Nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp

  • 07:07, 30/07/2018
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong những năm qua Sở Tư pháp luôn chú trọng đến công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp (bổ trợ tư pháp bao gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và thừa phát lại… ), đặc biệt là xã hội hóa các hoạt động công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản…

Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp luôn phát huy được vai trò trong đời sống kinh tế - xã hội. Đội ngũ luật sư ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đạt các chỉ tiêu theo Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư của tỉnh đến năm 2020”, tạo điều kiện pháp lý để phát huy chế độ tự quản của các tổ chức hành nghề luật sư, đề cao trách nhiệm của luật sư trong quá trình hành nghề.

Người dân đến giao dịch tại Văn phòng công chứng số 1 ở TP. Đồng Hới.
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng công chứng số 1 ở TP. Đồng Hới.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 35 luật sư  và 17 tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động hành nghề, trong đó có 16 văn phòng luật sư và 1 công ty Luật TNHH một thành viên. Trong 6 tháng năm 2018,các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện 80 vụ việc.

Lĩnh vực giám định tư pháp ngày càng đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng, từng bước thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định; xây dựng quy định chuẩn giám định cho từng lĩnh vực và xác định cơ chế đánh giá kết luận giám định bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh ta có 2 tổ chức giám định (Trung tâm giám định Y khoa - Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh) và 1 tổ chức giám định theo vụ việc với 99 giám định viên tư pháp. 6 tháng năm 2018, Trung tâm Giám định Pháp y- Y khoa và Phòng Kỹ thuật hình sự đã thực hiện 648 vụ việc (trong đó 426vụ việc theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, 222vụ việc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức khác).

Đối với lĩnh vực công chứng, đã bước đầu xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa công chứng. Hoạt động công chứng đã góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại; tạo việc làm và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 14 công chứng viên đang hành nghề tại 7 tổ chức hành nghề công chứng (1 phòng công chứng, 6 văn phòng công chứng). Trong 6 tháng năm 2018 các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 51.766 việc làm công chứng, chứng thực.

Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá tài sản đã đi vào nền nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá thành, bảo đảm tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, hạn chế tình trạng tiêu cực trong các cuộc đấu giá trước đây.

Các loại tài sản đấu giá, nhất là tài sản đấu giá quyền sử dụng đất tăng đáng kể, đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh nhà.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức đấu giá tài sản và 11 đấu giá viên. Riêng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã qua 15 năm hoạt động, có 8 đấu giá viên, cơ sở vật chất, phương tiện đáp ứng kịp thời chất lượng, nhu cầu. Từ tháng 1-2018 đến tháng 5-2018 Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã thực hiện 417cuộc đấu giá tài sản thành, với giá khởi điểm 103tỷ đồng, giá bán 137,8tỷ đồng.

Mặt khác, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) nói chung và tổ chức thực hiện TGPL nói riêng trên địa bàn tỉnh ta đã phát triển cả về chất và lượng, đội ngũ người thực hiện TGPL từng bước được chuẩn hoá có khả năng thực hiện TGPL nhất là thực hiện TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 189 người thực hiện TGPL, trong đó có 15 Trợ giúp viên pháp lý, 9 luật sư và 165  cộng tác viên TGPL khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Số tổ chức luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, nhất là thương mại quốc tế chưa có; việc đào tạo luật sư thực sự bất cập; việc triển khai Đề án phát triển hành nghề công chứng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh khó đạt được các mục tiêu đề ra; các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan còn một số vướng mắc, bất cập; chưa có tổ chức giám định chuyên nghiệp hoặc tổ chức giám định theo vụ việc trong các lĩnh vực bảo hiểm, thống kê, tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng,…nên việc xã hội hóa tổ chức giám định chưa đạt kết quả…

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong hoạt động TGPL.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong hoạt động TGPL.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, thời gian tới cần có các giải pháp cụ thể mà trước hết là sự thống nhất về quan điểm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo được sự đồng thuận và sự tự giác chấp hành trong nhân dân; bảo đảm các điều kiện và nguồn lực để thực hiện đề án trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về phương tiện làm việc, kinh phí để công chức Tư pháp và các chức danh bổ trợ tư pháp được đào tạo lại hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn Luật sư, nhất là Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư; nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng và nghiệp vụ đáp ứng về dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức; thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Đấu giá tài sản; tiếp tục kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đấu giá tài sản; tăng cường phối hợp với Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL, Hội đồng Phối hợp phổ biến GDPL tỉnh; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư, công chứng viên, giám định viên tư pháp, trợ giúp viên pháp lý và người làm công tác tố tụng...

Ngọc Hải-Dương Quỳnh

 

tin liên quan

Giải đáp pháp luật
Giải đáp pháp luật

(QBĐT) - Hỏi: Tiêu chuẩn, điều kiện nào để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư?

Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất với Phạm Công Danh
Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất với Phạm Công Danh

Ngày 30-7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 46 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) giai đoạn 2 tiếp tục với phần luận tội.

Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm
Bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm

Ngày 30-7, tại Trụ sở Tòa án quân sự Thủ đô, Tòa quân sự Quân khu 7 bắt đầu xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út "trọc", sinh năm 1971), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng và 4 bị cáo khác liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.