Nợ xây dựng cơ bản, vì đâu nên nỗi (?!)-Bài 2: Công trình cấp bách… dang dở
07:06, 12/06/2025
(QBĐT) - Tư duy đầu tư kiểu “xin-cho”, xin được “đồng nào, xào đồng nấy”, còn nợ… tính sau và thói quen “trông chờ, ỷ lại” đã khiến nhiều công trình cấp bách, thiết yếu bị kéo dài thời gian đầu tư, dẫn đến lãng phí, xuống cấp. Đó cũng chính nguyên nhân phát sinh nợ đọng và nợ xây dựng cơ bản (XDCB) ở các địa phương.
Không ít công trình đầu tư XDCB của các địa phương do không chủ động nguồn vốn, thiếu vốn… đang bị “đắp chiếu” nhiều năm. Tình trạng, doanh nghiệp chờ địa phương giải ngân, trả nợ để có tiền thi công, còn địa phương thì chờ tiền đấu giá quyền sử dụng đất như một vòng luẩn quẩn khiến nhiều công trình cấp bách, thiết yếu dang dở, gây lãng phí.
Công trình Trường mầm non Trung Trạch (Bố Trạch) là một trong những công trình như vậy. Trường mầm non này được khởi công từ năm 2019, với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương là hơn 16 tỷ đồng, ngân sách cấp trên hơn 7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2023, công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng và trả được “món nợ” trường đạt chuẩn. Thế nhưng, sau hơn 6 năm thi công đến nay, Trường mầm non Trung Trạch vẫn còn dang dở và bị “bỏ không” từ nhiều năm qua.
Theo quan sát của chúng tôi, công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô các dãy nhà lớp học 2 tầng và nhà chức năng. Một số công trình phụ trợ đang xây dựng dở dang, nham nhở, khuôn viên xung quanh sân trường cỏ mọc um tùm. Đáng tiếc, do bị bỏ hoang lâu ngày, một số vị trí của công trình nhà lớp học đã có dấu hiệu xuống cấp, nứt nẻ, thấm dột.
Theo lãnh đạo UBND xã Trung Trạch, nguyên nhân công trình Trường mầm non Trung Trạch xây dang dở nhiều năm là do hết vốn. Hiện, công trình mới nghiệm thu hơn 60% khối lượng, tương đương nguồn vốn hơn 8 tỷ đồng giải ngân cho nhà thầu. Còn nguồn vốn ngân sách địa phương chưa thể cân đối để tiếp tục phân bổ cho công trình được, vì nguồn thu ngân sách từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất từ năm 2021 đến nay không đạt kế hoạch và phải ưu tiên bố trí để trả nợ đọng XDCB.
Công trình Trường mầm non Trung Trạch (Bố Trạch) “đắp chiếu” nhiều năm do thiếu vốn.
Tại xã Đại Trạch, ngoài 2 công trình Trường mầm non Đại Phương, công trình nhà hiệu bộ, nhà xe của Trường tiểu học số 2 còn dang dở, công trình đường giao thông từ thôn Đại Nam đến Phương Hạ cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 55%.
Theo lãnh đạo địa phương đây là công trình thiết yếu, được đầu tư với số tiền 13 tỷ đồng, khởi công từ năm 2022, dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, do hết vốn. Vậy là, những công trình cấp bách, thiết yếu, giờ đây trở thành công trình “đắp chiếu” nằm chờ… vốn.
Có vị lãnh đạo địa phương thẳng thắn: “Không làm thì chúng tôi bị cấp trên phê bình. Nhưng nguồn lực trong tay không có thì lấy gì để làm, mà đã làm thì phải nợ. Nguồn lực đầu tư ở cấp xã, phường đều trông chờ vào nguồn đấu giá đất. Nếu đấu giá được đất thì có tiền trả, còn không thì phải gánh nợ”.
Chờ phường, xã mới… trả nợ!
Đó là câu trả lời của lãnh đạo hầu hết các địa phương còn nợ XDCB. Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Hiện tại phường còn vài ba tỷ đồng, nhưng không biết phải giải ngân như thế nào. Vì thời gian còn lại từ nay đến sáp nhập phường, thành lập phường mới còn lại rất ít. Chắc phải chuyển công nợ cho phường mới giải quyết, thôi”.
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Trạch (Bố Trạch) Nguyễn Thị Thu Nga, chủ trương thực hiện các công trình, dự án đều được xây dựng từ đầu nhiệm kỳ và triển khai đúng quy định, kế hoạch. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, vì nguồn thu khó khăn, nên địa phương linh hoạt vận dụng để “san sẻ” cho công trình này một ít, công trình kia một ít.
Một lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố chưa có báo cáo số liệu cụ thể về tình trạng nợ XDCB theo yêu cầu của tỉnh. Sau khi có số liệu tổng hợp chính thức số nợ XDCB của các xã, phường, thị trấn, mới có phương án giải quyết.
Lãnh đạo một địa phương mới được điều động luân chuyển từ cấp huyện về cho biết, qua kiểm tra rà soát, mới phát hiện nhiều công trình dự án trước đây, địa phương cứ đầu tư ào ạt. Hễ cứ có tiền là họ chi mà không hề tính toán hoặc chủ quan nghĩ rằng nguồn thu năm nào cũng dồi dào như nhau. Vì trong thực tế có năm, có địa phương, nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng cũng có năm không thu được đồng nào. Ví như, có địa phương thấy nguồn thu dồi dào đã “mạnh tay” chi hàng trăm triệu đồng trang bị cơ sở vật chất cho nhà văn hóa thôn, thay vì có thể huy động nguồn lực xã hội hóa.
Có địa phương quyết định xây dựng công trình với dự toán hàng tỷ đồng, nhưng trong tay chỉ có vài trăm triệu. Số tiền còn thiếu phải đi xin hoặc phải khất nợ đơn vị thi công. Công trình xây dựng năm này, giai đoạn này chưa hoàn thành, tiếp tục gia hạn đến năm sau. Mỗi năm bố trí một ít vốn, vì thế công trình đầu tư cứ kéo dài. Chưa kể tư duy “đã làm lãnh đạo là phải có công trình” là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ đọng và nợ XDCB của các địa phương ở cơ sở.
Thời gian tới, cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, Trung ương đã có chủ trương đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Rồi đây, thể chế và các quy định sẽ được hoàn thiện để thực hiện. Tuy nhiên, trong điều kiện các địa phương, nhất là vùng khó khăn chưa chủ động được nguồn lực, việc hỗ trợ của cấp trên đối với các công trình cấp bách, thiết yếu là cần thiết. Nhưng khi quyết định hỗ trợ đầu tư các công trình, cấp có thẩm quyền cần yêu cầu địa phương chứng minh nguồn lực bố trí vốn cho công trình, để bảo đảm nguồn vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả, không để lãng phí. Có như vậy, mới hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu tính toán như hiện nay.
(QBĐT) - Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lệ Thủy cho biết, hiện, ngành chăn nuôi tại địa phương đang duy trì ổn định, không có dịch bệnh xảy ra; đồng thời chính quyền địa phương khuyến khích bà con nhân dân tổ chức chăn nuôi theo hướng tập trung, khép kín, an toàn sinh học, hạn chế chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh môi trường…