Làm gì để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến?

  • 08:03, 11/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và những ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội, thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội “nở rộ” với nhiều hình thức. Một trong những môi trường thuận lợi để những kẻ bất chính thực hiện hành vi lừa đảo là mua hàng trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử (TMĐT). Trở thành người tiêu dùng thông minh trong thời đại công nghệ số là điều mỗi người cần lưu tâm để tránh thiệt hại, bảo vệ chính mình.
 
Những "kịch bản" lừa đảo
 
Trong số những sàn TMĐT lớn, Shopee, Lazada là những ứng dụng phổ biến được nhiều người tiêu dùng biết đến. Với nhiều chính sách thuận lợi, như: Dễ dàng đổi, trả hàng, có khuyến mãi, giảm giá, chất lượng hàng hóa cơ bản bảo đảm, chủng loại đa dạng…, các trang TMĐT này thu hút lượng khách hàng ngày càng cao. Lợi dụng những ưu điểm này, thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo đã xuất hiện và sử dụng Shopee, Lazada làm “mồi nhử”.
 
Một trong những thủ đoạn phổ biến của đối tượng lừa đảo là thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí với lý do bạn là khách hàng thân thiết của ứng dụng. Với hình thức này, thông thường khách hàng sẽ chỉ được yêu cầu thanh toán tiền giao hàng với mức khoảng 30.000-50.000 đồng khi nhận quà. Rất nhiều người tiêu dùng đã mất cảnh giác trước chiêu trò này bởi số tiền thanh toán nhỏ, không đáng kể. Khi nhận được những “món quà” là giấy báo cũ, túi nilon… và phát hiện ra mình bị lừa cũng chỉ tặc lưỡi bỏ qua bởi số tiền bị mất không lớn.
 
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu tâm trong trường hợp này là vì sao thông tin cá nhân sử dụng khi mua hàng của mình bị lộ để kẻ lừa đảo sử dụng. Bởi nhiều vụ lừa đảo không chỉ giản đơn dừng lại ở việc chiếm dụng phí giao hàng, mà sẽ là những kịch bản nghiêm trọng hơn như lừa bấm vào đường link để xác minh thông tin nhận quà. Nếu vô tình làm theo, nguy cơ tiền trong tài khoản bị “bốc hơi” là hoàn toàn có thật.
Đơn hàng của đối tượng lừa đảo có thông tin trùng khớp với đơn hàng đặt tại ứng dụng Shopee.
Đơn hàng của đối tượng lừa đảo có thông tin trùng khớp với đơn hàng đặt tại ứng dụng Shopee.
Một “kịch bản” nữa là khách hàng được shipper điện giao hàng với thông tin đúng như món hàng vừa đặt xong. Chị Nguyễn Thị Thanh Huệ, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) cho biết, sau khi đặt hàng là bộ pijama nữ, mấy ngày sau chị nhận được điện thoại giao hàng với thông tin hoàn toàn trùng khớp. Như thường lệ sau khi xác nhận người nhà đã nhận hàng, chị nhanh chóng chuyển khoản cho người giao hàng. Tối về kiểm hàng, chị nhận được bộ quần áo cũ được gói nhiều lớp giấy bóng. Xem kỹ lại bao bì, chị Huệ phát hiện địa chỉ người bán hàng không đúng như chị đặt mua trên hệ thống. Và đơn hàng chính xác của chị hiện vẫn đang trên đường giao. Sau nỗ lực liên hệ với cửa hàng, người giao hàng và khiếu kiện với đơn vị vận chuyển không thành công, lúc này chị phát hiện mình đã mắc bẫy đối tượng lừa đảo do chủ quan...
 
Để an toàn khi mua hàng trực tuyến
 
Những tình huống nêu trên dù được lặp đi lặp lại với nhiều người, cơ quan Công an và các phương tiện thông tin đại chúng từng cảnh báo nhưng vẫn có khách hàng bị mắc bẫy. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan của người mua, nhất là việc “vô tư” công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội nói chung, khi mua hàng nói riêng, đã tạo điều kiện để đối tượng lừa đảo lợi dụng. Khi nhận ra bị lừa đảo nhưng giá trị không lớn nên đa số khách hàng tặc lưỡi bỏ qua, không trình báo với cơ quan chức năng.
 
Bên cạnh đó, một số khách hàng cẩn trọng, chỉ mua hàng và cung cấp thông tin qua các trang TMĐT có uy tín, vẫn bị lộ lọt thông tin cá nhân. Việc thông tin cá nhân bị kẻ gian đánh cắp và sử dụng để lừa đảo vẫn là vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng lừa đảo khi mua hàng trực tuyến nói riêng, trên không gian mạng nói chung.
 
Việc lựa chọn các trang TMĐT, ứng dụng tin cậy để mua hàng cũng bảo đảm an toàn về chất lượng hàng hóa. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý hiệu quả tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường nói chung, kinh doanh trực tuyến nói riêng. Đây là điều người tiêu dùng cần lưu ý để bảo vệ chính mình, tránh bị thiệt hại.
 
Thời gian qua, Công an tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo giúp người dân phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, hai nội dung quan trọng cần thực hiện là người dân phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng; phải liên hệ với Công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo.
Các trang TMĐT đã có các khuyến cáo khách hàng không thanh toán trước cho shipper khi chưa nhận được hàng hoặc chưa kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng; từ chối nhận hàng khi đơn hàng có nội dung “không đồng kiểm”. Quá trình đặt hàng tránh công khai thông tin cá nhân, thông tin thanh toán, thông tin đơn hàng cho bất kỳ ai. Những việc này không chỉ bảo vệ khách hàng mà cả uy tín của cửa hàng kinh doanh trên sàn TMĐT.
 
Khi tham gia mua hàng trực tuyến, cần lưu ý lựa chọn các cửa hàng uy tín; cảnh giác trước những lời mời chào tặng quà tri ân, mua hàng giá rẻ. “Sau một lần mua hàng trực tuyến bị lừa nhận phải hàng kém chất lượng, bản thân tôi đã rút kinh nghiệm và chú ý tìm hiểu thông tin trên báo, trên mạng xã hội để chủ động trước các tình huống lừa đảo khác nhau. Tôi tuyệt đối không thanh toán tiền trước khi nhận và kiểm tra kỹ đơn hàng, không tham quà tặng hay mua hàng giá 0 đồng, không bấm vào các đường link không rõ nguồn gốc. Hiện tại, các cửa hàng có chính sách giao và kiểm tra hàng trước khi thanh toán nên mình cứ thế thực hiện, sẽ cơ bản tránh được việc bị kẻ gian lừa đảo”, chị Nguyễn Thị Thu Trang, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) chia sẻ về “bí quyết” mua hàng trực tuyến của mình.
Ngọc Mai

tin liên quan

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan học phí
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo liên quan học phí

Gần đây xuất hiện các đối tượng lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh công lập, để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh học sinh, phổ biến là gọi điện, nhắn tin hoàn tiền học phí đã đóng.

Ngăn chặn triệt để hành vi lấn chiếm vỉa hè: Cần có giải pháp căn cơ
Ngăn chặn triệt để hành vi lấn chiếm vỉa hè: Cần có giải pháp căn cơ

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển của đô thị, những năm qua, tình trạng một bộ phận người dân trên địa bàn TP. Đồng Hới lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để làm nơi buôn bán, kinh doanh diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn giao thông. 

Cần xử lý nghiêm hành vi dán, che biển số xe
Cần xử lý nghiêm hành vi dán, che biển số xe

(QBĐT) - Thời gian qua có rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô, mô tô cố tình dán, che biển số để né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và hệ thống camera giám sát khi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.