Cam go cuộc chiến với "tín dụng đen"

  • 06:11, 08/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lợi dụng công nghệ cao, với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, thu hút nhiều thành phần tham gia vay, những cái bẫy “tín dụng đen” được giăng sẵn để chờ các “con mồi”. Hoạt động “tín dụng đen” kéo theo các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật (VPPL), gây nhiều hệ lụy nhức nhối cho xã hội và cuộc chiến với loại tội phạm này vẫn còn cam go.
 
Tấn công trấn áp tội phạm
 
Ngày 20/10/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đồng Hới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Tùng (SN 1966, trú tại số nhà 46 đường Xuân Thủy, tổ dân phố 13, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 2, Điều 201, Bộ luật Hình sự và đang tiếp tục điều tra, mở rộng.
 
Bước đầu đấu tranh, đối tượng Nguyễn Thanh Tùng khai nhận đã cho nhiều người vay lãi nặng từ năm 2021 đến nay với tổng số tiền cho vay khoảng 2,9 tỷ đồng; lãi suất cho vay từ 120,45%-383,24%/năm.
 
Trước đó, ngày 5/10/2023, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS), Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an TP. Đồng Hới, Công an TX. Ba Đồn và Phòng CSHS, Công an tỉnh Quảng Trị phá chuyên án 723Đ về cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, triệt xóa 3 nhóm, 8 đối tượng là người ngoại tỉnh về hoạt động liên quan “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. 
Đối tượng Nguyễn Thanh Tùng tại cơ quan Công an.
Đối tượng Nguyễn Thanh Tùng tại cơ quan Công an.
Qua đấu tranh xác định, từ tháng 2/2023 đến nay, các đối tượng đã cho hơn 100 người vay với số tiền trên 3 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 243%-365%/năm, thu lợi bất chính trên 600 triệu đồng. Phòng CSHS đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 vụ, 7 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.
 
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ án liên quan đến “tín dụng đen” mà lực lượng Công an tỉnh đã điều tra, phát hiện, khởi tố trong thời gian qua.
 
Thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh cho biết: Thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg, ngày 24/8/2323 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1896/UBND-TH, ngày 25/9/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”; Kế hoạch số 452/KH-BCA-V01, ngày 5/9/2023 của Bộ Công an, ngày 11/9/2023, Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 6413/KH-CAT-PV01 về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
 
Trong đó, giao Phòng CSHS là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, tập trung đánh mạnh đối với loại tội phạm này. Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện đợt cao điểm, đã đấu tranh, phát hiện, khởi tố 10 vụ, 11 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.
 
Mở rộng cánh cửa tín dụng chính thức, tăng cơ hội vay vốn
 
Một trong những giải pháp nhằm siết chặt “tín dụng đen” là mở rộng cánh cửa tín dụng chính thức, tăng cơ hội vay vốn cho người dân, doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo điều hành, triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó, góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
 
Ông Lương Hải Lưu, Phó Giám đốc phụ trách NHNN-Chi nhánh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã điều hành theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”). Đến ngày 30/9/2023, dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 82.264 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm 2022. NHNN-Chi nhánh Quảng Bình cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần của Quốc hội và Chính phủ. Đến nay, mặt bằng lãi suất trên địa bàn đã giảm từ 1,0%-3%/năm. 
Mở rộng cánh cửa tín dụng chính thức, tăng cơ hội vay vốn cho người dân, doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm siết chặt “tín dụng đen”.
Mở rộng cánh cửa tín dụng chính thức, tăng cơ hội vay vốn cho người dân, doanh nghiệp là một trong những giải pháp nhằm siết chặt “tín dụng đen”.
Các TCTD trên địa bàn đã tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Mạng lưới TCTD được phát triển phủ khắp các địa bàn trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân. Đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Chính sách xã hội-Chi nhánh Quảng Bình đã và đang triển khai 25 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đến ngày 30/9/2023 đạt 4.961 tỷ đồng.
 
“NHNN-Chi nhánh Quảng Bình cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD; chỉ đạo các TCTD quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân”, ông Lương Hải Lưu cho biết thêm.
 
Phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi
 
Trưởng phòng CSHS Trương Minh Vũ cho biết: Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen” hiện nay tương đối tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Đối tượng cho vay tín chấp, không mở cửa hàng cầm đồ mà chủ yếu dán tờ rơi để tiếp thị, giấy tờ vay nợ không thể hiện lãi suất, vay “online” qua ứng dụng điện thoại di động “app”.
 
Khi người vay đến vay tiền, chúng dùng các loại hợp đồng cho vay dưới dạng hợp đồng mua bán, thuê ô tô, xe mô tô để khi người vay mất khả năng thanh toán, sẽ gửi đơn đề nghị cơ quan Công an khởi tố, xử lý. Khi đi đòi nợ, chúng dùng nhiều thủ đoạn gây sức ép với người vay và thân nhân, như: Dọa dẫm bằng lời nói, sử dụng vũ lực ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; ném chất bẩn, chất thải, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc gây áp lực, sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm; từ đó tạo áp lực để đòi nợ. 
Tờ rơi tiếp thị được dán ở khắp nơi để thu hút nhiều thành phần tham gia vay.
Tờ rơi tiếp thị được dán ở khắp nơi để thu hút nhiều thành phần tham gia vay.
Hoạt động “tín dụng đen” dẫn đến hành vi “đòi nợ thuê” trái pháp luật, kéo theo hệ quả là sự gia tăng các loại tội phạm và các hành vi VPPL. Nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao bất thường dẫn đến hàng loạt các vụ vỡ hụi, họ... gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho hàng trăm người dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.
 
Cuộc chiến với loại tội phạm này vẫn còn nhiều cam go, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao; quy định của pháp luật về xử lý tội phạm trong việc áp dụng, chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
 
Từ ngày 15/4/2019-tháng 8/2023, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh và Công an cấp huyện đã phát hiện, khởi tố 29 vụ/39 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự. Qua công tác điều tra đã làm rõ, các đối tượng cho hàng chục người trên địa bàn tỉnh vay lãi nặng, với số tiền cho vay trên 25 tỷ đồng.
Trước những hệ lụy khôn lường do “tín dụng đen” gây ra, Công an tỉnh đề nghị người dân tránh xa những hình thức vay tiền lãi nặng tại các cơ sở cầm đồ, các đối tượng ngoại tỉnh đến hoạt động trên địa bàn hoặc vay tiền trên "app"; báo tin trực tiếp tại trụ sở các cơ quan Công an gần nhất hoặc thông qua các trang mạng xã hội chính thống của Công an tỉnh nếu phát hiện thấy có hành vi cho vay lãi nặng, phát tán tờ rơi về cho vay của các đối tượng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, VPPL nói chung và tội phạm, VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng; bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay vốn chính đáng, hợp pháp.
Hương Lê

 

tin liên quan

Truyền thông cộng đồng về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Truyền thông cộng đồng về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(QBĐT) - Chiều 8/11, Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh phối hợp với Hội Nông dân xã Trường Xuân (Quảng Ninh) tổ chức truyền thông cộng đồng về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho cán bộ, hội viên nông dân và bà con nhân dân xã Trường Xuân. 

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác tại Công an cơ sở
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra công tác tại Công an cơ sở

(QBĐT) - Ngày 6/11, đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an đã đi khảo sát, kiểm tra công tác Công an tại Công an xã Quang Phú và Công an phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới).

Xử lý hàng chục triệu vụ việc xâm nhập cơ sở dữ liệu cá nhân
Xử lý hàng chục triệu vụ việc xâm nhập cơ sở dữ liệu cá nhân

"Năm 2023, Bộ Công an đã cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 7/11.