Đã uống rượu, bia thì không lái xe!

  • 08:01, 04/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, trong đó hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Bất kể người điều khiển giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô...) đã uống rượu, bia đều không được phép lưu thông trên đường.
 
Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), kiên quyết xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Đức Dương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh về vấn đề này. 
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường TTKS, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường TTKS, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn
PV: Thưa đồng chí, thực trạng người tham gia giao thông sử dụng bia, rượu trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn ra thế nào?
 
Thượng tá Trần Đức Dương: Việc uống rượu, bia trong các hoạt động cộng đồng của Việt từ xưa đến nay luôn là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng lạm dụng và ép nhau uống rượu, bia đã và đang gây ra những hệ lụy xấu, việc mời mọc, ép buộc người khác uống nhiều bia rượu, không làm chủ được hành vi khiến văn hóa uống bia, rượu trở nên lệch chuẩn.
 
Đặc biệt, sau khi uống rượu bia mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ dẫn đến nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây nên những hậu quả xấu cho gia đình và xã hội. Từ thực tế cho thấy, tỷ lệ những vụ tai nạn giao thông xảy ra phần lớn đều có liên quan đến bia, rượu. Trong những năm qua, lực lượng CSGT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác trật tự an toàn giao thông nói chung cũng như các vi phạm về nồng độ cồn nói riêng.
 
Năm 2019, lực lượng CSGT đã thực hiện 531 ca tuần tra kiểm soát (TTKS) chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, với 2.949 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia, xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 1.000 phương tiện (ô tô, xe máy). Số tiền phạt lên tới trên 6 tỷ đồng.
Việc tăng cường TTKS, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn được triển khai quyết liệt thời gian qua đã góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông cả về số vụ và số người chết so với năm 2018, đồng thời nhận được sự đồng tình cao của người dân.
 
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Đồng Hới xuất hiện dịch vụ lái xe thuê cho người đã sử dụng bia rượu, nhiều người cũng tự giác đi taxi hoặc các phương tiện công cộng khác khi phải tham gia tiệc tùng, tiếp khách. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia đã có một bước tiến lớn.
 
PV: Trong quá trình triển khai các chuyên đề xử lý về vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng thường gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
 
Thượng tá Trần Đức Dương: Thời gian qua, Phòng CSGT đã tích cực phối hợp cùng các lực lượng, Công an địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt về cung đường, địa điểm, thời gian nhằm đẩy mạnh việc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thường gặp nhiều khó khăn, vì người say rượu, bia thường không làm chủ được tâm lý và hành vi của mình, dễ có hành động gây rối, chây ì, bất hợp tác. Ngoài ra, văn hóa sử dụng dịch vụ công cộng sau khi uống rượu bia của người dân vẫn chưa cao, khi bị kiểm tra thường vận dụng các mối quan hệ để "xin" không bị xử phạt. Do vậy, cùng với kiên quyết xử lý thì lực lượng CSGT tích cực giải thích, thuyết phục, tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận, chấp hành.
 
Bên cạnh đó, trên các mạng xã hội xuất hiện một số page, nhóm... với sự tham gia của nhiều thành viên nhằm phát hiện, cảnh báo các chốt, trạm kiểm soát kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Hành vi này vô hình cổ súy, tiếp tay cho người sử dụng rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông mà không lường được hậu quả khôn lường nếu xảy ra tai nạn.
 
PV: Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề, việc sử dụng bia, rượu thời điểm này khá phổ biến trong khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực. Vậy lực lượng CSGT có mạnh tay xử lý vi phạm, thưa đồng chí?
 
Thượng tá Trần Đức Dương: Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền rộng rãi về hành vi vi phạm và các chế tài xử phạt. Các tổ tuần tra cơ động sẽ tăng cường TTKS, ghi lại hình ảnh làm cơ sở xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu. Đồng thời, thông báo các lỗi vi phạm, kết quả xử phạt cho cơ quan quản lý người vi phạm và nơi cư trú nhằm nâng cao ý thức người dân, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán và đầu năm mới.
 
Hiện tại, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã có hiệu lực và sẽ điều chỉnh các hành vi lạm dụng rượu, bia có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội. Đó là thông điệp rất rõ ràng.
 
Xin cảm ơn đồng chí!
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, là tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
 
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22- 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng.
 
Nghị định 100 cũng bổ sung mức phạt đối với người trong máu và hơi thở có nồng độ cồn chứ không chỉ khi vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở như Nghị định 46 quy định.
 
Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng rượu, bia cũng sẽ bị phạt ở mức cao nhất từ 400.000 đồng - 600.000 đồng
Xuân Phú (thực hiện)

tin liên quan

Vận chuyển trái phép hơn 24.000 súng đồ chơi trẻ em nguy hiểm
Vận chuyển trái phép hơn 24.000 súng đồ chơi trẻ em nguy hiểm

(QBĐT) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 24.000 súng nhựa đồ chơi nguy hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em, thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thai nhi tử vong tại bệnh viện, người nhà yêu cầu giải thích nguyên nhân
Thai nhi tử vong tại bệnh viện, người nhà yêu cầu giải thích nguyên nhân
(QBĐT) - Phóng viên Báo Quảng Bình vừa nhận được phản ánh của anh Phạm Anh Tuấn (SN 1994) ở thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa về trường hợp thai nhi tử vong, là con của anh Tuấn và sản phụ Đoàn Thị Bích khi nhập viện để sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa.
Lệ Thủy: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp
Lệ Thủy: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp

(QBĐT) - Năm 2019, hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Lệ Thủy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, trộm cắp tài sản gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.