(QBĐT) - Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (TCTHPL) nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là yêu cầu rất cần thiết. Vì vậy, ngày 26-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”, nhằm cụ thể hóa một bước quy định của Hiến pháp 2013 và các luật khác về TCTHPL, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác TCTHPL...
Để triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TCTHPL, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành đề án, trong đó, đề ra các phương án, giải pháp để bảo đảm thực hiện các nhóm nhiệm vụ được giao. Qua gần một năm thực hiện đề án, các nội dung, giải pháp mà kế hoạch đưa ra đã được các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các địa phương triển khai khá toàn diện.
Trước hết, việc hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, Sở Tư pháp đã tăng cường công tác thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và đã thẩm định 43 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh rà soát 479 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến nhiều lĩnh vực; các phòng Tư pháp cấp huyện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến theo dõi, TCTHPL...
Qua đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế về TCTHPL và theo dõi thi hành pháp luật của địa phương. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng đã kiến nghị với Bộ Tư pháp xây dựng các tiêu chí, định lượng cụ thể để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, để tăng cường năng lực phản ứng chính sách, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong quá trình TCTHPL, Sở Tư pháp đã thường xuyên duy trì chuyên mục “Tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân” trên Trang thông tin điện tử của sở để tiếp nhận các phản ánh về thi hành pháp luật; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch, công văn về tăng cường và tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác TCTHPL tại các sở, ban, ngành và địa phương.
![]() |
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu về tình hình thi hành pháp luật nói chung và báo cáo tình hình thi hành pháp luật nói riêng nhằm bảo đảm nguồn dữ liệu đa dạng, đầy đủ, sẵn có, mang tính tích hợp, giảm gánh nặng xây dựng các báo cáo tình hình thi hành pháp luật.
Thường xuyên bảo đảm các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị trên cơ sở các quy định có liên quan và điều kiện của địa phương để phân bổ, bảo đảm thực hiện đầy đủ, có chất lượng các hoạt động TCTHPL; đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt là về kỹ năng, năng lực TCTHPL, theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đặc biệt, để công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đi vào trọng tâm, có trọng điểm, tạo bước đột phá, UBND tỉnh đã lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm để theo dõi việc thi hành pháp luật như: việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; lý lịch tư pháp và xử lý vi phạm hành chính…
Cùng với đó, là việc hướng dẫn các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động...
Trong năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xử lý vi phạm hành chính tại 15 cơ quan; triển khai lấy 500 phiếu khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 8 huyện, thị xã, thành phố.
Thời gian tới, để từng bước đưa công tác thi hành pháp luật hoạt động theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thiết nghĩ, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”.
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác theo dõi thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế, quan tâm các điều kiện bảo đảm nhằm thực hiện đầy đủ, thực chất nội dung thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Mặt khác, các cấp, ngành và địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật đối với lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cơ chế phối hợp trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật tránh sự dàn trải, trùng lặp; tăng cường trách nhiệm của các cấp, ngành và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương trong công tác theo dõi thi hành pháp luật…
Hồng Luyến-Ngọc Hải