Vững tin hướng đến ngư trường lớn

  • 07:02, 16/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo thông lệ, cứ sau rằm tháng Giêng, các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đều ra quân “mở biển”. Hướng ra biển lớn, ngư dân bắt đầu hành trình đầu tiên của năm mới-hành trình mang theo kỳ vọng một vụ mùa bội thu, tôm cá đầy khoang.
 
Công tác chống khai thác IUU được triển khai quyết liệt
Ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản
 
Sau hơn 7 năm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), đến nay, công tác chống khai thác IUU tại tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng.
 
Theo đó, công tác chống khai thác IUU đã được triển khai quyết liệt; nhận thức của cán bộ, ngư dân được nâng cao; công tác quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tàu cá ngày càng chặt chẽ, được đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận. Đặc biệt là kết quả xử lý tàu cá “3 không” tại tỉnh thực hiện tốt hơn so với các địa phương khác; tỷ lệ giám sát hàng thủy sản qua cảng cá ngày càng tăng; công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU thực hiện có kết quả, đặc biệt không có tàu cá khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt.
Công tác quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tàu cá tại tỉnh ta ngày càng chặt chẽ.
Công tác quản lý tàu cá, kiểm soát hoạt động tàu cá tại tỉnh ta ngày càng chặt chẽ.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 3.900 tàu cá thực tế 6m trở lên, trong đó có hơn 1.170 tàu cá từ 1m trở lên; 290 tàu cá từ 12-15m và hơn 2.400 tàu cá từ 6-12m. Đến nay, 100% tàu cá đã được đăng ký, đánh dấu và 97,1% tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã thường xuyên cập nhật dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; đồng thời đối với các tàu cá quá hạn đăng kiểm, quá hạn giấy phép, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình đã được lập danh sách cụ thể và giao cho UBND cấp xã phân công cán bộ theo dõi, giám sát và kiên quyết không cho hoạt động khi chưa khắc phục theo đúng quy định…
 
Tuy nhiên, vẫn nhìn nhận thực tế rằng, công tác chống khai thác IUU tại tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế cần khẩn trương khắc phục để chuẩn bị đón và làm việc với đoàn thanh tra của EC, đó là: Tỷ lệ giám sát sản lượng hải sản qua cảng đạt thấp; tình trạng vượt ranh giới trên biển, mất kết nối giám sát hành trình vẫn diễn ra; nhật ký khai thác chưa bảo đảm độ tin cậy…
Tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ tàu cá; đẩy mạnh giám sát sản lượng hải sản về các cảng cá, bến cá, cầu tàu; tập trung đợt cao điểm kiểm soát tàu cá, xử lý vi phạm khai thác IUU…
       Ngọc Hải (thực hiện)
 
Vững tin vươn khơi
Ngư dân Lê Ngọc Tình, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch)
 
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề biển. Từ nhỏ, tôi đã theo cha đi đánh cá trên những con ghe nhỏ để mưu sinh, nghề biển đã ngấm vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Sau nhiều năm bám biển, được Nhà nước tạo điều kiện, tôi mạnh dạn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, hướng tới những ngư trường rộng lớn.
 
Hiện, gia đình tôi có một tàu cá công suất 1.300CV chuyên đánh bắt ở những ngư trường xa. Để chuyến biển thuận lợi, hiệu quả, ngoài kinh nghiệm đánh bắt, theo dõi luồng cá, tôi luôn ưu tiên trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để dò tìm. Mỗi năm tôi đi 10-12 chuyến biển, dù ít dù nhiều chuyến nào cũng có cá, có tôm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Nghề biển đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Cảnh Dương.
Nghề biển đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Cảnh Dương.
Những lúc thuận lợi, đánh bắt được mùa ngư dân chúng tôi rất phấn khởi nhưng nghề biển không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Có những thời điểm ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi ngư trường đánh bắt ngày càng hạn hẹp, thủy hải sản khan hiếm; có những chuyến vừa ra khơi chưa kịp đánh bắt thì gặp bão phải quay về tránh trú; không ít chuyến đi biển chỉ đủ chi phí nhưng tôi chưa bao giờ có ý định “bỏ” biển. Bởi với chúng tôi, biển là một phần máu thịt, gắn với nghề truyền thống từ bao đời ông cha ta gìn giữ và phát triển. Dù có khó khăn thế nào, chúng tôi đều sẽ vượt qua, kiên trì bám biển, bảo vệ ngư trường truyền thống của quê hương.
 
Dự kiến sau lễ ra quân mở biển đầu năm, tàu của tôi sẽ “xuất quân” hướng về ngư trường Hoàng Sa đánh bắt thủy hải sản. Tôi hy vọng mùa biển mới Ất Tỵ, mưa thuận gió hòa để ngư dân yên tâm bám biển.
 
Để chuẩn bị cho chuyến “mở biển” đầu năm mới, tôi đã mua sắm trang thiết bị, sẵn sàng lương thực, thực phẩm để vươn khơi. Với những ngư dân như chúng tôi, chuyến biển đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, ai cũng mong muốn đánh bắt suôn sẻ, mang đầy tôm cá trở về.                      
Lan Chi (thực hiện)
 
Tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm tâm vươn khơi, bám biển
Bà Hồ Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch (Bố Trạch)
 
Toàn xã Đức Trạch có 197 tàu cá (chiều dài trên 15m và công suất từ 250CV trở lên) chuyên đánh bắt xa bờ, 127 thuyền (chiều dài từ 6-12m) và 106 bơ nan (chiều dài dưới 6m) chuyên khai thác ở vùng biển lộng (gần bờ). Đội tàu, thuyền “hùng hậu” đã góp phần giải quyết công ăn việc làm như khai thác đánh bắt, chế biến, kinh doanh sản phẩm hải sản... cho hơn 2.500 lao động trong và ngoài địa phương.
 
Năm 2024, tổng sản lượng đánh bắt thủy, hải sản toàn xã đạt 10.213,5 tấn (trong đó đánh bắt xa bờ là 10.030 tấn), đạt 107,5% kế hoạch. Đến nay, toàn xã chỉ còn 15 hộ nghèo và 39 hộ cận nghèo, mức thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm. Có thể nói, nghề biển thực sự mang lại đời sống sung túc cho nhiều hộ gia đình ở xã, đặc biệt rất nhiều hộ đã trở nên giàu có, xây dựng được nhà cao tầng kiên cố và sở hữu được những chiếc tàu cá trị giá trên 30 tỷ đồng...
Tặng quà động viên ngư dân ra quân đánh bắt thủy sản đầu xuân 2025.
Tặng quà động viên ngư dân ra quân đánh bắt thủy sản đầu xuân 2025.
Để nâng cao hiệu quả nghề biển, trong năm 2025, UBND xã Đức Trạch sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển: Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nghề thủy, hải sản, đặc biệt chú trọng khuyến khích ngư dân đánh bắt theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vận động ngư dân lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có gắn thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình, vươn khơi xa bám biển dài ngày; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đánh bắt, khai thác chế biến, bảo quản đăng ký thương hiệu tiêu thụ sản phẩm; tuân thủ pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tăng cường đoàn kết, hỗ trợ nhau bám biển, lao động sản xuất hiệu quả...
 
Theo thông lệ, cứ sau rằm tháng Giêng, UBND xã Đức Trạch lại tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản để động viên ngư dân, cầu mong có thêm một năm mưa thuận gió hòa, toàn dân sức khỏe, hoạt động nghề biển tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi.
Văn Minh (thực hiện)

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện truyền tải
Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện truyền tải

(QBĐT) - Làm tốt công tác quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ hiện đại và đầu tư xây dựng hợp lý, hệ thống điện truyền tải trên địa bàn tỉnh đã và đang vận hành an toàn, ổn định. Qua đó, góp phần cung cấp điện liên tục, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt, nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững ngành Điện của tỉnh trong tương lai.

Thu tiền sử dụng đất từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị vượt  trên 19%
Thu tiền sử dụng đất từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị vượt trên 19%

(QBĐT) - Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh Từ Ngọc Quý cho biết, năm 2024, công tác thu tiền sử dụng đất từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đạt cao, vượt 19,3% so với chỉ tiêu đề ra.