(QBĐT) - Huyện Lệ Thủy xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn…
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Trang trại chăn nuôi lợn Vinh Phát của anh Nguyễn Xuân Vũ tại xã Mai Thủy bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2023. Với quy mô 350 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt, trang trại đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, như: Công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi; máng ăn và nước uống tự động; hệ thống máy nghe nhạc giúp vật nuôi giảm stress; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas, chế phẩm sinh học; máy tách ép chất thải chăn nuôi. Ngoài các công nghệ trên, hiện trang trại Vinh Phát còn áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, chăm sóc, tình trạng sức khỏe của đàn lợn nuôi…
Bước vào nghề chăn nuôi lợn khá muộn, nhưng anh Nguyễn Xuân Vũ đã bắt kịp xu hướng chăn nuôi lợn nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, anh đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống chuồng lạnh theo quy trình khép kín để chăn nuôi lợn.
![]() |
“Hiện, trang trại Vinh Phát có hệ thống chuồng nuôi khép kín với diện tích khoảng 1.600m2. Việc ứng dụng CNC vào sản xuất tại trang trại giúp quản lý tốt về an toàn sinh học, hạn chế được bệnh tật, giảm chi phí nhân công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đầu ra sản phẩm ổn định; đồng thời hiệu quả mang lại cho trang trại là giá bán vật nuôi cao hơn so với thị trường, đàn vật nuôi tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài; đặc biệt là thời tiết bất lợi…”, anh Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ.
Nhờ đó, năm 2024, tổng sản lượng của trang trại về lợn giống thương phẩm đạt hơn 9.200 con và lợn thịt đạt 360 tấn. Tổng doanh thu của trang trại đạt khoảng 18,4 tỷ đồng lợn giống và 24,5 tỷ đồng lợn thịt. Lợi nhuận đạt khoảng 5-6 tỷ đồng/năm.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xã Xuân Thủy đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển sản xuất.
Với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, đến nay, xã Xuân Thủy đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như đã bê tông hóa gần 8km đường giao thông nội động, 12,5km kênh mương; đồng thời có các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên người dân trực tiếp phát triển sản xuất, nhất là chuyển đổi sang trồng lúa hè-thu.
![]() |
Từ năm 2020 đến nay, xã đã chuyển đổi được hơn 10ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sen-cá; hơn 560ha lúa tái sinh sang sản xuất lúa hè-thu; gần 220ha lúa đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…
Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy Dương Đức Phố thông tin, địa phương có diện tích đất trồng lúa gần 500ha, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, địa phương rất cần tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí, chính sách cho người nông dân trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là lúa vụ hè-thu; có giải pháp hỗ trợ đầu ra, giá vật tư nông nghiệp cho người dân…
Nâng cao giá trị sản xuất
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho rằng, những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã có sự chuyển dịch từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô tập trung với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng miền; từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh; cơ cấu cây trồng và mùa vụ sản xuất có sự chuyển đổi rõ nét; chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, đất gò đồi hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, cây khác có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với lợi thế của từng địa phương.
Đến nay, bà con nông dân tại huyện Lệ Thủy đã chuyển đổi được hơn 930ha sản xuất lúa tái sinh lâu năm sang làm lúa vụ hè-thu; chuyển đổi 87ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác; chuyển đổi 65ha đất vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu; trên 71ha diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel; chuyển đổi diện tích trồng rau màu theo hướng tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 103ha; có 14 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC; diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 850ha… |
Đồng thời, việc ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ phục vụ đời sống và sản xuất trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; các mô hình ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, năng suất, hiệu quả được cải thiện đáng kể. Người nông dân đã thấy được lợi ích của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp…
“Tuy nhiên, tại huyện Lệ Thủy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhìn chung quy mô còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu tính liên kết vùng tập trung; triển khai ứng dụng CNC vào sản xuất chưa mạnh và chưa đồng đều; quy mô và mức độ ứng dụng công nghệ còn hạn chế, nông nghiệp vẫn là nền sản xuất sản phẩm thô; việc triển khai thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị còn gặp một số tồn tại… Đây là những vấn đề đặt ra mà địa phương cần tập trung khắc phục, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho hay.
Ngọc Hải