(QBĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) thời gian qua tuy có nhiều biến động, nhưng sức hút lúc nào cũng lớn. Lợi dụng điều này, Chính-một môi giới BĐS hay còn gọi là “cò đất”, đã sử dụng nhiều thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư. Và đã phạm tội thì phải trả giá, âu đó cũng là quy luật ở đời...
Chiêu trò...
Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Chính luôn “xây mộng làm giàu” nhanh để thoát khỏi cảnh túng quẫn, nghèo khó. Thấy nhiều người chuyên môi giới BĐS phất lên chỉ trong thời gian ngắn, Chính cũng chọn nghề “cò đất” để mong đổi đời, dù chưa có kiến thức cũng như hiểu biết sâu về công việc này. “Cò đất” được xem là người chuyên kết nối bên mua và bên bán nhà, đất gặp nhau, thỏa thuận để tiến tới giao dịch mua bán. Trong khi đó, Chính đã lợi dụng việc “cò đất” để thực hiện các hành vi sai trái: Dùng thủ đoạn gian dối, đưa thông tin về BĐS khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu và đăng bán trên các trang mạng xã hội, Chính đã khiến nhiều người mua tin tưởng, đặt cọc tiền để chiếm đoạt.
Vụ việc đầu tiên xảy ra vào đầu tháng 3/2023, Chính nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nên dùng thông tin về thửa đất để đăng bán trên mạng xã hội, với giá 330 triệu đồng. Chị Dương-một nhà đầu tư đã liên hệ mua (do đang trong giai đoạn sinh con nên chị Dương nhờ em trai trực tiếp giao dịch với Chính-P.V), thì được Chính yêu cầu đặt cọc 30 triệu đồng. Chị Dương đồng ý và chuyển số tiền cọc 30 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Chính chiếm đoạt và sử dụng tiêu xài cá nhân. Đến cuối tháng 3/2023, Chính tiếp tục yêu cầu chị Dương trả thêm 300 triệu đồng để nộp thuế, với lý do đây là đất đấu giá để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tin lời Chính, chị Dương đã giao 300 triệu đồng cho Chính. Sau khi nhận được tiền, Chính tiếp tục chiếm đoạt. Khi đến hạn, Chính không có đất để giao nên nói dối có người khác mua với giá cao hơn, rồi chuyển lại cho chị Dương 30 triệu đồng. Đến đầu tháng 6/2023, Chính đến nhà chị Dương viết giấy vay nợ, xin trả dần. Sau đó, Chính nhiều lần chuyển trả cho chị Dương hơn 32 triệu đồng. Tổng số tiền Chính chiếm đoạt của chị Dương là gần 268 triệu đồng.
Cùng thời điểm đó, do có quen biết và đã từng giao dịch BĐS, nên Chính liên hệ với chị Tân kêu gọi góp vốn đầu tư. Chính đề nghị chị Tân chuyển 170 triệu đồng để đầu tư 2 thửa đất. Do tin tưởng, chị Tân không xem đất, không kiểm chứng thông tin mà chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho Chính. Để tạo lòng tin với chị Tân, Chính đã có động thái chuyển lại cho chị Tân 75 triệu đồng. Đầu năm 2024, Chính tiếp tục kêu gọi chị Tân đầu tư BĐS. Nghe Chính “vẽ” lên dự án mùi tai, từ tháng 4-7/2024, chị Tân đã chuyển cho Chính 223 triệu đồng để đầu tư BĐS. Nhưng sau khi nhận được tiền của chị Tân, Chính chỉ dùng để phục vụ nhu cầu cá nhân. Chính đã chiếm đoạt của chị Tân tổng số tiền 318 triệu đồng...
Đáng nói, đây không phải 2 trường hợp rơi vào “bẫy” của Chính. Lợi dụng sự cả tin và thiếu thông tin của những nhà đầu tư “lướt ván” hoặc mua nhà, đất để cất dành mà không ngần ngại “xuống tiền”, thậm chí còn tranh nhau mua, với hy vọng sẽ kiếm được khoản lời kếch xù trong thời gian ngắn, từ năm 2023-2024, Chính đã thực hiện nhiều chiêu trò, thủ đoạn, mánh khóe để lừa đảo và chiếm đoạt của 9 bị hại tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Trả giá
Phần tranh tụng tại phiên tòa bắt đầu bằng việc kiểm sát viên công bố bản cáo trạng. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã phân tích tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà Chính đã thực hiện. Vẫn giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bố bị cáo Chính phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự: Đề nghị xử phạt từ 17-18 năm tù; buộc bồi thường cho các bị hại số tiền gần 5 tỷ đồng.
Chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Chính có ý kiến gì về nội dung cáo trạng không? Lúc này, với gương mặt thất thần, Chính đã thừa nhận toàn bộ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đúng như bản cáo trạng và chỉ xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, sau khi thống nhất về tội danh và khung hình phạt cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã đề nghị, luật sư bào chữa cho bị cáo Chính đã đề nghị HĐXX khi quyết định hình phạt cần xem xét cho bị cáo vì đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và đã tác động gia đình nộp lại một phần tiền để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, tính chất của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo Chính không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Bị cáo Chính là người làm trong giới kinh doanh BĐS nhưng lợi dụng sự cả tin và nhu cầu sử dụng đất của các bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Do đó, cần áp dụng hình phạt nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục, cải tạo. Đặc biệt, bị cáo Chính thực hiện hành vi nhiều lần nên phải chịu tình tiết tăng nặng...
Có lẽ, cái giá phải trả của Chính khi mới ngoài 35 tuổi là bài học nhãn tiền cho những ai muốn “đổi đời” nhanh nhưng không bằng mồ hôi, công sức, chất xám của bản thân và không tuân thủ quy định của pháp luật. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những nhà đầu tư BĐS, trước bất kỳ giao dịch nào cũng phải tìm hiểu kỹ thông tin, để tránh những rủi ro không đáng có.
Thùy Lâm
(*) Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.