(QBĐT) - Khi viết bài này, tôi tin rằng, không một đứa trẻ nào muốn nghe người khác nói chuyện không hay về cha mẹ của chúng. Bởi, trong suy nghĩ non nớt của con trẻ, cha mẹ là những người hoàn hảo nhất và tốt nhất.
1. Một đứa trẻ 7 tuổi thì không cần hiểu biết chuyện của người lớn, mà chỉ biết đón nhận tình yêu thương của cha mẹ và người thân. Em từng có một gia đình cả cha mẹ và 2 chị gái. Ngày mẹ mang thai cho đến khi em được sinh ra, cha đang ở tù. Vì chưa ly hôn nên khi làm giấy khai sinh, em vẫn được mẹ khai mang họ người cha ấy, nghĩa là người đàn ông ấy về mặt pháp lý vẫn là cha của em.
Ngày người cha ấy ra tù, quá trình làm các giấy tờ, thủ tục, em đều là người “liên quan”. Vậy là em vô tình trở thành người gây phiền hà, rắc rối cho người khác. Vì sự bất tiện này, cha đã đi làm xét nghiệm ADN, để chứng minh em không có quan hệ huyết thống cha con với mình. Mọi việc vỡ lở từ đó. Người cha nhất quyết gửi đơn ra tòa yêu cầu mình không phải là cha đẻ của em và từ chối nhận em là con.
Đứng trước tòa, mẹ em không chút ngần ngại bảo rằng, thực tế, em không phải là con đẻ của cha. Em chính là kết quả của mối quan hệ ngoài luồng của mẹ với một người đàn ông khác, trong khi cha ở tù. Về thủ tục khai sinh và ghi tên cha cho em là do mẹ tự ghi vào vì lúc đó họ chưa làm thủ tục ly hôn. Em trở thành đứa trẻ không cha.
2. Năm nay, em 6 tuổi. Em không hề biết rằng mình có đến 2 người cha. Mẹ cũng không nói vì sao lại như thế. Có lẽ vì em còn quá nhỏ để hiểu chuyện của người lớn. Chỉ biết, lúc mang thai em, mẹ đang trong thời kỳ hôn nhân với người cha trong giấy khai sinh và người này là ai em cũng không hề biết mặt. Từ lúc sinh ra cho đến nay, em được cha đẻ của mình chăm sóc, nuôi nấng. Giờ đây, sau khi có kết quả xét nghiệm ADN, người cha thường xuyên ở bên chăm sóc em từ nhỏ có nguyện vọng được công nhận chính thức cha con ruột.
Vốn trước đó, mẹ và cha đẻ em quen biết nhau. Lúc này, mẹ em và người cha trong giấy khai sinh đang là vợ chồng nhưng đã ly thân. Người cha trong giấy khai sinh của em bỏ về quê sinh sống. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, bởi những sẻ chia, tâm sự cùng sự đồng cảm, cảm thông của người lớn đã khiến họ dễ gần gũi nhau hơn mối quan hệ chính thống vợ chồng đang ngày càng nguội lạnh kia. Ngày mẹ sinh em, bố đẻ em chỉ ký ở mục “cha mẹ người nuôi dưỡng” và đặt họ tên em theo họ người cha trong thời kỳ hôn nhân của mẹ.
![]() |
Hai tháng sau khi người cha trong giấy khai sinh của em mất ở quê, mẹ và cha đẻ kết hôn với nhau. Họ đã làm thủ tục đăng ký khai sinh lại cho em nhưng chính quyền địa phương từ chối vì chưa đủ điều kiện và yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm ADN. Do lúc đó điều kiện kinh tế khó khăn, chưa thể xét nghiệm AND nên họ đề nghị (bằng miệng) chờ khi nào có kết quả xét nghiệm ADN thì đăng ký khai sinh. Rồi sau đó, không hiểu vì sao sau khi sinh em được 1 năm, từ năm 2019 đến nay, mẹ bỏ nhà đi và bặt vô âm tín.
3. Còn em thì chỉ là một em bé hơn 2 tuổi, mới bi bô gọi được tên người cha, người mẹ yêu thương của mình. Và cho đến giờ đây, em vẫn chưa thể đến trường như bao bạn cùng lứa tuổi vì mẹ chưa thể làm giấy khai sinh. Mẹ em bảo, năm 2003, mẹ kết hôn với một người đàn ông. Năm 2011, người này đi làm ăn xa, rồi mất liên lạc từ đó. Năm 2017, ông này có liên lạc với mẹ nhưng sự xa cách, mâu thuẫn đã khiến họ không thể gắn kết lại với nhau.
Chính trong thời gian mâu thuẫn này, mẹ có quan hệ tình cảm ngoài luồng với ba của em. Em chính là kết quả của mối tình đó. Và đó cũng chính là lý do đến nay, em vẫn là đứa con ngoài giá thú của mẹ. Ngày mẹ làm đơn đề nghị tòa án giải quyết xác định cha cho con. May mắn thay, cha em cũng đồng ý như trình bày của mẹ và thừa nhận em là con ruột. Vậy là từ nay, em đã có thể đến trường như bao bạn khác...
4. Nghe chuyện của những đứa trẻ không ai không day dứt. Nhưng khoan vội nói đến những uẩn khúc, thậm chí là tội lỗi của những người cha, người mẹ đằng sau những câu chuyện này. Bởi, chỉ có bản thân những người lớn trong cuộc mới thực sự hiểu rõ những gì họ đã làm, kể cả câu chuyện vì sao những đứa trẻ này ra đời. Và bởi vì, các em không thể lựa chọn người làm cha mẹ và những người làm cha, làm mẹ cũng không thể lựa chọn những đứa con cho riêng mình. Nhưng có một lẽ tự nhiên, khi có mặt ở trên đời này, đứa trẻ nào cũng cần đủ đầy tình yêu thương, sự chở che, nâng niu, chăm sóc của cha mẹ và người thân.
Rồi mai đây, những đứa trẻ này sẽ lớn lên, chúng có thể biết và cũng có thể hiểu câu chuyện chúng được sinh ra như thế nào. Chỉ hy vọng, khi lớn lên các em vẫn tiếp tục hồn nhiên sống giữa cuộc đời bằng sự cảm thông, chia sẻ, bởi những thiệt thòi, mất mát, thậm chí điều tiếng mà các em sớm phải gánh chịu.
Lê Thy