icon facebook Facebook icon phone Liên hệ
icon category Chuyên mục

Mùa vui ở Rục Làn

  • 04:11, 27/11/2015
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đã định lên Rục Làn đúng mùa lúa chín, để ngắm lúa chín vàng những cánh đồng và nụ cười của trai gái bản làng mừng mùa gặt bội thu. Nhưng lần lữa mãi, tôi đến Rục Làn khi lúa đã gặt xong, những cánh đồng lúa nước hôm nào đẹp như tranh giờ chỉ còn trơ gốc rạ…

Chị Hồ Thị Páy (người đứng giữa) đạt giải ba hội thi cấy lúa.
Chị Hồ Thị Páy (người đứng giữa) đạt giải ba hội thi cấy lúa.

Mùa này, những ngôi nhà vắng bóng người. Già trẻ, trai gái ở bản người đi làm cỏ cao su, phát rừng để trồng mùa keo mới hay miệt mài đến trường ê a học chữ. Nhưng lạ kỳ là khi đứng một mình trong ngôi nhà vắng, giữa những sắc màu rực rỡ của áo quần phơi trong nắng chiều mà tôi đoán là của lũ trẻ, tôi cảm nhận rất rõ mùa vui đang về và ở lại với bà con Rục Làn...

Hình như mùa vui ấy đã đi theo con đường nối đường Hồ Chí Minh về đến tận bản. Năm 2013, khi đến đây, chúng tôi đã phải dừng chân ở nhiều điểm bởi đá lở chắn đường, bùn lầy đặc quánh. Hành trình lên đến ba bản của xã Thượng Hóa nằm lọt thỏm trong thung lũng Rục Làn gồm Yên Hợp, Ón, Mò O Ồ Ồ vô cùng gian nan đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên trong lòng mỗi người.

Bây giờ, lên Rục Làn, xe ô tô đã có thể chạy về tận bản. Con đường quanh co dài 15km từng là nỗi thách thức năm nào giờ đã hoàn thành, khi cắt ngang những vách núi dựng đứng, khi thong thả chạy giữa những cánh đồng. Và những ngôi nhà nhỏ nhấp nhô trong ráng chiều gợi cảm giác bình yên đến lạ.

Vào thăm một lớp học tại điểm chính ở bản Ón đúng vào giờ học sinh học hát, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi được nghe những con chim của núi rừng hát trong tiếng nhạc phát ra từ cây đàn organ. Trên bục giảng, thầy giáo trẻ đang say sưa đàn cho các em hát. Ngắm cảnh này, ít ai có thể hình dung rằng, gần 10 năm trước, tình trạng học sinh học đến lớp 5 không biết đọc, biết viết là “chuyện thường ngày ở Rục Làn”.

Cũng những năm ấy, có không ít  thầy giáo bỏ bê việc dạy, ru mình bằng men rượu, quên cả học trò đang chờ mình lên lớp. Có năm, học sinh bỏ học nguyên cả khối đến trên 30 em. Và đã từng có những cái án kỷ luật nặng nề mà hôm nay, trong câu chuyện, thi thoảng vẫn có người còn nhắc. Có lẽ đó là những mùa rất buồn đã từng diễn ra trong quá khứ ở thung lũng Rục Làn.

Rời bản Ón, xe chạy chỉ chưa đầy năm phút đã đưa chúng tôi đến bản Mò O Ồ Ồ. Vẫn những ngôi nhà bình yên trong ráng chiều, lớp học ê a tiếng trẻ. Trẻ con Rục Làn nhanh nhảu như con hươu con nai giữa rừng, mắt sáng và miệng luôn cười. Giờ ra chơi, cả trường ùa ra sân, chơi những trò mà thế hệ học trò chúng tôi từng trải qua như nhảy dây, ô ăn quan... Ngắm những bím tóc cháy nắng rập rờn theo bước chân các em, chợt ngỡ ngàng như gặp lại ký ức những ngày xưa cũ...

Đồng hành cùng bà con dân bản, mang lại những đổi thay ngỡ ngàng cho vùng đất này, không thể không kể đến vai trò của những người lính mang quân hàm xanh. Trước năm 2007, Đồn Biên phòng Cà Xèng đóng ở đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm xã và các bản trên 15km.

Đại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Trước tình trạng kém phát triển của địa phương, đặc biệt là các bản đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời để đồn đóng quân sát biên giới hơn, năm 2007, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định dời doanh trại của đồn từ đường Hồ Chí Minh về bản Mò O Ồ Ồ. Để rồi từ đó, bộ đội biên phòng “bốn cùng” với bà con.

Theo chân một đồng chí bộ đội biên phòng, chúng tôi đến nhà chị Hồ Thị Páy, một điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương. Nhà vắng, thấy có khách đứng trong sân, người hàng xóm của chị chạy sang bảo, chị Páy đang đi phát rừng để trồng keo. Khi nghe tôi hỏi, rừng chị Páy xa không, ở đâu để tiếp tục tìm đến, người hàng xóm bảo “Gần thôi, cứ chạy theo đường này là đến. Mà chị Páy đã phát xong rừng của mình, giờ đang phát rừng cho người khác!”.

Nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, anh bộ đội biên phòng giải thích: “Ở đây bà con luân phiên giúp nhau. Nhà này phát xong rừng thì đi phát tiếp cho nhà kia, nên rừng nối rừng, vào mùa trồng mới, rừng đẹp như tranh”. Rồi anh đưa tôi đến nơi chị Páy và bà con đang phát cây bụi, chuẩn bị cho mùa trồng keo mới. Họ râm ran chào nhau, bàn chuyện ngày mai ngày kia trồng ở rừng của nhà ai trước, khi nào trồng xong keo thì đi làm cỏ cao su, giúp đôi vợ chồng trẻ mới cưới dựng nhà... vui như rủ nhau đi hội.

Một trong những đổi thay lớn không thể không nhắc đến ở thung lũng Rục Làn là việc người dân nơi đây đã bắt đầu làm quen với cây lúa nước. Nếu những mùa lúa đầu tiên, bà con vô cùng bỡ ngỡ, thì đến nay, sau năm mùa lúa, nhiều người đã thoăn thoắt tay cấy tay cày. 10 ha lúa đã bén rễ thân quen với vùng đất mới, như người Rục đã quen với định canh định cư, quen với cái chữ và cây lúa, cây cao su trên những vùng đất mới.

Với điều kiện thời tiết nơi đây, năng suất lúa ổn định từ 35 tạ đến 40 tạ/ha. Nếu đem so với những vựa lúa miền xuôi, thì đây mới chỉ là con số rất khiêm tốn. Nhưng với Rục Làn, thì đó là kết quả của cả một hành trình dài nỗ lực, đoàn kết và không ngừng sáng tạo của bà con, của chính quyền địa phương và đặc biệt là vai trò của những chiến sĩ mang quân hàm xanh.

Ngày lúa chín, người Rục Làn ra đồng gặt lúa, nô nức như đi hội. Ngày vào vụ mới, bộ đội biên phòng tổ chức cho bà con thi cấy lúa. Từ những đôi tay thuần thục, cánh đồng Rục Làn dần hiện ra qua những chân mạ xanh mướt, thẳng tắp, đẹp như một bức tranh. Theo thời gian, bức tranh ấy mẩy hạt, chín vàng, tạo thành một vòng tròn khép kín chở những ấm no, hạnh phúc cho đồng bào...

Thầy giáo Hồ Tiến Nam và lớp học VNEN.
Thầy giáo Hồ Tiến Nam và lớp học VNEN.

Trước khi về xuôi, chúng tôi dừng chân tại điểm trường Yên Hợp. Bước chân vào một lớp học, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi mô hình trường tiểu học mới (VNEN) đang hiện hữu tại đây. Những cô cậu học trò người Rục nhanh nhẹn như con hươu, con nai không chút ngại ngần khi được hỏi chuyện. Sau 50 năm rời hang đá, nơi đây đã có thầy giáo người Rục đầu tiên, đó là Hồ Tiến Nam.

Vật lộn với bao khó khăn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và đông anh em, Nam tốt nghiệp Trường đại học Quảng Bình vào năm 2013 và trở lại quê hương, dạy chữ cho con em bản Yên Hợp. Lớp học VNEN được trang trí rực rỡ, tươi tắn. Thầy giáo trẻ hồ hởi đón chúng tôi và giới thiệu về lớp học của mình, về những học trò mỗi sáng tinh sương chăm chỉ đến trường, nối tiếp ước mơ của mẹ cha, anh chị về một ngày mai tươi sáng...

Tạm biệt Thượng Hóa, tôi biết mình sẽ nhớ mãi những mùa vui nơi đây. Cả những ngỡ ngàng khi đi dọc bản Yên Hợp, hoa hồng rực rỡ hiện hữu trong rất nhiều ngôi nhà. Dường như thung lũng Rục Làn không chỉ đơn thuần đổi thay ở việc bà con dân tộc đã biết định canh định cư, nuôi con trâu con bò, trồng cây lúa, cây keo tràm, cao su..., mà họ đã làm quen và yêu những loài hoa mới, hiện thân cho vẻ đẹp tinh thần mới mẻ.

Phải chăng bởi tất cả những điều ấy, người Rục đã lọt vào top 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới, là cảm hứng khám phá không bao giờ cũ cho mọi người. Và người Rục, sau hơn nửa thế kỷ rời hang đá, đã và đang viết nên những mùa vui...

Ngọc Mai


 

tin liên quan

Vài cảm nhận về du lịch trên đất Tây Nguyên - Kỳ 1: Lâm Đồng-hướng tới du lịch nông nghiệp sạch
Vài cảm nhận về du lịch trên đất Tây Nguyên - Kỳ 1: Lâm Đồng-hướng tới du lịch nông nghiệp sạch

(QBĐT) - Trung tuần tháng 11 năm 2015, chúng tôi tham gia cùng đoàn công tác của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình trong chuyến xúc tiến du lịch tại thành phố  Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Sau những đợt giới thiệu, quảng bá, kết nối du lịch tại các tỉnh miền Bắc, miền Nam, giờ đây lần đầu tiên hoạt động liên kết du lịch của tỉnh ta lại được diễn ra tại xứ sở du lịch nổi tiếng Đà Lạt.

Khởi sắc Lệ Ninh
Khởi sắc Lệ Ninh

(QBĐT) - Bí thư Đảng ủy thị trấn Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy) Trịnh Thanh Lâm, bộc bạch rằng: Gần nửa thế kỷ xây dựng, từ một vùng đất hoang sơ, bộn bề khó khăn, thị trấn Nông trường Lệ Ninh hôm nay đã là một vùng đất trù phú.

Người Mày anh em - Bài 5: Lệ tục viễn xưa
Người Mày anh em - Bài 5: Lệ tục viễn xưa

(QBĐT) - Với người Mày, lửa sinh ra nhịp điệu cuộc sống, ánh sáng của lửa xua tan bóng đêm để được ngồi bên già làng nghe kể các sự tích xưa. Vì thế, lửa được cúng tế như vị thần quan trọng trong căn nhà người Mày. Và họ còn cổ tục khác về thờ ma, yêu ma, thương ma, nhớ ma.