Tòa án có thiên vị cho bị cáo?

  • 08:03, 15/03/2016
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 25-2-2016, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo liên quan đến việc lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng các công trình thi công tại 2 xã Dân Hóa và Hóa Sơn, huyện Minh Hóa gây hậu quả nghiêm trọng. Với hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", mức phạt dành cho các bị cáo là chủ đầu tư, giám đốc các đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát  với mức từ 12 tháng tù cho hưởng án treo đến 4,6 năm tù giam.

Tuy nhiên, đằng sau vụ việc này, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu Tòa án có thiên vị cho 2 bị cáo Nguyễn Viết Cường và Cao Thị Thanh Xuân, khi xét xử cho 2 bị cáo này chỉ ở mức 3 năm tù cho hưởng án treo?

Bản án hình sự sơ thẩm số 04/2016/HSST, ngày 25-2-2016 đã tuyên phạt các bị cáo Đinh Xuân Đại (SN 1961) ở thôn Thuận Hóa, xã Hóa Sơn, Minh Hóa, nguyên Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn; Hồ Tuân (SN 1979), ở bản Y Leng, xã Dân Hóa, nguyên Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, mỗi bị cáo 3 năm tù giam; các bị cáo Nguyễn Viết Cường (SN 1981) ở thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, kế toán UBND xã Hóa Sơn; Cao Thị Thanh Xuân (SN 1982) ở TK 8, TT. Quy Đạt UBND xã Dân Hóa cùng bị tuyên phạt 3 năm tù giam cho hưởng án treo; Nguyễn Văn Doan (SN 1959) ở thôn 3, xã Trung Trạch (Bố Trạch), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Tây Sơn: 4 năm 6 tháng tù; Đinh Xuân Sơn (SN 1978) ở TDP 5, phường Hải Đình, TP.Đồng Hới, Giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Hải Đình: 3 năm tù cho hưởng án treo; Đinh Đức Thiện (SN 1976) ở TK 9, TT.Quy Đạt (huyện Minh Hóa), Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Minh: 12 tháng tù cho hưởng án treo; Phạm Văn Quyền (SN 1982) ở thôn 2 Đức Phú, xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa), cán bộ giám sát Công ty TNHH tư vấn xây dựng Phú Minh: 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự, buộc Nguyễn Văn Doan bồi thường hơn 815 triệu đồng cho UBND xã Dân Hóa và hơn 272 triệu đồng cho UBND xã Hóa Sơn.

Lập hồ sơ nghiệm thu khống

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, từ cuối năm 2010 đến năm 2012, các bị cáo nói trên đã lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng công trình chưa thi công, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, trong quá trình thi công các công trình tại xã Hóa Sơn, Đinh Xuân Đại, chủ đầu tư và Nguyễn Viết Cường, kế toán đã thông đồng cùng Nguyễn Văn Doan, Đinh Xuân Sơn (giám đốc đơn vị thi công) để lập hồ sơ và nghiệm thu khống khối lượng hoàn thành các công trình xây dựng trên địa bàn xã này, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Công trình xây dựng nhà ký túc xá bán trú xã Dân Hóa bị sửa nội dung hợp đồng để cho nhà thầu tạm ứng vốn đầu tư không đúng quy định và lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Công trình xây dựng nhà ký túc xá bán trú xã Dân Hóa bị sửa nội dung hợp đồng để cho nhà thầu tạm ứng vốn đầu tư không đúng quy định và lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, công trình đường nội vùng thôn Đặng Hóa thiệt hại gần 472 triệu đồng, công trình đường giao thông nông thôn nội vùng bản Hóa Lương thiệt hại hơn 821 triệu đồng và công trình (lớp học 2 tầng, gồm 4 phòng) của Trường TH và THCS Hóa Sơn thiệt hại hơn 138 triệu đồng.

Tại công trình xây dựng nhà ký túc xá bán trú xã Dân Hóa, Hồ Tuân, chủ đầu tư và Cao Thị Thanh Xuân, kế toán đã thông đồng cùng Nguyễn Văn Doan sửa nội dung hợp đồng để cho nhà thầu tạm ứng vốn đầu tư không đúng quy định và lập hồ sơ quyết toán khống khối lượng công trình chưa thi công để chi tiền cho nhà thầu, gây thiệt hại tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo nói trên đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Doan chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng và Đinh Xuân Sơn chiếm đoạt hơn 821 triệu đồng. Ngoài ra, Đinh Đức Thiện và Phạm Văn Quyền (đơn vị tư vấn giám sát xây dựng) đã không tổ chức nghiệm thu các hạng mục đã thi công tại hiện trường theo đúng quy định.

Mặc dù biết nhà thầu thi công không đúng khối lượng như trong hồ sơ nhưng vẫn ký tên và đóng dấu Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Phú Minh vào hồ sơ nghiệm thu, tạo điều kiện để chủ đầu tư làm trái quy định, gây thiệt hại hơn 291 triệu đồng.

Tòa có thiên vị cho bị cáo?

Theo, bản án hình sự sơ thẩm số 04/2016/HSST, ngày 25-2-2016 của TAND tỉnh quyết định, mức phạt dành cho Nguyễn Viết Cường và Cao Thị Thanh Xuân, mỗi bị cáo chỉ ở mức 3 năm tù treo. Dư luận đặt ra câu hỏi, liệu Tòa án có thiên vị cho 2 bị cáo này? Liệu rằng, hình phạt đó có phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả "nghiêm trọng" mà Cường và Xuân đã gây ra trong thực tế?

Nhận định của Tòa án đối với hành vi của Nguyễn Viết Cường là: "Nguyễn Viết Cường phạm tội với vai trò thứ yếu trong vụ án. Khi thực hiện việc làm thủ tục chi tạm ứng và thanh toán vốn đầu tư cho các nhà thầu, bị cáo chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của đại diện chủ đầu tư, chứ không có thẩm quyền quyết định.

Do đó cần áp dụng Điều 47 và Điều 60, BLHS để quyết định xử cho bị cáo một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề mà bị cáo bị xét xử và xử cho bị cáo được hưởng án treo...". Không chỉ Cường mà với bị cáo Xuân cũng được Tòa án nhận định tương tự.

Vậy, căn cứ nào để Tòa án đưa ra quyết định áp dụng Điều 47 và Điều 60, BLHS để quyết định xử cho các bị cáo nói trên "hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề"? Ở đây, chúng tôi chỉ đi sâu phân tích việc áp dụng 2 điểm q, s khoản 1, Điều 46, của Tòa án để quyết định hình phạt 3 năm tù treo đối với bị cáo Cường và bị cáo Xuân.

Tại trang 12 của bản án đánh giá: "Xét tính chất, hành vi của các bị cáo thấy rằng, các bị cáo đều biết rõ hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến nền kinh tế quốc dân, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, nhưng các bị cáo vẫn cố tình phạm tội. Vì thế cần xét xử nghiêm các bị cáo để giáo dục và phòng ngừa chung".

Trước hết phải nói rằng, chỉ đến khi vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố, các bị cáo nói trên mới hợp tác và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Vì vậy, việc bản án cùng lúc áp dụng điểm p Điều 46 (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải), điểm q (tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm) để quyết định 3 năm tù treo cho Cường và Xuân, liệu có đủ sức nặng "nghiêm minh", để "giáo dục và phòng ngừa chung"?

Hơn nữa, với con số thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng mà các bị cáo cùng đồng phạm gây ra, theo đánh giá là "nghiêm trọng", thì căn cứ áp dụng này đã thực sự tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo và đã thể hiện tính răn đe, giáo dục cao của pháp luật?

Nói riêng về bị cáo Cường, để áp dụng điểm s khoản 1 Điều 46 (người phạm tội có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác), Tòa cho rằng, quá trình công tác của bị cáo là đã có "thành tích xuất sắc", vì "năm 2012, được Chủ tịch UBND xã tặng giấy khen".

Trong khi theo Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP, ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999 là để áp dụng điểm s khoản 1 Điều 46, thì "Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua...".

Mặt khác, nếu theo quy định của Điều 47, thì cả 2 bị cáo này đều đã có đủ 2 tình tiết giảm nhẹ, để quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Nhưng cũng xin nói thêm, ở ngay Điều 47 này cũng quy định, mức hình phạt đó "phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật". Nghĩa là, phải áp dụng vào khoản 2 Điều 165, với khung hình phạt ít nhất là 3 năm tù.

Như vậy, căn cứ cho quyết định "hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề" và việc áp dụng Điều 47, Điều 60, BLHS dành cho 2 bị cáo này của Tòa án là thiếu thuyết phục. Rõ ràng, quyết định này của TAND tỉnh đã "vô tình" giảm nhẹ hình phạt và làm "lợi" cho 2 bị cáo này. Cần lưu ý rằng, chính việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước của các bị cáo trong vụ án này mà cho đến nay các công trình nói trên vẫn chưa được hồi vốn và tái khởi động trở lại để phục vụ cho cộng đồng dân cư nơi đây?

Lê Thy

Cho hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật

Không đồng tình với phán quyết của Tòa án, ngày 9-3, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã ra Quyết định số 48/QĐ-VKS-P3 kháng nghị phúc thẩm phần hình phạt đối với bản án số 04/2016/HSST, ngày 25-2-2016 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh dành cho các bị cáo Nguyễn Viết Cường và Cao Thị Thanh Xuân.
 

Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh
Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh

Kháng nghị nêu rõ, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm để không cho các bị cáo nói trên được hưởng án treo. Lý do mà VKSND tỉnh nêu ra là TAND tỉnh đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại các điểm q, s Điều 46 Bộ Luật hình sự (BLHS) để xử phạt Nguyễn Viết Cường và Cao Thị Thanh Xuân, mỗi bị cáo 36 tháng tù, cho hưởng án treo là không đúng quy định của pháp luật, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo và chưa thể hiện tính giáo dục cao của pháp luật.

Cụ thể, quá trình điều tra, 2 bị cáo nói trên chỉ khai báo và cung cấp các tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội của mình cùng đồng phạm, nên đã được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS, chứ không thể vừa áp dụng điểm q vừa áp dụng điểm p đối với một tình tiết giảm nhẹ.

TAND tỉnh đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s đối với bị cáo Cường, do trong quá trình công tác, năm 2012 được UBND xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa) tặng giấy khen là không chính xác.

Bởi, theo hướng dẫn tại điểm b, mục 4 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP, ngày 4-8-2000 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999, thì "Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sĩ thi đua...".

Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP, ngày 6-11-2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của BLHS về án treo, quy định: không cho hưởng án treo nếu thuộc trường hợp người phạm tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn để phạm tội.

Trong vụ án này, hai bị cáo Nguyễn Viết Cường và Cao Thị Thanh Xuân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cùng các đồng phạm khác cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

P.V

 





 

tin liên quan

Phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát, sạn
Phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát, sạn

(QBĐT) - Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường đối với các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên-Môi trường đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác cát của các đơn vị được cấp phép và có những kiến nghị xử lý các sai phạm của các đơn vị được cấp phép.

Tuyên Hóa: Phát hiện, xử lý 16 vụ vi phạm lâm luật
Tuyên Hóa: Phát hiện, xử lý 16 vụ vi phạm lâm luật

(QBĐT) - Trong tháng 2-2016, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị và chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhiều khu vực rừng trên địa bàn.

Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép gần 600 viên ma túy tổng hợp
Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép gần 600 viên ma túy tổng hợp

(QBĐT) - Ngày 10-3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, phối hợp với Đồn Công an thị trấn nông trường Lệ Ninh (huyện Lệ Thủy), bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép 596 viên ma túy tổng hợp.