Giống sắn mới, giải pháp kháng bệnh khảm lá

  • 10:03, 07/03/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh ta không chỉ là giải pháp khoa học mà còn là hướng đi bền vững, giúp nâng cao năng suất, bảo vệ nguồn giống, bảo đảm hiệu quả kinh tế và phát triển giống sắn theo hướng an toàn, ổn định.
 
Thực tế cho thấy, sắn là cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, giống cây này không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn trở thành nguyên liệu chính phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học và xuất khẩu với khối lượng lớn.
Giống sắn mới kháng bệnh khảm lá phù hợp điều kiện thổ nhưỡng vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh.
Giống sắn mới kháng bệnh khảm lá phù hợp điều kiện thổ nhưỡng vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, cây giống này đang bị thách thức từ bệnh khảm lá, một dịch hại nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh qua hom giống và bọ phấn trắng, nguy cơ bùng phát vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt khi nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu ngày càng gia tăng. Nếu không có giải pháp kịp thời, năng suất và chất lượng sắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống người dân canh tác sắn và chuỗi cung ứng sản phẩm.
 
Xuất phát từ thực tiễn đó, nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KH-CN) “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất và hàm lượng tinh bột cao phục vụ canh tác sắn bền vững” được Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh chủ trì triển khai.
 
Nhiệm vụ KH-CN đã tuyển chọn được một số giống sắn có năng suất, hàm lượng tinh bột cao và khả năng chống chịu bệnh khảm lá nhằm nâng cao hiệu quả cho người dân, hướng đến canh tác sắn bền vững tại tỉnh. Nghiên cứu được tiến hành tuyển chọn giống sắn tại 3 vùng sinh thái trồng sắn chủ lực ở các xã Tây Trạch, Phú Định (Bố Trạch) và Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).
 
Thông qua khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu đã đánh giá các yếu tố quan trọng, như: Tình hình sản xuất, đặc điểm sinh trưởng, mật độ trồng, kỹ thuật canh tác của người dân địa phương... Kết quả cho thấy, cây sắn vẫn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác, với mật độ trồng phổ biến từ trên 15.000-18.000 cây/ha, thời vụ gieo trồng chủ yếu vào tháng 12 dương lịch, sử dụng phân bón tổng hợp NPK theo đúng tỷ lệ.
Thu hoạch sắn HN1 trên địa bàn vùng đồi huyện Bố Trạch.
Thu hoạch sắn HN1 trên địa bàn vùng đồi huyện Bố Trạch.
Qua thực nghiệm theo đúng quy trình kỹ thuật mới về thời vụ, mật độ và chế độ bón phân, các giống sắn đều đáp ứng khả năng sinh trưởng tốt trên địa bàn tỉnh, thời gian sinh trưởng kéo dài từ 272-300 ngày, bảo đảm độ thuần đồng ruộng cao. Đặc biệt, giống sắn HN1 thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, như: Đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình canh tác truyền thống; kháng bệnh khảm lá; năng suất củ tươi đạt 68 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 25%, có khả năng chống chịu và giảm nguy cơ lây lan một số bệnh tốt hơn hẳn giống cũ hiện đang được sử dụng rộng rãi tại địa phương.
 
Bệnh khảm lá sắn được ghi nhận xuất hiện lần đầu tại Quảng Bình vào năm 2022, bệnh ngày càng lan rộng. Năm 2023, tỷ lệ bệnh trên đồng ruộng phổ biến 5-10%, nơi cao 15-30%, cục bộ những vùng nhiễm nặng tỷ lệ bệnh lên đến 70-100%. 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bố Trạch Đỗ Mạnh Tài cho hay, các địa phương vùng gò đồi trên địa bàn huyện Bố Trạch đưa vào thử nghiệm trồng giống sắn mới HN1 đã chứng minh được sức kháng bệnh khảm lá tốt hơn giống sắn cũ. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi diện tích sang giống sắn mới bảo đảm hiệu quả thì chi phí giống cao. Vì vậy, bà con trong vùng trồng sắn nguyên liệu mong nhận được sự hỗ trợ ban đầu để được ứng dụng KH-CN vào sản xuất sớm.
 
“Từ những kết quả đạt được, nhiệm vụ nghiên cứu đã góp phần lựa chọn được giống sắn kháng bệnh khảm lá phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh, mở ra hướng đi mới nhằm thay thế giống KM94 đã thoái hóa và nhiễm bệnh nặng. Đồng thời, quy trình canh tác giống sắn kháng bệnh cũng đã được hoàn thiện, tạo cơ sở khoa học để mở rộng sản xuất, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất ổn định, bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo vệ nguồn giống, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam khẳng định.
H.Tr

tin liên quan