Tăng cường kiểm tra, kiểm soát kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng
07:08, 21/08/2023
(QBĐT) - Là một trong những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề an sinh xã hội và sức khỏe, tính mạng của người dân, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được Chính phủ đưa vào danh mục nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh LPG.
Thông tin từ Cục QLTT cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu một số đối tượng thực hiện hành vi kinh doanh LPG giả mạo nhãn hiệu, chiếm dụng trái phép chai LPG của các thương nhân khác, lưu thông chai LPG quá hạn kiểm định…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, Cục QLTT đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này. Nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý, bảo vệ được quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Điển hình như ngày 5/4/2023, Đội QLTT số 7, Đội QLTT số 4 phối hợp với Công an huyện Tuyên Hóa tiến hành kiểm tra khu vực lưu giữ hàng hóa của hộ kinh doanh Lê Thị Tuyết H., xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Kết quả, lực lượng chức năng phát hiện 52 LPG chai (có gas) các loại giả mạo nhãn hiệu Petrolimex, Petrovietnam Gas và 7 chai LPG (vỏ chai) đã qua sử dụng, gồm: 4 chai LPG nhãn hiệu Petro Power CHH, 1 chai LPG nhãn hiệu Petro Hong Ha HA, 1 chai LPG nhãn hiệu Petro-TL-Gas (THANH LOI) và 1 chai LPG nhãn hiệu Green Petro QTH GAS xuất xứ Việt Nam, đã qua sử dụng, hộ kinh doanh không có hợp đồng bán LPG chai với thương nhân phân phối các nhãn hiệu này.
Đội QLTT số 4 kiểm tra tại hộ kinh doanh Đinh Minh D. (thị trấn Quy Đạt, Minh Hóa).
Căn cứ kết quả khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của Đội QLTT số 7 và kết quả các buổi làm việc đã xác định, hộ kinh doanh Lê Thị Tuyết H. có 5 hành vi vi phạm, gồm: Lập sổ theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai nhưng không có đủ các thông tin về chai LPG theo quy định; lưu thông trên thị trường chai LPG không được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định; lưu trữ chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng mà cửa hàng đã ký; bán lẻ LPG chai tại cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai; tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Cục QLTT ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền là 66.715.000 đồng.
Ngoài ra, từ ngày 18/7-9/8, Đội QLTT số 4 cũng đã kiểm tra và phát hiện liên tiếp 3 vụ vi phạm trên địa bàn hai huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa có liên quan đến các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt là hơn 11 triệu đồng.
Cụ thể, Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Minh H., địa chỉ tại thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) và hộ kinh doanh Đinh Minh D., ở thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) với hành vi vi phạm là không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG ký hợp đồng bán LPG chai với cửa hàng với mức xử phạt 3.750.000 đồng/hộ; xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Hoàng Thị Ng., ở xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) về hành vi lập sổ theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai nhưng không có đủ các thông tin về chai LPG theo quy định cũng với mức xử phạt là 3.750.000 đồng.
Được biết, việc quy định lập sổ theo dõi chai LPG; treo biển hiệu, nhãn hiệu, logo với mục đích theo dõi thời gian kiểm định, số lượng vỏ chai lưu thông trên thị trường, chủ sở hữu nhãn hiệu…nhằm bảo đảm truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ khi có các vấn đề sự cố xảy ra, giúp cho người tiêu dùng lựa chọn nhà cung cấp có uy tín; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra cho thấy, trên thị trường hiện nay còn tồn tại một số đối tượng kinh doanh chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP, ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí, như: Không lập sổ theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai; không treo biển hiệu, biểu tượng của thương nhân kinh doanh LPG ký hợp đồng bán LPG chai với cửa hàng; không niêm yết giá; giả mạo nhãn hiệu; lưu thông trên thị trường chai LPG không được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định…
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT đã kiểm tra 34 vụ việc trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, xử lý 24 vụ vi phạm với 27 hành vi, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 146.375.000 đồng, hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy gồm 52 LPG chai các loại giả mạo nhãn hiệu Petrolimex, Petrovietnam Gas có trị giá hơn 37 triệu đồng.
Phó cục trưởng Cục QLTT Võ Trung Kiên cho biết: Để bảo đảm các hoạt động kinh doanh LPG được thực hiện đúng quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thời gian qua, Cục QLTT đã yêu cầu các đội QLTT tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện biện pháp nghiệp vụ quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng kinh doanh khí nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với các hành vi kinh doanh LPG giả mạo nhãn hiệu, chiếm giữ, chiếm dụng chai LPG trái quy định; lưu thông chai LPG quá hạn kiểm định; đối tượng kinh doanh khí không bảo đảm điều kiện kinh doanh và các hành vi vi phạm khác.
Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo các đội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng kinh doanh LPG chai nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh khí.
Thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội tăng cường công tác quản lý địa bàn, phát hiện và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG, chủ động phối hợp với các ngành chức năng bảo đảm thực hiện tốt quy định của pháp luật đối với mặt hàng này; góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
(QBĐT) - Thời gian qua, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra khá phổ biến. Việc tham gia giao thông không bảo đảm các yếu tố an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, trong đó tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là đột phá.