Xác định rõ, cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên

  • 06:03, 14/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các quy định có liên quan, Mặt trận và các tổ chức thành viên có vị trí, vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan nhà nước, cùng với cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân thực hiện pháp luật về đất đai.
 
Nhất là nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai.
 
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều, trong đó có 8 điều (gồm Điều 20, Điều 68, Điều 84, Điều 85, Điều 86, Điều 87, Điều 156 và Điều 224) quy định về vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQVN trong quản lý và sử dụng đất đai (SDĐĐ), bao gồm: Tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cùng cấp; tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết phải thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất; tham gia xây dựng bảng giá đất, hội đồng thẩm định giá đất; tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền giám sát về quản lý và SDĐĐ theo quy định của Hiến pháp, Luật MTTQVN và quy định khác của pháp luật có liên quan. Có 2 điều quy định về các tổ chức thành viên của Mặt trận tại khoản 3, Điều 20 về thực hiện quyền giám sát về quản lý và SDĐĐ và Điều 224 về tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp về đất đai.
 
So với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung 1 điều, dành riêng quy định vai trò và trách nhiện của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong quản lý và SDĐĐ. Tuy nhiên, các quy định nêu trong dự thảo luật chưa đầy đủ, cụ thể; chưa thể hiện hết sự cần thiết và nội dung phối hợp giữa Mặt trận với Nhà nước trong quản lý và SDĐĐ, bố cục các quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận cũng chưa phù hợp; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên của Mặt trận chưa rõ. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thiết phải quy định cụ thể hơn, rõ, đầy đủ hợp lý hơn cả về bố cục và nội dung để tương xứng với vị trí, vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị. Theo đó, đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét, điều chỉnh, bổ sung các vấn đề sau:
 
1. Chương II của dự thảo luật quy định về Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai; Điều 20, Mục 1 của chương này lại quy định về Vai trò, trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và SDĐĐ là chưa hợp lý. Vì vậy, đề nghị sửa tên Chương II thành: “Quyền và trách nhiệm của nhà nước, Mặt trận và công dân đối với đất đai”.
 
Đồng thời cần bổ sung vào bố cục thêm một mục (sắp xếp sau Mục 2) tại Chương II, chuyển tên và nội dung của Điều 20 thành tên và nội dung của mục này, làm thành: “Mục 3. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và SDĐĐ”. Chuyển toàn bộ nội dung của Điều 20, Mục 1 vào Mục 3 nêu trên. Cùng với đó, đề nghị bổ sung vào mục này quy định về nội dung và phương thức phối hợp giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên với nhà nước trong quản lý và SDĐĐ. Bảo đảm rõ nội dung, hình thức, rõ trách nhiệm và quyền của mỗi bên. Ngoài ra, đề nghị chuyển nội dung của các khoản, điểm của Điều 20 dự thảo luật thành nội dung của các điều tương ứng và quy định cụ thể phạm vi, nội dung, trình tự, thời hạn, hình thức thực hiện của Mặt trận và các tổ chức thành viên đối với mỗi nhiệm vụ tương ứng.
 
2. Một trong những quan điểm xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đó là: Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQVN, tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân. Vì vậy, dự thảo luật đã quy định vai trò, trách nhiệm giám sát của các chủ thể trên. Tại Mục 1, Chương XV dự thảo luật quy định về giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, SDĐĐ. Theo đó: Điều 218 quy định về giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp về việc quản lý và SDĐĐ; Điều 219 về giám sát của công dân đối với việc quản lý, SDĐĐ. Tuy nhiên, giám sát của MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận, thì lại quy định tại khoản 3, Điều 20, dự thảo luật.
 
Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để bố cục các nội dung, quy định cho phù hợp, đầy đủ. Nếu trình bày theo nhóm nhiệm vụ (giám sát), thì cơ quan, tổ chức nào và công dân có quyền giám sát sẽ bố cục vào cùng một mục, chương chung. Nếu trình bày theo vị trí, tính chất của cơ quan, tổ chức (Quốc hội, HĐND, MTTQVN…) thì không chỉ quy định về nhiệm vụ giám sát mà cần liệt kê tất cả các quyền, trách nhiệm và hình thức, biện pháp thực hiện quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tương ứng trong quản lý và SDĐĐ. Nếu nội dung nào đã có các luật liên quan quy định cụ thể, phù hợp và đang còn hiệu lực thì nên viện dẫn.
 
3. Về sự tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hội đồng thẩm định giá đất của Ủy ban Mặt trận. Điều 84, dự thảo luật đã quy định đại diện Ủy ban MTTQVN cùng cấp tham gia Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND cấp huyện thành lập. Điều 156, dự thảo luật quy định đại diện Ủy ban MTTQVN cùng cấp tham gia Hội đồng thẩm định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh thành lập; quy định đại diện Ủy ban MTTQVN cùng cấp tham gia Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động giám sát và để quyền giám sát của Mặt trận thực sự được phát huy, đề nghị nên thành lập Hội đồng giám sát riêng, độc lập, song song với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hội đồng thẩm định giá đất.
 
Có như vậy, việc giám sát của Mặt trận mới được phát huy. Mặc dù không cùng chung Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hội đồng thẩm định giá đất nhưng không vì thế mà phải đứng ngoài để quan sát, mà thực sự “mắt thấy, tai nghe”. Khi Hội đồng giám sát được thành lập, Mặt trận sẽ thực hiện giám sát (theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động) của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hội đồng thẩm định giá đất trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu phát hiện có sự vi phạm.
 
                                                                  Luật gia Nguyễn Thị Lài

tin liên quan

Chuyên gia an ninh mạng nói gì về chiêu lừa gọi điện 'con cấp cứu'?
Chuyên gia an ninh mạng nói gì về chiêu lừa gọi điện 'con cấp cứu'?
Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.
 
Bắt đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Bắt đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
(QBĐT) - Ngày 13/3/2023, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Loan (SN 1987, trú tại ngõ 136, đường Lê Thành Đồng, phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
 
Cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập
Cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập

(QBĐT) - Tính đến ngày 31/12/2021, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) trong các bộ, ngành, địa phương là 48.055 đơn vị; trong đó có 3.135 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên (287 đơn vị bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, chiếm tỷ lệ 0,6% và 2.848 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 5,97%, tương ứng tỷ lệ 6,6% tổng số đơn vị SNCL của bộ, ngành, địa phương); 8.922 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 35.687 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, chiếm tỷ lệ 74,7%.