Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất với Phạm Công Danh

  • 04:07, 30/07/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

Ngày 30-7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 46 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 tiếp tục với phần luận tội.

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Các bị cáo nghe đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án.

(Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đề nghị mức án cao nhất với Phạm Công Danh

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 (từ ngày 8-1 đến 7-2) và trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, đã làm sáng tỏ hầu hết nội dung vụ án. Kết quả thẩm vấn công khai tại tòa và hồ sơ chứng cứ đã làm rõ, nhóm Phạm Công Danh nhận quyền chuyển nhượng cổ phần ngân hàng từ nhóm Hứa Thị Phấn.

Việc tiếp nhận một ngân hàng yếu kém, cùng với áp lực tăng vốn điều lệ, chi chăm sóc khách hàng… đã dẫn đến Phạm Công Danh cùng đồng phạm thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội.

>> Xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng: Ông Trần Bắc Hà vắng mặt

Trong đó, Phạm Công Danh có hành vi sử dụng 29 công ty do bị cáo đứng sau vay tiền tại Sacombank, TP.Bank, BIDV, sau đó dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng gửi liên ngân hàng tại 3 ngân hàng này, bảo lãnh cho 29 công ty của Danh, gây thiệt hại của VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.

Các bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank), Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank) trực tiếp gặp, bàn bạc, thống nhất cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng, nhưng yêu cầu Danh dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng để bảo lãnh cho khoản vay, sau đó chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay.

Khi cho vay, hai bị cáo biết rõ Phạm Công Danh là Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, là đối tượng mà theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng thì không được phép dùng tiền của Ngân hàng Xây dựng để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình, nhưng vẫn cố ý bỏ qua các quy định bắt buộc, tạo điều kiện để Danh vay tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, Phạm Công Danh là bị cáo chủ mưu, có vai trò quyết định nên cần có mức hình phạt cao nhất. Trầm Bê, Phan Huy Khang vì lợi ích của ngân hàng đã giúp sức cho Phạm Công Danh nên cần có mức án nghiêm.

Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh mức án 20 năm tù, tổng hợp hình phạt bản án phúc thẩm vụ án kinh tế tại Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 1 là 30 năm tù.

Các bị cáo: Trầm Bê bị đề nghị mức án 4-5 năm tù; Phan Huy Khang mức án từ 3-4 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng) 12-14 năm tù, tổng hợp bản án trước đó bị đề nghị mức án 30 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 2 năm tù treo đến 30 năm tù giam.

Giữ quan điểm thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng

Về việc thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả vụ án, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên quan điểm đã trình bày ở phiên tòa sơ thẩm lần 1 là đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng.

Trên cơ sở diễn biến phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc công văn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ý kiến của các vị luật sư và đại diện các bên liên quan, đề nghị tuyên thu hồi tài sản đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật, mang tính khả thi cao để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người gửi tiền và các bên có liên quan.

Trước đó, ở phiên tòa sơ thẩm lần 1, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề, trong đó có nội dung yêu cầu Viện Kiểm sát làm rõ căn cứ thu hồi 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng.

Ngày 20-6, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có công văn số 15 trả lời về những yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bảo vệ quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa sơ thẩm lần 1.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, hành vi làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm chỉ hoàn thành khi 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV thu nợ, siết nợ bằng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại 3 ngân hàng này.

Mặt khác, kết luận điều tra cũng xác định việc các ngân hàng cho vay có vi phạm và Phạm Công Danh đã sử dụng tiền vay trái pháp luật nên việc thu hồi 6.100 tỷ đồng như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ, đúng pháp luật.

Phiên tòa bước sang phần tranh tụng với phần bào chữa của các luật sư.

Theo Nguyễn Chung (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm
Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm

Ngày 30-7, tại Trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô, Tòa quân sự Quân khu 7 bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", sinh năm 1971), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng và 4 bị cáo khác liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Sẽ xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm vào ngày 30-7
Sẽ xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm vào ngày 30-7

Ngày 3-12-2017, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm.

Lệ Thủy: Phát hiện sai phạm trong xây dựng nông thôn mới
Lệ Thủy: Phát hiện sai phạm trong xây dựng nông thôn mới

(QBĐT) - Qua thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2017 tại UBND các xã Sơn Thủy, Cam Thủy, Xuân Thủy, UBND huyện Lệ Thủy đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực này.