icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Chữ tâm sau chuyện "nghề" của báo cáo viên Đặng Thái Sơn

  • 11:02, 16/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một chiều đầu năm mới 2020, chúng tôi tìm gặp báo cáo viên (BCV) Đặng Thái Sơn tại trụ sở của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình (nơi ông đang đảm nhận chức vụ Phó Tổng giám đốc), khi biết tin ông vừa xuất sắc giành giải nhất hội thi chung khảo BCV giỏi toàn quốc năm 2019 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Điều chúng tôi cảm nhận được từ Đặng Thái Sơn sau cuộc trò chuyện dài gần 3 giờ đồng hồ chính là chữ “tâm” và tình yêu trọn vẹn mà ông đã dành cho “nghề” BCV của mình.
 
Duyên “nghề” từ truyền thống gia đình
 
Ông Đặng Thái Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn Kinh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Bố ông là cán bộ tiền khởi, vào Đảng từ năm 1947 và nguyên là cán bộ tuyên huấn của Tỉnh ủy Quảng Bình giai đoạn 1960-1963. Còn mẹ ông là một người phụ nữ nông dân tần tảo nhưng hát ca trù rất hay và đã được tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Gia đình ông Đặng Thái Sơn có 5 anh em trai, ông là người con thứ 4.
Đổng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải nhất hội thi chung khảo BCV giỏi toàn quốc năm 2019 cho BCV Đặng Thái Sơn.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao giải nhất hội thi chung khảo BCV giỏi toàn quốc năm 2019 cho BCV Đặng Thái Sơn.
Sinh ra trong một gia đình “nền nếp” như vậy, nên ông Đặng Thái Sơn sớm xác định được mục tiêu, lý tưởng của mình, muốn trở thành một quân nhân. Tháng 3-1979, trong thời điểm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra, ông Sơn khi đó chưa tốt nghiệp cấp 3, đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ nhưng không được chấp nhận. Đến tháng 8-1980, khi đang là sinh viên sư phạm toán, một lần nữa ông lại làm đơn xin nhập ngũ.
 
Vào quân đội, Đặng Thái Sơn được biên chế vào binh chủng không quân và sau đó được cử đi học đào tạo kỹ thuật vô tuyến điện tử tại Trường sỹ quan không quân Nha Trang (Khánh Hòa). Tốt nghiệp, ông Sơn được giữ lại làm giảng viên của trường từ năm 1984 đến 1988. Sau năm 1988, ông Sơn được điều động ra đơn vị ở sân bay Phú Cát (Bình Định) đảm nhận nhiệm vụ phân đội trưởng sửa chữa vô tuyến điện của máy bay.
 
“Tôi học kỹ thuật, bấy giờ lại được giao nhiệm vụ sửa chữa máy bay, những tưởng công việc sẽ không còn liên quan gì đến chính trị và tuyên huấn nữa. Thế nhưng, hình như cái “nghề” BCV là duyên tiền định đối với tôi, khi năm 2001, tổ chức lại điều động tôi trở lại Trường sỹ quan không quân Nha Trang và phân làm công tác tuyên huấn, một công việc mà bố tôi đã từng làm.”, Đặng Thái Sơn chia sẻ về cơ duyên dẫn ông đến với nghề BCV.
 
Và cũng từ đây, “nghề” BCV đã gắn bó với ông Sơn cho đến bây giờ. Mặc dù sau khi nghỉ hưu trong quân đội, ông chuyển sang làm kinh doanh, nhưng tình yêu và tâm huyết với “nghề” BCV vẫn “tròn trịa”, chưa khi nào vơi cạn.
 
“Người BCV phải biết 10 để nói 1”
 
Ông Sơn tâm sự, ông thật sự yêu “nghề” BCV của mình như tình yêu son sắt đối với Đảng, với Tổ quốc và quê hương. Bản thân ông nhận thức sâu sắc vai trò đặc biệt quan trọng của “nghề” BCV và công việc tuyên truyền miệng. Ông tâm niệm, muốn trở thành một BCV giỏi phải hội tụ được 3 yếu tố căn bản, đó là: phải tâm huyết với nghề, phải giàu tri thức và phải có một kỹ năng diễn đạt tốt. Trong đó, đặc biệt là vấn đề tri thức, người BCV phải biết 10 để nói 1.
 
“Tôi luôn hình dung giữa người BCV và người nghe như 2 bình nước thông nhau, nhưng người BCV phải có lượng nước đầy, nhiều hơn rất nhiều thì mới tạo đường chảy thông thoáng đến người nghe. Chứ người BCV mà chỉ biết 1 nói 1 thì kiến thức nghèo lắm, không cách gì để nói hay được. Vì vậy, khi chuẩn bị bất kỳ một bài nói nào, tôi cũng dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, thu thập thông tin. Bởi, thông tin có nhiều, có mới, có nhiều chiều, người BCV mới phân tích, truyền tải được bản chất vấn đề thì người nghe mới hào hứng lắng nghe, việc tuyên truyền của mình mới hiệu quả.”, ông tâm sự.
 
BCV Đặng Thái Sơn chia sẻ rằng, cũng từ những tâm niệm đó, có thể nói rằng, hàng chục năm làm “nghề” BCV, bản thân ông đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi để trau dồi, bổ sung, cập nhật kiến thức. “Tôi luôn tự dặn với lòng mình, đã làm “nghề” BCV thì không bao giờ được thỏa mãn, tự dừng lại. Đây là cái “nghề” mà suốt đời phải tích lũy, suốt đời học hỏi, phải luôn đổi mới, sáng tạo. Bản thân tôi luôn coi nó như chính cuộc sống vậy. Cuộc sống vốn luôn vận động, không bao giờ ngưng nghỉ thì người BCV cũng phải luôn vận động, tích lũy, đổi mới, sáng tạo, còn dừng lại chắc sẽ bị đào thải…”, ông trải lòng.
 
Giọng Quảng Bình không hề “trọ trẹ”!
 
Là người giành giải cao nhất của hội thi, BCV Đặng Thái Sơn chắc chắn đã thuyết phục được ban giám khảo, người nghe bằng tài năng, kiến thức và tâm huyết của mình. Vậy nhưng, kết quả này cũng được đánh giá là một bất ngờ, bởi từ trước đến nay, trong các hội thi “nói” ở quy mô toàn quốc, những người giành giải cao nhất thường là người ở khu vực miền Bắc với ưu thế “lợi khẩu”, chất giọng ngọt ngào.
Ông Đặng Thái Sơn hiện là hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình.
Ông Đặng Thái Sơn hiện là hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình.
“Thực tế là vậy, trong các cuộc giao tiếp, đặc biệt là trong các cuộc thi thuyết trình, hùng biện, giọng nói có một vai trò hết sức quan trọng, thậm chí là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công. Giọng nói phải rõ ràng, mạch lạc, truyền cảm thì mới thuyết phục được người nghe. Tất nhiên rồi. Người miền Bắc có chất giọng tốt, tuy nhiên, đôi khi vẫn phát âm lẫn lộn ở những âm như: ch, tr, x, r, l, n... Trong khi đó, giọng Quảng Bình mình hơi nặng, hay bị chê là “trọ trẹ”, nhưng cũng có ưu thế là phát âm những từ đó rất chuẩn, chỉ sai ở dấu hỏi và ngã. Vì vậy, trong quá trình dài làm BCV, tôi đã khắc phục những nhược điểm trên, phát huy được thế mạnh trong phát âm chính xác những âm: ch, tr, x, r, l, n… và chứng minh được rằng, giọng Quảng Bình không hề “trọ trẹ”, BCV Đặng Thái Sơn chia sẻ.
 
Chia sẻ thêm những “bí quyết” đã giúp ông giành được thành tích cao nhất tại hội thi, BCV Đặng Thái Sơn thổ lộ: “Trong cả quá trình tôi đi thi, có những yếu tố đã tác động, tạo động lực để tôi phấn đấu làm tốt nhất các nội dung dự thi. Đó là tâm huyết, tình yêu son sắt của tôi đối với Đảng, với cái “nghề” BCV mà tôi coi như một mối “lương duyên”. Đó là tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người cha của mình. Bản thân tôi khi tham dự hội thi là đang mong muốn làm được một điều gì đó để tưởng nhớ, tri ân đến người cha một lòng yêu Đảng, một thời là cán bộ tuyên huấn của Đảng. Và đó là tình cảm của các đồng chí lãnh đạo ở Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình, người thân, bạn bè… đã sát cánh, chia sẻ công việc, động viên, để cho tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ…”
 
 
BCV Đặng Thái Sơn (SN 1962), nguyên là một sỹ quan quân đội, hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình. Trước đó, ông công tác ở Trường sỹ quan không quân (Binh chủng PK-KQ). Đặng Thái Sơn có thâm niên 13 năm làm BCV trong quân đội và đạt được nhiều thành tích xuất sắc: giải nhất hội thi BCV giỏi quân chủng PK-KQ năm 2002, giải nhì hội thi BCV giỏi toàn quân năm 2003… Khi nghỉ hưu ở quân đội, về công tác ở Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình, Đặng Thái Sơn tham gia hội thi BCV giỏi toàn quốc năm 2019 từ cơ sở và lần lượt giành được các giải nhất toàn tỉnh, khu vực và đặc biệt là tại vòng chung khảo hội thi BCV giỏi toàn quốc năm 2019 tại Hà Nội, ông đã vượt qua 20 thí sinh, xuất sắc giành giải nhất.
 
Phan Phương
 

tin liên quan

"Họa sỹ nhí" và "Chuyện của Mây"
"Họa sỹ nhí" và "Chuyện của Mây"

(QBĐT) - "Chuyện của Mây" là cuốn truyện tranh với nội dung truyền thông về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên và thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và "họa sỹ" minh họa cho "Chuyện của Mây" là cô bé Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh lớp 8, Trường THCS số 1 Nam Lý (TP.Đồng Hới). 

Đầu xuân vãn cảnh núi Thần Đinh…
Đầu xuân vãn cảnh núi Thần Đinh…

(QBĐT) - Vào những ngày đầu năm Canh Tý 2020, hàng ngàn du khách thập phương đã lên núi Thần Đinh (thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) để dâng hương, cầu an, vãn cảnh.

"Vua mõ" trên dòng Kiến Giang
"Vua mõ" trên dòng Kiến Giang

(QBĐT) - Trên những chiếc đò bơi tại lễ hội bơi đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, khán giả đã quen mặt anh Hoàng Nhật Huy. Anh được nhiều người phong cho danh hiệu "vua mõ" vì cùng nhiều đội bơi giành 3 giải nhất hạng A và các giải thưởng khác.