(QBĐT) - Thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình đã hai lần vinh dự được sang thăm và giao lưu văn nghệ tại đất nước Lào anh em. Ngày đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mối quan hệ Việt-Lào là quan hệ đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long".
![]() |
Múa Phu Chăm Xi. |
Suốt dọc biên giới phía Tây, tất cả các tỉnh có đường biên với Lào đều tiến hành kết nghĩa với tỉnh bạn, trong đó Quảng Bình kết nghĩa với tỉnh Savannakhet(*). Lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể đã có nhiều cuộc viếng thăm nhau trao đổi kinh nghiệm, phối hợp chiến đấu, giao lưu nhân dân hoặc giao lưu văn hóa nghệ thuật. Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình có mặt tại Savannakhet là thực hiện chương trình đó.
Lần thứ nhất, tháng 7-1973, đoàn đại biểu lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình do đồng chí Đặng Gia Tất, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn với thành phần có Lãnh đạo quân - dân - chính - Đảng của tỉnh. Đại diện giới văn nghệ sỹ là nhà thơ Xuân Hoàng (Hội VHNT) và Đoàn văn công Tỉnh đội.
Từ Đồng Hới, hai chiếc xe quân sự phủ kín lá ngụy trang đưa chúng tôi ngược đường 20 lên miền Tây để vượt cửa khẩu Cà Roòng, bắt đầu đặt chân lên đất bạn Lào. Hình ảnh đậm nét đầu tiên là đèo Phu La Nhích. Đây là ngọn đèo cao nằm sát biên giới Việt - Lào. Giữa mênh mông của rừng xanh bạt ngàn Trường Sơn, Phu La Nhích nổi bật lên một màu đỏ đầy ấn tượng. Đây là một trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ để ngăn chặn tuyến giao thông vận chuyển hàng vào Nam của ta trên đất bạn Lào, được mệnh danh là một trong những túi bom Đông Dương.
Một ngọn đèo (cả lên lẫn xuống dài khoảng 7km) chỉ một màu đỏ quạch, rải rác chỉ còn vài gốc cây cổ thụ. Xe chạy giữa bập bềnh trong đất bụi. Khi leo lên đến đỉnh dốc, bỗng một hình ảnh xúc động đập vào mắt chúng tôi: trong làn bụi đất đỏ giữa cái nắng hè bốc lửa xuất hiện hai cô gái súng quàng vai, trên tay giăng một băng rôn màu đỏ với dòng chữ: "Chào mừng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình" đứng bên đường vẫy tay chào đoàn. Đó là một nữ dân quân Lào mang sắc phục dân tộc và một nữ TNXP Việt Nam.
Thật quá ngỡ ngàng. Không ai bảo ai, anh chị em văn công trên xe đều nhất loạt reo lên và cùng cất tiếng hát "Hoa Chăm Pa" cùng với nhịp tay đánh vào ba lô, thành xe hoặc bất cứ vật gì có được tạo thành âm thanh tổng hợp hòa với giai điệu bài hát để đáp lại hình ảnh không thể đẹp hơn của hai cô gái trên đỉnh Phu La Nhích.
Dọc tuyến hành quân, chúng tôi ghé thăm và biểu diễn phục vụ Sư đoàn 842 (quân tình nguyện Việt Nam). Được đơn vị đón tiếp thân mật, giữa núi rừng Trường Sơn mà chúng tôi được ăn bánh mì pate, thưởng thức kẹo Hải Châu, uống chè gói Thanh Tâm... Từ đây, đoàn phải vượt qua gần 50km đường rừng mới đến được nơi tập kết phục vụ bạn.
Chuyến đi này diễn ra gần một tháng với hàng chục buổi biểu diễn cho bộ đội tình nguyện, các cơ quan tỉnh, bộ đội và dân bản trong tỉnh Savanakhet...
Lần thứ hai, đó là một buổi sáng giữa tháng 5-1975, chỉ gần hai tuần sau ngày chiến thắng 30-4. Xuất phát từ Cơ quan Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, đoàn qua phà Quán Hàu thẳng quốc lộ 1A. Khi đến cầu Hiền Lương, đoàn dừng lại chụp ảnh kỷ niệm và tiếp tục lên đường vào Đông Hà rẽ phải theo đường 9 lên phía Tây.
Đường 9 - con đường huyết mạch nằm trên tuyến hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra với bao địa danh chiến thắng: Cam Lộ, Làng vây, Tà Cơn, Khe Sanh. Điểm cao 544... cùng với đó là những ca khúc bất tử: Suối La La, Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Chào đường 9 anh hùng (Lê Anh Chiến)... ca ngợi tình chiến đấu đánh Mỹ giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em.
Dọc hai bên đường là những hố bom, đạn pháo, xác đủ các loại xe tăng M41, xe bọc thép M113, xe quân cụ, những trận địa pháo 175ly (vua chiến trường) cùng với cơ man dây kẽm gai, vỏ đạn pháo vung vãi...
14h, đoàn đến Lao Bảo, điểm biên giới Việt - Lào, dòng Xê Băng Hiên, một con sông vùng biên rất hung hãn về mùa mưa nhưng giờ đây lại hiền hòa, lòng sông hẹp lại, cạn nước.
Trước đây có một chiếc cầu bê tông bắc sang nhưng đã bị đánh phá sập nên xe của chúng tôi phải nhích từng thước một để vượt qua ngầm Tà Khống. Đến giữa ngầm, đồng chí Trưởng đoàn Lê Văn Ứng cho xe dừng lại để chụp ảnh kỷ niệm. Có lẽ đây là những hình ảnh khó quên trong hành trang của đời lính văn nghệ chúng tôi trên đất bạn Lào.
Qua khỏi ngầm Tà Khống, chúng tôi đặt chân lên huyện SêPôn, một địa bàn biên giới của Lào. Từ đây xe chạy luồn lách dưới những tán rừng săng lẻ cổ thụ hoặc rừng khộp bạt ngàn, qua sân bay Tà Khống, huyện Mường Phìn, các bản Na Nhôm, Na tơ... và đến tối hôm đó, đoàn có mặt tại địa điểm sơ tán của cơ quan Tỉnh ủy Savanakhet. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo cơ quan của bạn đã đón tiếp chúng tôi trong không khí hết sức chân tình và chu đáo.
Buổi biểu diễn đầu tiên của đoàn trên đất Lào trong chuyến đi này đã để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Ngoài các tiết mục chính, Ban chỉ huy đoàn đã cho dàn dựng một số tiết mục mang đặc trưng của dân tộc Lào như: múa Hoa Chăm Pa, Lăm Tơi (dân ca Lào), múa Pu Chăm Xi (nhạc sĩ Ánh Dương). Một số ca khúc phản ánh tình hữu nghị Việt - Lào như: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn (Hoàng Hà), Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp), Sợi nhớ, sợi thương, đặc biệt là tốp ca nam nữ với ca khúc Quảng Bình - Savanakhet của nhạc sĩ Quách Mộng Lân (Ty Văn hóa Quảng Bình). Kết thúc buổi biểu diễn đầu tiên, đồng chí Xu Vẳn thay mặt lãnh đạo tỉnh lên sân khấu tặng hoa cảm ơn đoàn.
Tiếp theo những ngày trên đất bạn Lào, đoàn đã có hơn 20 buổi về tận cơ sở bản làng, đơn vị bộ đội Pa thét Lào biểu diễn phục vụ. Thời đó, điều kiện vật chất trang bị còn khó khăn. Về ánh sáng, đoàn được đồng chí Nguyễn Tư Thoan (Bí thư Tỉnh ủy) tặng một chiếc máy nổ có công suất 1,5KW nhưng thỉnh thoảng bị sự cố nên thường phải dùng 2 chiếc đèn măng-sông phục vụ ánh sáng, vừa phù hợp với tính chất xung kích gọn nhẹ, vừa đối phó kịp thời với máy bay ban đêm của không quân Mỹ.
Sân khấu biểu diễn thường là những đám đất phẳng dưới tán rừng cây săng lẻ hoặc dưới bóng cây xoài, cây me, cây hoa sứ cổ thụ trong sân chùa. Bộ đội Lào, bà con trong bản ngồi xem văn công biểu diễn chỉ cách diễn viên một sải tay! Những lúc đèn măng-sông hỏng, trưởng bản huy động bà con lấy nhựa cà boong làm đuốc, thắp lên để tiếp tục buổi diễn...
Thật cảm động, mỗi khi có tiết mục hay, mọi người vỗ tay râm ran: "Xôm xơi tà hán Việt Nam! Tà hán xi nê pá Quảng Bình ngam ngam lái". (Hoan hô bộ đội Việt Nam - Bộ đội văn công Quảng Bình đẹp lắm). Có đêm, sau khi chương trình kết thúc, chúng tôi đang dọn dẹp sân khấu, bỗng thấy ông trưởng bản và mấy thanh niên khiêng một con lợn (khoảng hơn 10kg) đến gặp đồng chí Ứng (trưởng đoàn). Sau một hồi "líu lo", cô Kiêng Khăm (người được bạn phân công theo đoàn) phiên dịch lại rằng: Bộ đội Việt Nam múa, hát hay lắm. Bà con dân bản có con lợn mang đến cho bộ đội ăn no cái bụng để múa hát nữa!. Sau một hồi từ chối không được, đồng chí Ứng đành phải nhận và cảm ơn tấm lòng của dân bản.
Trong chương trình hoạt động, đoàn còn có buổi gặp mặt giao lưu với Đội văn nghệ của tỉnh bạn. Tuy là văn nghệ nghiệp dư nhưng chương trình của đội bạn cũng có nhiều tiết mục độc đáo. Nhất là các điệu Lăm đặc trưng của từng vùng, miền các bộ tộc Lào cũng như âm sắc hài hòa của các loại khèn - một thức nhạc cụ được ghép bằng nhiều ống cây thuộc họ tre.
![]() |
Giữa ngầm Tà Khống. |
Trong buổi giao lưu, bạn tặng chúng tôi những sản phẩm được làm thủ công bằng tay như: túi thổ cẩm, khăn quàng, pha phe... Đoàn chúng tôi cũng tặng lại bạn một số dụng cụ hóa trang: son, phấn, bút chì kẻ mắt, dây đàn, giấy chép nhạc...
Đợt lưu diễn lần này lại đúng vào dịp tết của bạn có Hội té nước (còn gọi là Tết Bun Pi May hay Bun Hót Nậm). Đây là tết cổ truyền của các bộ tộc Lào diễn ra giữa tháng 4 hàng năm (theo Phật lịch). Bạn tổ chức gặp mặt đoàn, làm lễ chúc phúc, buộc chỉ cổ tay cho mọi người và suốt trong ngày đó, chúng tôi ai cũng ướt đẫm vì được chúc Tết và té nước. Cứ mỗi lời chúc là được té một ít nước thơm (ngâm với hoa Chăm Pa), ai được té nhiều nước là người đó được nhiều hạnh phúc... Đêm đến sau lễ hội té nước là cuộc vui "phòn lăm vong xam ma khi" (múa lăm vông đoàn kết).
Dưới ánh đuốc cà boong bập bùng, từng cặp nam, nữ (Việt - Lào) tạo thành một vòng tròn lớn dập dìu bên nhau, những bước chân uyển chuyển, những ngón tay cuộn tròn mềm mại mời gọi những cô gái Lào trong sắc phục dân tộc bên cạnh màu xanh của bộ quân phục bộ đội Việt Nam... Thỉnh thoảng một anh thanh niên Lào xách can rượu, rót vào cốc chuyền tay từng "diễn viên múa" và thật lạ lùng, ai cũng nhấp môi, không một ai từ chối cái chất men cay nồng trong không khí đó mà tất cả đều hưởng ứng "Xam ma khi - kinh lậu mớt" (đoàn kết - uống hết rượu).
Một tháng trên đất bạn Lào trôi qua thật nhanh nhưng đã để lại trong mỗi một cán bộ diễn viên Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình nhiều ấn tượng đẹp. Hình ảnh núi rừng miền Tây Trường Sơn hùng vĩ, những cô gái Lào trong sắc phục dân tộc sặc sỡ, hương vị men nồng của rượu cần, vị dẻo ngọt của típ xôi nương... cùng với những tình cảm đồng chí thân thiết, chân thật... của 40 năm về trước không bao giờ quên đối với mỗi chúng tôi.
Đoàn Thị
-------------------------------------------
(*) Sau năm 1975, Quảng Bình kết nghĩa với tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Quảng Trị kết nghĩa với Savanakhet.