Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, hiện đại

  • 08:02, 25/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại không chỉ là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng của người dân mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư của tỉnh. Dù gặp khó khăn về ngân sách và nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, Quảng Bình vẫn luôn nỗ lực tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để kiến tạo một hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững. 
 
Chợ dân sinh-nền tảng của thương mại nội địa
 
Cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống chợ dân sinh vẫn giữ vai trò chủ đạo trong phân phối hàng hóa thiết yếu của Quảng Bình. Toàn tỉnh hiện có 141 chợ dân sinh; trong đó có 2 chợ hạng 1, 5 chợ hạng 2, 134 chợ hạng 3 và chợ tạm. Mạng lưới chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa hàng ngày mà còn tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt đối với vùng nông thôn và miền núi.
 
Hầu hết các chợ được quản lý trực tiếp bởi UBND xã, phường, chỉ một số chợ lớn ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố được quản lý bởi Ban Quản lý (BQL) chợ (BQL các công trình công cộng). Những năm qua, mặc dù tỉnh đã nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư nâng cấp và xây dựng chợ, nhưng do hạn chế về ngân sách, việc huy động xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn đã tạo nên rào cản, thách thức đối với địa phương. Hiện, nhiều chợ truyền thống đang đối mặt với tình trạng hoạt động kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Đặc biệt, là sự cạnh tranh từ các mô hình bán lẻ hiện đại và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã thay đổi thói quen mua sắm của người dân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng siêu thị Co.opmart Quảng Bình bảo đảm phục vụ bán hàng văn minh, lịch sự.
Hệ thống cơ sở hạ tầng siêu thị Co.opmart Quảng Bình bảo đảm phục vụ bán hàng văn minh, lịch sự.
 
Mạng lưới thương mại đa dạng và phong phú
 
Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống, các loại hình thương mại, dịch vụ mới ngày càng phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm và vui chơi của người dân. Nhiều cửa hàng kinh doanh hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương đã hình thành, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và du khách khi đến tham quan, du lịch Quảng Bình”.
 
Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một mạng lưới thương mại đa dạng, phong phú và hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho người dân với 1 trung tâm thương mại hạng II và 8 siêu thị; trong đó có 2 siêu thị hạng I, 3 siêu thị hạng II, 3 siêu thị hạng III. Các siêu thị, trung tâm thương mại tập trung chủ yếu ở trung tâm huyện, thị xã, thành phố có mật độ dân cư đông đúc, như: TP. Đồng Hới với Trung tâm thương mại Vincom, siêu thị Co.opmart Quảng Bình; TX. Ba Đồn có Trung tâm thương mại Thiện Nhân, siêu thị Thái Hậu; thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) có siêu thị Diến Hồng...
 
Mạng lưới cửa hàng tiện ích, bách hóa tổng hợp, siêu thị mini trải dài khắp địa bàn tỉnh, mang đến cho người dân nhiều lựa chọn về sản phẩm hàng hóa, từ tiêu dùng nhanh đến các mặt hàng đặc trưng. Đặc biệt, tại TP. Đồng Hới đã hình thành các tuyến phố chuyên doanh, như: Đường Trần Hưng Đạo là nơi tập trung các cửa hàng, đại lý mặt hàng viễn thông, điện tử, nội thất, thời trang; đường Lý Thường Kiệt là trung tâm cung ứng vật liệu xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ, trang trí nội thất và thực phẩm; đường Mẹ Suốt phục vụ các nhu cầu về xe đạp, hàng điện tử, may mặc, thời trang và mỹ phẩm; đường Cô Tám nổi tiếng với những đặc sản ẩm thực riêng của Quảng Bình...
 
Những thách thức và rào cản
 
Đánh giá về thực trạng cơ sở hạ tầng của hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam chia sẻ: “Hiện, có nhiều chợ đã xuống cấp rất cần được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tình trạng đầu tư chắp vá, nhỏ lẻ từng hạng mục. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất hạn chế, việc huy động nguồn xã hội hóa chưa được sự đồng thuận và hưởng ứng cao của các doanh nghiệp, thương nhân”.
 
Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/8/2024. UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1811/UBND-TH, ngày 2/10/2024 chỉ đạo triển khai thực hiện nghị định. Tuy nhiên, công tác quản lý và phát triển chợ hiện còn gặp một số khó khăn do các quy định của nghị định chưa thật sự rõ ràng, thống nhất. Các bộ, ngành liên quan chưa ban hành thông tư hoặc các văn bản hướng dẫn thực hiện nên các địa phương, trong đó có Quảng Bình còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết một số chợ có quy mô nhỏ, nhu cầu họp chợ không thường xuyên, nguồn thu thấp, do đó việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo quy định rất khó khăn, chưa thực hiện được. Hiện, hầu hết các chợ do UBND xã quản lý thông qua tổ quản lý chợ, các tổ quản lý chợ chỉ mới thực hiện chức năng thu phí để chi trả công tác quản lý, vệ sinh môi trường tại chợ. Năng lực của các tổ quản lý chợ còn hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, khai thác chợ.
 
Ông Phan Hoài Nam nhấn mạnh: “Hiện, Sở Công thương đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng dự thảo quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành theo đúng trình tự, thủ tục. Trong đề án tái cơ cấu ngành đến năm 2030, sở đã xác định nhiệm vụ trong tâm đó là: Tham mưu xây dựng các chương trình, đề án về xúc tiến, thu hút đầu tư lĩnh vực hạ tầng thương mại, chú trọng đến các dự án đầu tư về trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ theo quy hoạch của tỉnh. Sở Công thương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp thực hiện từ các sở, ngành liên quan và địa phương để từng bước hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, tạo nên môi trường kinh doanh năng động và hiện đại, mở đường cho những bước tiến mới trong công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế toàn diện”.
Hiền Chi

tin liên quan