(QBĐT) - Việc tập trung các nguồn lực nhằm đầu tư, phát triển và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp cấp thiết trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Từ đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 909km quốc lộ, 367km đường tỉnh, 510km đường đô thị, 735km đường huyện, 51km đường chuyên dùng và trên 6.658km đường giao thông nông thôn, 230km đường thủy nội địa. Những năm qua, bên cạnh việc huy động các nguồn lực nhằm đầu tư, xây dựng mới theo hướng hiện đại, các cấp, ngành trong tỉnh cũng chú trọng công tác quản lý, bảo trì và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông theo phân cấp quản lý. Đây được xem là giải pháp cấp thiết nhằm bảo đảm môi trường giao thông luôn thông suốt, an toàn và kiềm chế tối đa TNGT.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Thủy cho hay, thời gian qua, các ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành rà soát các điểm tiềm ẩn có nguy cơ mất ATGT để có hướng xử lý kịp thời, bảo đảm giao thông luôn thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
![]() |
Trên tuyến đường bộ, các đơn vị chức năng kịp thời bổ sung, thay thế hệ thống báo hiệu, đèn tín hiệu bị mất, hư hỏng; bổ sung vạch sơn tại các tuyến đường có mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra tai nạn. Đồng thời, tăng cường công tác bảo đảm ATGT trên đường đang khai thác, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các kỳ thi và mùa du lịch hè.
Các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; tuyên truyền, vận động, phối hợp thu hẹp lại các lối đi tự mở qua đường sắt bị người dân tháo dỡ để qua lại nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã đóng 19 lối đi tự mở qua đường sắt; bảo vệ, quản lý 120 lối đi tự mở qua đường sắt; cắm đủ biển “Chú ý tàu hỏa” tại 120 lối đi tự mở qua đường sắt, quản lý, bảo vệ đúng quy định; phát quang giải tỏa tầm nhìn tại 52 đường ngang.
Trên các tuyến đường thủy nội địa được đầu tư lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, nhất là công tác điều tiết giao thông đối với các công trình cầu vượt sông đang thi công.
Tuy nhiên, trên thực tế, qua thời gian khai thác, một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, các khu đô thị, dân cư mới hình thành cùng với sự gia tăng của người và phương tiện, một số điểm giao cắt, nút giao thông tiềm ẩn phức tạp xuất hiện, làm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, trên các tuyến quốc lộ chính chạy qua địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập...
Điển hình như tuyến Quốc lộ 12A qua địa bàn huyện Minh Hóa, nhất là đoạn từ xã Hồng Hóa đến xã Trung Hóa và ngã ba Khe Ve lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Theo thống kê của Ban ATGT huyện Minh Hóa, trong năm 2024, toàn huyện xảy ra 20 vụ TNGT, chết 14 người, bị thương 11 người, thiệt hại tài sản hơn 800 triệu đồng. Điều đáng nói, hầu hết các vụ TNGT chết người đều xảy ra trên các cung đường “tử thần” này. Người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền và đề xuất qua các buổi tiếp xúc cử tri với hy vọng được quan tâm đầu tư, mở rộng để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham giao thông.
Ông Trương Quốc Toán, một người dân huyện Minh Hóa cho biết, đây là đoạn đường có mật độ giao thông cao với nhiều xe tải trọng lớn qua lại ngày đêm. Trong khi đó, mặt đường nhiều vị trí hẹp, quanh co đã xuống cấp, thường xuyên xảy ra tai nạn chết người, gây hoang mang cho người dân địa phương.