(QBĐT) - Nhiệm kỳ 2015-2020, Sở Tư pháp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (BTTP), qua đó, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhiệm vụ đặt ra về hoàn thiện chế định BTTP trong Chiến lược cải cách tư pháp, đó là: Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn…; Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình; hoàn thiện chế định giám định tư pháp; hoàn thiện chế định công chứng.
Thực hiện yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đó, trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Sở Tư pháp đã luôn chủ động trong việc ban hành, tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án trong lĩnh vực BTTP.
Đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, đội ngũ giám định viên tư pháp và các tổ chức giám định ngày càng phát triển về số lượng, đạt và vượt chỉ tiêu về số lượng theo đề án đã đề ra. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BTTP ngày càng được nâng cao và từng bước đi vào nền nếp.
Bằng các kết quả hoạt động cụ thể của mình, các tổ chức BTTP trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ khá đắc lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp ở địa phương.
![]() |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực BTTP, trong đó: có 17 tổ chức hành nghề luật sư, 8 tổ chức hành nghề công chứng, 2 tổ chức giám định công lập chuyên nghiệp và 4 tổ chức giám định theo vụ việc; với 46 luật sư, 17 công chứng viên, 118 người giám định tư pháp. Trong thời gian qua, nhìn chung hoạt động của các tổ chức BTTP đã phát huy được vai trò trong đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh.
Các tổ chức hành nghề luật sư, thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, bào chữa hoặc đại diện trước tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức. Hoạt động hành nghề của luật sư trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo chiều hướng không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn.
Các tổ chức hành nghề luật sư ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp, từng bước phát huy được vị thế, tạo uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện trên 967 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 376 vụ việc.
Hoạt động công chứng đã từng bước xã hội hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thông qua hoạt động công chứng, đặc biệt là công chứng các hợp đồng, giao dịch, đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức khi tham gia giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại; các hợp đồng, giao dịch đã công chứng là nguồn cung cấp chứng cứ quan trọng cho các cơ quan tố tụng khi có tranh chấp hoặc vi phạm pháp luật xảy ra; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan xét xử trong quá trình thu thập chứng cứ đảm bảo khách quan, nhanh chóng, chính xác khi giải quyết tranh chấp.
![]() |
Quan trọng hơn, hoạt động công chứng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; nâng cao trách nhiệm của công dân, tổ chức khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại; hình thành thói quen sử dụng phương tiện và hình thức hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và bình đẳng với các đối tác trong các quan hệ giao dịch. Trong 5 năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 163.987 việc làm công chứng, tổng số phí thu được hơn 59 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 9,6 tỷ đồng.
Công tác giám định tư pháp được quan tâm, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Hoạt động giám định của các tổ chức giám định và người giám định tư pháp đã góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh thông qua việc tạo lập và cung cấp những chứng cứ không thể phản bác, bảo đảm an toàn cho công dân trong các quan hệ pháp luật mà họ tham gia.
Hoạt động giám định tư pháp đã hỗ trợ đắc lực các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án, hướng hoạt động tố tụng theo cơ chế minh bạch, đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Từ năm 2015 đến nay, các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 6.735 vụ việc giám định, trong đó thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 3.951 vụ việc.
Đồng chí Trần Chí Tiến, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Với những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực BTTP giai đoạn 20215 - 2020, Sở Tư pháp đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị.
Trong thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức BTTP. Ngành Tư pháp sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa của công tác cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện chế định BTTP nói riêng.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển đội ngũ luật sư và nâng cao năng lực hoạt động của luật sư; mở rộng phạm vi xã hội hóa các hoạt động BTTP; thu hút các nguồn lực, khuyến khích người có năng lực, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào hoạt động hành nghề trong lĩnh vực BTTP.
Ngành Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm trong tổ chức và hoạt động BTTP; có giải pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ BTTP, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng càng cao về nhiệm vụ cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.
Văn Minh