(QBĐT) - Cho đến khi không thể giấu được những khoản nợ khổng lồ lên đến hàng tỷ đồng và nhiều tài sản giá trị “không cánh mà bay”, nạn nhân trong vụ việc mới lên tiếng. Điều gì khiến những người phụ nữ chân chất, nơi làng quê nghèo thôn Công Hòa, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) âm thầm mang tiền của giao cho một cô gái trẻ, một cách đơn giản và nhẹ nhàng đến thế. Phải chăng, đó là cạm bẫy của lời hứa hão hay chính là niềm tin mù quáng vào lợi ích nơi “cửa miệng” của kẻ lừa đảo?
Trở thành nạn nhân vì cả tin
Nạn nhân trong vụ việc này, hầu hết đều là phụ nữ, những “tay hòm, chìa khóa”, nắm giữ tài sản của gia đình. Hết lần này đến đợt khác, họ âm thầm, lặng lẽ mang của cải, tiền bạc, tài sản trao cho N.T.L. (ở cùng thôn) mà không một giấy tờ, cam kết nào, có chăng chỉ là những lời hứa hão.
Thấy khách lạ vào nhà, bà T. thoáng chút bất ngờ, lúng túng và nghi ngại. Chỉ khi có một số “nạn nhân” nữa kéo đến tố cáo L., bà T. mới “dũng cảm” kể chuyện. Năm 2018, trong quá trình làm nhà, L. có lời muốn mượn tiền của bà. Bà nghĩ, L. cũng chẳng phải là người xa lạ. Mẹ L. và bà là con chú con bác. Nhà mẹ L. cũng hoàn cảnh lắm, nên bà mới thương tình giúp đỡ. Sẵn có tiền đang chuẩn bị để làm nhà, bà đồng ý cho L. mượn. Thoạt đầu bà cho mượn 50 triệu đồng. Một thời gian sau, L. tiếp tục mượn tiền bà, khi thì 50 triệu đồng, khi 70 triệu đồng. L. hứa sẽ không những trả lãi đàng hoàng, mà còn trả lãi cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ngôi nhà của N.T.L. ở thôn Công Hòa, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) đang cửa đóng then cài từ lâu.
Cho đến giờ đây, bà T. không thể nhớ được trong năm 2018, bà lần lượt cho L. mượn tiền bao nhiêu lần, mà chỉ nhớ tổng số tiền đã cho mượn là 350 triệu đồng. Năm 2019, L. lại thủ thỉ hỏi bà còn có vàng bạc gì không. Bà thật thà như đếm bảo nhà còn 2 cây vàng. Dường như không còn mong chờ gì thêm nữa, L. hỏi mượn luôn. Trong năm ấy bà đưa cho L. mượn 2 lần, 2 cây vàng.
Cứ như vậy, theo sự dẫn dắt của L., bà như người mê muội, “lú lẫn”, hết lần này đến lần khác, mang tiền của, tài sản đưa cho L. Đáng nói, sau mỗi lần giao nhận tiền, vàng, bà tin tưởng đến mức không hề yêu cầu L. viết giấy tờ, cam đoan vay mượn, mà chỉ “nhận” về những lời hứa hão. Năm 2022, bà T. cần tiền để cho người con làm thủ tục xuất khẩu lao động.
Theo lời kể và những giấy tờ vay mượn tiền (có chữ ký, “điểm chỉ” của N.T.L.) của các nạn nhân, L. sinh năm 1995, ở thôn Công Hòa, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn).
Lúc này, bà sang nhà L. lấy lại tiền, thì L. bảo, mới làm nhà xong đang khó khăn và tiếp tục hứa hẹn. Trong lúc cần tiền gấp, L. nói với bà hay là nhà có “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), L. sẽ đưa bà lên ngân hàng vay tạm, rồi khi nào có tiền L. sẽ trả luôn toàn bộ. Nói rồi L. đưa bà mang “sổ đỏ” đến ngân hàng vay 1 tỷ đồng. Đang lúc “thuận nước” L. chớp ngay cơ hội “đẩy thuyền”, trong số một tỷ đồng đó, L. nói, bà giữ 600 triệu đồng để lo việc cho con, còn L. mượn nốt 400 triệu đồng còn lại. Bà vẫn còn nhớ, hôm nhận tiền vay từ ngân hàng, L. chỉ chở bà về đến đầu làng, chứ không đưa bà về nhà, rồi phóng xe ra khỏi làng. 2 “sổ đỏ” còn lại của bà, L. cũng lần lượt mang đi “cắm” để vay tiền mang về đưa cho L.
Kể đến đó, bà T. ấm ức khóc và nói: “Đó là tất cả tài sản, tiền bạc, của cải của vợ chồng, con cái tôi đi xuất khẩu lao động bao năm nay nhờ cất giữ. Riêng số tiền của riêng gia đình tôi tiết kiệm suốt mấy chục năm qua là để chuẩn bị làm nhà, nhưng giờ đây tất cả đã tan theo mây khói”.
“Sập bẫy”
Không riêng gì bà T., bà Th. ở cùng thôn Công Hòa, cũng đã dốc hết tiền bạc, của cải giao cho N.T.L. Bà Th. không phải bà con thân thích với L., nên chiêu thức mồi chài, tạo lòng tin để mượn tiền của L. cũng khác và “chuyên nghiệp” hơn. Giờ đây nhớ lại, bà Th. mới cho hay, mình thành nạn nhân của L. từ năm 2018. Bà là dân buôn bán, nên dù ít dù nhiều cũng có sẵn tiền mặt. “Nó mượn, mình có thì mình cho mượn. Ở cùng thôn xóm với nhau, lúc khó khăn hoạn nạn, giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường tình”, bà tin và nghĩ như thế.
Giấy vay mượn tiền có chữ ký và điểm chỉ của N.T.L.
Lúc đầu, L. chỉ mượn vài chục triệu đồng. Đúng hẹn, 5, 7 ngày sau, L. tự giác mang tiền sang trả. Suốt hơn 1 năm, lúc nào thiếu, L. đều chạy sang tìm bà mượn tạm và đều trả đúng như hứa hẹn, dù bà không hề nhắc nhở. Có lần, L. mượn đến 500 triệu đồng, L. cũng trả lại đầy đủ. Thỉnh thoảng, L. còn biếu bà quà cáp, thân thiết như người thân trong gia đình. Và giờ đây, bà là một trong số những nạn nhân của N.T.L. với số tiền không hề nhỏ.
Điều đáng chú ý là tất cả các nạn nhân giao tiền cho N.T.L. vay mượn, đều được L. “gợi ý” bằng cách yêu cầu họ không cho ai biết, kể cả người thân trong gia đình. Vì vậy, trong suốt cả thời gian dài, từ năm 2018 đến đầu năm 2023, L. thoải mái “dẫn dắt” nhiều người lần lượt lọt vào cái bẫy đã giăng sẵn. Còn những nạn nhân, cho đến khi sự việc vỡ lở, không thể chấp nhận tài sản bị mất và gánh nổi những khoản nợ vay (dưới nhiều hình thức khác nhau-P.V), họ mới giật mình thức tỉnh. Được biết, N.T.L. không chỉ vay mượn tiền của người dân trên địa bàn thôn Công Hòa, mà còn của nhiều người dân ở các địa phương lân cận.
Chủ tịch UBND xã Quảng Trung Nguyễn Văn Hóa cho biết, sự việc xảy ra trên địa bàn là có thật. Từ nửa cuối năm 2023, khi sự việc gây xôn xao dư luận, chính quyền địa phương đã nắm bắt được thông tin. Tuy nhiên, do các hoạt động cho vay mượn diễn ra ngấm ngầm, thỏa thuận giữa nạn nhân và N.T.L, nên nhiều người, kể cả chính quyền địa phương cũng không nắm bắt, tuyên truyền, vận động và ngăn chặn kịp thời. Hiện tại, N.T.L. đã vắng mặt khỏi địa phương. Qua xác minh, chỉ tính riêng số tiền N.T.L. vay mượn của người dân trên địa bàn thôn Công Hòa khoảng trên 17 tỷ đồng. Mặc dù sự việc chưa được cơ quan chức năng xác minh làm rõ, song địa phương cũng đã chỉ đạo cán bộ, công chức xã không chứng thực các giấy tờ, tài sản liên quan đến N.T.L. và báo cáo kịp thời lãnh đạo địa phương để theo dõi.
Vấn đề đặt ra ở đây là, hành vi và mục đích của việc vay mượn tiền trong vụ việc này, phải chăng chỉ đơn giản như những lời kể của nạn nhân? Và rồi, N.T.L. đã nhân cơ hội đó để tung ra “miếng mồi” dẫn dụ những nạn nhân này “cắn câu”, phục vụ cho mục đích của mình? Việc L. vắng mặt ở địa phương và không liên lạc được suốt thời gian dài vừa qua, phải chăng đó là cuộc trốn chạy? May mắn thay, trước đó, nhiều người đã kịp thời buộc L. viết giấy vay mượn tiền và họ vẫn còn giữ lấy như là “vật chứng” cho hành vi vay mượn tiền của L. Giờ đây, những người dân nơi đây chỉ hy vọng cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời để làm sáng tỏ sự việc.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi biết được, danh sách nạn nhân của N.T.L. sẽ còn nối dài, ở nhiều địa phương trên địa bàn TX. Ba Đồn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do “tế nhị”, họ vẫn chưa công khai thừa nhận là nạn nhân của N.T.L. và số tiền cho vay mượn.
(QBĐT) - Ngày 23/5, Tòa án Nhân dân huyện Minh Hóa mở phiên tòa trực tuyến xét xử bị cáo Đinh Tiến Sỹ (SN 1992, ở xã Hóa Tiến, Minh Hóa) về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy".
(QBĐT) - Thời gian qua Công an huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh, thanh thiếu niên.
(QBĐT) - Tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Bình ngày 22/5 cho biết: Đội QLTT số 4 vừa phát hiện, tạm giữ 18 chiếc máy cày các loại đã qua sử dụng, do nước ngoài sản xuất có tổng trị giá ước tính 170 triệu đồng.