Nghề hái rong biển mang về nguồn thu nhập khá cho nhiều ngư dân lúc biển động, không ra biển được, nhưng đây thật sự là một nghề nhọc nhằn, đầy nguy hiểm…
 
Mưu sinh bên ghềnh đá
 
Theo ngư dân ở xã Quảng Đông, rong biển thường mọc trên những ghềnh đá nằm sát chân sóng, chỉ xuất hiện từ đầu tháng 10 âm lịch sau những trận mưa lớn và kéo dài đến hết tháng giêng khi tiết trời bắt đầu ấm lên. Mùa rong biển thường trùng với thời điểm biển động, nên thu hút khá đông ngư dân nhàn cư đi hái “lộc biển”.
 
Rong biển ở vùng biển xã Quảng Đông có 2 loài chính. Loài mọc trên những tảng đá, người dân địa phương gọi là rong mứt. Loại thứ 2 thường mọc ở chân ghềnh đá, nơi tiếp xúc với sóng biển, gọi là rong đỏ. Với loại rong mứt, việc khai thác có dễ dàng hơn nên lực lượng đi lấy phần lớn là phụ nữ. Còn với loại rong đỏ, đòi hỏi người khai khác phải là những "ngư phủ" có sức khỏe, nhanh nhẹn, có kinh nghiệm để tránh được những cơn sóng dữ…
 
Đối với ngư dân xã Quảng Đông, mùa rong biển chỉ kéo dài khoảng 4 tháng nhưng đã mang về cho họ một nguồn thu nhập đáng kể. Một ngày bám mình trên những ghềnh đá ở Hòn La, nhóm “ngư phủ” gồm 5 người của anh Đinh Văn Dũng (SN 1986, trú ở thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông) khai thác được hơn 20kg rong đỏ. Hiện tại, 1kg rong đỏ được thu mua với giá 250 nghìn đồng, nhóm của anh Dũng đã có thu nhập 5 triệu đồng, trung bình mỗi người được 1 triệu đồng. 
Những người phụ nữ đang cần mẫn “cạo” rong mứt ở vịnh Hòn La.
Những người phụ nữ đang cần mẫn “cạo” rong mứt ở vịnh Hòn La.
Không đủ sức khỏe, kinh nghiệm để đương đầu với sóng biển khai thác rong đỏ như cánh đàn ông, những người phụ nữ ở xã Quảng Đông chọn khai thác loài rong mứt. Rong mứt là loài rong bám vào những tảng đá khi nước thủy triều lên và khi thủy triều xuống người dân thường dùng miếng kim loại cán mỏng, hình tròn, lớn hơn vỏ nghêu, vừa tầm với tay để cạo rong mứt ra khỏi đá.
 
Chị Nguyễn Thị Đào ở thôn Vịnh Sơn cho biết, sáng nào chị cùng với những chị em trong xóm cũng thức dậy thật sớm, chuẩn bị đầy đủ đồ nghề, ra các ghềnh đá quanh vịnh Hòn La để “ngóng” nước biển lên xuống như thế nào. Khi thủy triều bắt đầu xuống, để lộ ra những ghềnh đá san sát nhau, cũng là lúc các chị bắt tay ngay vào việc khai thác rong mứt.
 
“Rong mứt bám vào đá nên rất ít, chứ không nhiều như rong đỏ. Vì vậy, đi cạo rong mứt đòi hỏi phải kiên trì. Trung bình mỗi ngày chịu rét, “đội sóng”, cần mẫn, mỗi người cũng chỉ hái được từ 1-2kg là nhiều. Rong mứt hiện có giá giao động từ 150-200 nghìn đồng/kg nên nếu chịu khó, chúng tôi cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng mỗi ngày”, chị Đào chia sẻ.
 
Nghề nguy hiểm
 
Theo lời anh Đinh Văn Dũng, khai thác rong biển, đặc biệt là loài rong đỏ, tuy có thu nhập khá, nhưng là một nghề vất vả và nguy hiểm. Để hái được rong đỏ, người thợ phải bám vào những ghềnh đá trơn trượt, cheo leo bên mép sóng. Bởi lẽ, ở những nơi sóng đánh nhiều, đá càng trơn, càng chênh vênh thì loại rong này mọc càng nhiều. 
 Sản phẩm rong đỏ sau một ngày đi khai thác về của nhóm anh Đinh Văn Dũng.
Sản phẩm rong đỏ sau một ngày đi khai thác về của nhóm anh Đinh Văn Dũng.
“Chúng tôi phải vừa hái rong vừa canh các cơn sóng. Liếc mắt thấy những cơn sóng lớn đằng xa là phải tìm cách tránh. Không cẩn thận là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như chơi. Mặc dù đã có kinh nghiệm hái rong đỏ nhiều năm nhưng bản thân tôi không ít lần bị sóng đánh úp, ngã xuống ghềnh đá, bị thương khắp người”, anh Dũng chia sẻ.
 
Theo người dân Quảng Đông, thời gian qua, ở đây đã có nhiều người tử nạn do đi lấy rong biển. Mới đây nhất, ngày 7/2/2022, chị L.T.H. (SN 1981) ở thôn Minh Sơn, trong khi đang cào rong mứt ở vịnh Hòn La đã bị sóng kéo xuống biển dẫn đến tử vong. Trước đó, cuối năm 2020, chị P.T.H. ở thôn Vĩnh Sơn cũng bị một cơn sóng dữ đánh bay xuống biển. Khi mọi người đi cùng đến cứu thì chị H. đã tử vong.
 
Ông Lê Chí Tương, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông cho biết, nghề lấy rong biển tuy mỗi năm chỉ có khoảng 4 tháng, nhưng lại trùng với những ngày biển động nên thu hút được nhiều ngư dân trên địa bàn tham gia và mang về một nguồn thu khá cho người dân.
 
Tuy nhiên, đây cũng là một nghề rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là để lại hậu quả xấu. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo bà con cần phải hết sức cẩn thận khi đi lấy rong biển. Thế nhưng, những năm gần đây, hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có người bị tử nạn khi đi lấy rong biển…
Theo WIKIPEDIA, rong biển là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Ngoài đạm, rong biển còn chứa nhiều khoáng chất, các vitamin và nhiều yếu tố vi lượng quý. Đặc biệt, rong biển có hàm lượng chất i-ốt rất cao.
 
Theo người dân ở Quảng Đông, rong biển, đặc biệt là rong đỏ ở vùng biển Quảng Đông có tác dụng giải độc, thanh mát cơ thể. Từ người lớn cho đến trẻ con đều ăn được. Có lẽ đó cũng chính là lý do mà rong đỏ ở vùng biển Quảng Đông được thương lái và người dân các xã lân cận săn lùng. Rong đỏ chỉ cần đưa về đến nhà là có thương lái tìm đến mua. Thế nên, dù vất vả và nguy hiểm nhưng cứ đến mùa biển động là người dân Quảng Đông lại kéo nhau ra các ghềnh đá quanh vịnh Hòn La để săn “lộc biển”.
 
Phan Phương

tin liên quan

Duyên Việt-Lào trên miền biên viễn
Duyên Việt-Lào trên miền biên viễn

(QBĐT) - Tháng 12-1965, tuyến đường chọc thủng Trường Sơn, sau này mang tên đường 20 Quyết Thắng chính thức khởi công. Trên đường 20, mặc máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá, bộ đội vẫn hành quân đêm ngày. Từ phía Lào, có rất nhiều người dân chạy trốn bom đạn ngược hướng bộ đội đi sâu vào đất Việt. "Đất lành chim đậu", họ ở lại Việt Nam, lấy chồng, lấy vợ tạo nên mối lương duyên Việt-Lào dọc miền biên viễn.

"Đại thủy nông" Rào Nan - Hành trình nửa thế kỷ
"Đại thủy nông" Rào Nan - Hành trình nửa thế kỷ

(QBĐT) - Đập thủy lợi Rào Nan được xây dựng hơn nửa thế kỷ trước bằng sức người giữa khốc liệt đạn bom chiến tranh. Công trình tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết của quân dân đất lửa Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ và không thể không kể đến những dấu ấn quyết đoán của cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan. Trải qua hơn nửa thế kỷ, công trình được nâng cấp, xây dựng bằng công nghệ hiện đại, tiếp tục sứ mệnh trong hành trình đổi mới của đất và người vùng Nam Ba Đồn.

Bộ đội biên phòng giúp đồng bào khu vực biên giới gieo sạ vụ đông-xuân 2022
Bộ đội biên phòng giúp đồng bào khu vực biên giới gieo sạ vụ đông-xuân 2022

(QBĐT) - Trong những ngày thời tiết thuận lợi, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng Cà Xèng, cửa khẩu quốc tế Cha Lo tập trung lực lượng giúp dân bản xuống giống vụ đông-xuân 2022.