Đi xe đạp điện uống rượu, bia có thể bị xử lý hình sự
12:10, 31/10/2023
(QBĐT) - Theo quy định, nếu người đi xe đạp điện uống rượu, bia gây tai nạn giao thông (TNGT), gây thiệt hại tài sản hoặc thương vong cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt những hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT, như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ…, thời gian qua, các lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã quyết liệt xử lý vi phạm theo tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ". Bộ Công an cũng đã thành lập 6 tổ công tác tăng cường trên phạm vi toàn quốc nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia-không lái xe" cho toàn xã hội.
Lực lượng CSGT quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn theo tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ".
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, riêng chuyên đề nồng độ cồn đến tháng 9/2023, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 4.600 trường hợp vi phạm, dự kiến phạt tiền hơn 21 tỷ đồng. Trong số đó, có những trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức. Sự quyết liệt của các lực lượng chức năng đã nhận được sự đồng tình của nhiều người vì vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất rõ ràng. Và cũng từ đây, ý thức chấp hành trật tự ATGT của đại bộ phận người dân ngày càng được nâng cao, đã uống rượu, bia thì không lái xe.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, để đối phó với lực lượng chức năng, một số hội nhóm được thành lập để cảnh báo cho nhau các chốt chặn, hoặc sử dụng xe máy hay xe đạp điện sau khi uống rượu, bia để dễ dàng luồn tránh khi phát hiện từ xa.
Anh L., một người dân ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới), vì công việc nên thường xuyên tiếp khách và sử dụng bia, rượu cho biết, thời gian gần đây, vì lực lượng chức năng làm gắt gao nên mỗi lần đi tiếp khách, anh thường bỏ xe ô tô ở nhà mượn xe đạp điện của con để đi. Theo anh L., nếu gọi taxi thì an toàn hơn nhưng tốn kém, trong khi đi xe đạp điện dễ dàng phát hiện lực lượng chốt chặn từ xa và dễ tránh, thậm chí có thể chấp nhận bỏ xe và không bị tước bằng lái xe khi bị xử lý vi phạm.
Nhiều trường hợp đi xe máy, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn đã bị xử lý.
Cũng theo anh L., nhiều người cũng giống như anh, chấp nhận để xe ô tô ở nhà và lấy xe đạp máy, xe đạp điện để đi ăn nhậu.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Lê Văn Thủy cho biết, thực tế có tình trạng này và đáng buồn đây chỉ là cách một số người dân đối phó để tránh bị xử lý vi phạm. Người dân chưa ý thức được những nguy cơ tiềm ẩn TNGT khi đã sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông.
"Nhằm tránh bị xử phạt, không vướng vào những tình huống pháp lý không đáng có, mọi người dân cần tuyệt đối tuân thủ quy định đã uống rượu, bia thì không lái xe, bất kể xe đó là xe đạp, xe thô sơ, xe đạp điện, xe máy điện", ông Lê Văn Thủy cho hay.
Theo quy định hiện hành, người đi xe đạp điện vẫn bị xử phạt khi có nồng độ cồn. Mức phạt tùy thuộc vào nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tạm giữ phương tiện. Cụ thể, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Đặc biệt, nếu người đi xe đạp điện uống rượu bia mà gây TNGT, gây thiệt hại tài sản hoặc gây thương vong cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Khung hình phạt với tội danh này là từ 3-10 năm tù, gây hậu quả lớn hơn có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.
Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, tháng 10/2023 (tính từ ngày 15/9 đến ngày 14/10), toàn quốc xảy ra 1.491 vụ tai nạn giao thông, làm chết 731 người và làm bị thương 1.171 người.
(QBĐT) - Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được nâng cao. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là vào mùa mưa bão với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết.
(QBĐT) - Ngày 30/10, Thiếu tá Hoàng Trọng Phước, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông-trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Lệ Thủy cho biết, lực lượng CSGT-TT vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyên đề kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện.