Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

  • 07:09, 16/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Qua đó, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển...
 
Ngay sau khi Luật hòa giải ở có sở có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2014), bám sát những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu HĐND và UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật này.
 
Đến nay, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện luật, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: như: Các vụ việc hòa giải thành đạt cao; mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt...
 
Để triển khai Luật hòa giải ở có sở một cách đồng bộ và hiệu quả, những năm qua, Quảng Bình đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
 
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động với quyết tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn từ gốc, không để phát sinh vụ việc phức tạp.
 
Ngoài ra, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên (HGV) cũng được tiến hành thường xuyên, có nền nếp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động hòa giải…
 
Qua đó, đã chuyển tải kịp thời chính sách, văn bản pháp luật mới đến các HGV, người dân; cung cấp thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác hòa giải của các HGV trên địa bàn tỉnh.
 
Từng có nhiều năm tham gia tổ hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Mạnh Tăng, tổ phó tổ hòa giải thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn) chia sẻ: “Bà con làng xóm nhiều khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng do không biết phân định đúng sai nên dẫn đến tranh cãi rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, một phần do bản tính nóng nảy của mỗi người nên đẩy mâu thuẫn đi xa hơn.
Một hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ HGV  tại TP. Đồng Hới (trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát).
Một hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ HGV tại TP. Đồng Hới (trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát).
Để hóa giải thành công những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, trước hết, đội ngũ những người làm công tác HGV như chúng tôi phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Tiếp đó là phải có sự bàn bạc, thống nhất trong cách làm để tháo gỡ khúc mắc giữa đôi bên một cách thỏa đáng, tránh kiện tụng vượt cấp. Nói chung, làm công tác hòa giải tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít niềm vui. Bởi hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình bền chặt...”.
 
Ông Trương Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: "Hiện nay, toàn tỉnh có 1.218 tổ hòa giải với 8.168 HGV. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần, như: Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng ban Mặt trận, thành viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và những người có uy tín, đủ năng lực. Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành viên tổ hòa giải còn có đại diện người dân tộc thiểu số. Đa số HGV đều có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên (trong đó có 156 HGV có trình độ chuyên môn luật), được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hòa giải, am hiểu phong tục, tập quán địa phương, có kinh nghiệm sống, có thái độ công tâm, khách quan vì lợi ích cộng đồng và tích cực, trách nhiệm trong công tác hòa giải.
 
Đặc biệt, hiện trên địa bàn tỉnh có đội ngũ cán bộ, gồm: 4 tập huấn viên hòa giải cơ sở cấp tỉnh, 51 tập huấn viên hòa giải cơ sở cấp huyện và 330 chuyên viên kiêm nhiệm công tác hòa giải ở cơ sở tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải".
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Sở Tư pháp đã có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường năng lực cho đội ngũ HGV, như: Tiến hành biên soạn các tài liệu giới thiệu về luật, bộ luật mới được ban hành; tái bản tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho HGV và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác.
 
Bên cạnh việc đăng tải các loại tài liệu có liên quan lên Trang thông tin điện tử của sở, từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành trang Facebook: Phổ biến pháp luật (Quảng Bình) và Fanpage: Phổ biến giáo dục pháp luật-Quảng Bình. Những trang mạng xã hội này thường xuyên cập nhật, đăng tải các tin, bài, ảnh liên quan đến những quy định pháp luật mới và được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nắm bắt, theo dõi và chia sẻ rộng rãi…
 
Từ năm 2014 đến năm 2020, các tổ hòa giải, HGV trên địa bàn tỉnh đã tiến hành thụ lý hòa giải 11.762 vụ việc (trong đó hòa giải thành 9.990 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%; số vụ đang giải quyết 364 vụ); tổ chức 142 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho gần 19.500 lượt HGV; tiến hành biên soạn và phát hành trên 1.825 sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phát hành, tái bản 223.700 sách bỏ túi, tờ gấp để cấp cho HGV, người dân trên địa bàn tỉnh...
Văn Minh 
 
 
 
 

tin liên quan

Hai đối tượng đi cai nghiện ma túy rủ nhau trộm tài sản trong mùa dịch
Hai đối tượng đi cai nghiện ma túy rủ nhau trộm tài sản trong mùa dịch

(QBĐT) - Công an xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch vừa bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản trong mùa dịch.

Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý nhiều đối tượng vi phạm Chỉ thị 16
Bộ đội Biên phòng tỉnh xử lý nhiều đối tượng vi phạm Chỉ thị 16

(QBĐT) - Cùng với các lực lượng chức năng, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp xử lý nhiều trường hợp người dân vi phạm quy định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Phòng CSGT, Công an tỉnh: Địa chỉ tiếp nhận phản ánh các hành vi vi phạm tải trọng
Phòng CSGT, Công an tỉnh: Địa chỉ tiếp nhận phản ánh các hành vi vi phạm tải trọng

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp vi phạm quy định về tải trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Theo đó, những hành vi phổ biến, gồm: Cơi nới thùng xe; vận chuyển hàng hóa, đất, đá, vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải trọng cho phép...