(QBĐT) - Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…
Luật XLVPHC có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Đây là luật có phạm vi và đối tượng tác động rộng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Để triển khai thi hành luật có hiệu quả, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác PBGDPL, tập huấn nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
![]() |
Hàng năm, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về XLVPHC cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về XLVPHC và những người có thẩm quyền XLVPHC trên địa bàn tỉnh, qua đó, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ XLVPHC, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về XLVPHC, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về XLVPHC…
Từ khi thực hiện Luật XLVPHC đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện trên 208.702 vụ vi phạm hành chính (VPHC), đã xử phạt 202.517 vụ/212.516 đối tượng vi phạm; chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 156 vụ và áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 189 vụ; tổng số tiền phạt thu được trên 353 tỷ đồng (số tiền thu được từ thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu trên 41tỷ đồng); có 421 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, trong đó 393 đối tượng giáo dục tại xã, phường, thị trấn và 28 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quyết định của TAND cấp huyện…
Các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như: vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội, xuất, nhập cảnh, phòng cháy, chữa cháy và môi trường; vận chuyển pháo, gỗ lậu, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ qua biên giới; lấn, chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; vận chuyển hàng hóa nhập lậu, vi phạm về giá, nhãn mác hàng hóa và an toàn thực phẩm; chặt phá, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép…
Trong một số lĩnh vực, tình hình chống người thi hành công vụ còn xảy ra nhiều. Trong đó, các đối tượng vi phạm thường manh động, liều lĩnh, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt để tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm, thậm chí đe dọa, dùng hung khí gây thương tích cho lực lượng chức năng. Đặc biệt, có trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm hoặc tổ chức đông người để khi bị phát hiện sẳn sàng cản trở, chống trả lực lượng thi hành công vụ…
Nguyên nhân chính của tình hình VPHC hiện nay chủ yếu do một số quy định của pháp luật chưa được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm minh; ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức chấp hành quyết định xử phạt VPHC của một số đối tượng vi phạm chưa cao, nhất là đối với những trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền; một số đối tượng sau khi bị xử phạt cố tình lẩn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt; cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện bảo đảm cho công tác XLVPHC còn hạn chế; một số lĩnh vực lực lượng XLVPHC còn mỏng; phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ trong một số lĩnh vực còn thiếu...
Ngoài ra, việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt VPHC gặp khó khăn vì một số đối tượng chây ì, không có tài khoản cá nhân, không có nơi ở ổn định, là người nghèo, không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm còn hạn chế.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện còn có một số khó khăn, vướng mắc từ chính các quy định của pháp luật trong XLVPHC; một số hành vi vi phạm, ranh giới giữa XLVPHC hoặc để chuyển hóa xử lý hình sự chưa thật rõ nét nên đôi lúc còn lúng túng trong thực hiện.
Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC như: tạm giữ người VPHC với thời hạn theo quy định còn quá ngắn nên nhiều trường hợp lực lượng thi hành công vụ không đủ thời gian xác minh các thông tin cần thiết để áp dụng các biện pháp khác, hoặc để có hướng giải quyết như tra cứu tiền án, tiền sự để quyết định XLVPHC hay chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là đối với địa bàn các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...
![]() |
Để nâng cao hiệu quả công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về XLVPHC trong cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ XLVPHC cho các cá nhân có thẩm quyền XLVPHC, hạn chế các sai phạm về trình tự thủ tục và nội dung khi ban hành các quyết định xử phạt VPHC.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ cho công tác thi hành pháp luật về XLVPHC.
Đặc biệt là đầu tư công nghệ thông tin trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm cũng như công tác quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về XLVPHC; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi VPHC bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo luật định; quan tâm việc thi hành các quyết định xử phạt VPHC nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Hồng Luyến-Ngọc Hải