(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn hiện đang là mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ nông dân tại huyện Lệ Thủy áp dụng vì kỹ thuật đơn giản, sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá mạnh. Nắm bắt được điều này, anh Nguyễn Đức Tình (SN 1978) ở bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy đã lựa chọn mô hình nuôi lươn không bùn quy mô lớn, khép kín, qua đó, tạo ra lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Chia sẻ với chúng tôi anh Tình cho biết, với khát vọng và sức trẻ, anh luôn ấp ủ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, nhưng cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng với những người không có sự kiên nhẫn. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng và trải qua nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt không mấy thuận lợi, sau một thời gian nghiên cứu, anh Tình xác định lươn chính là đối tượng nuôi có thể giúp mình làm giàu. Đầu năm 2024, thông qua tìm hiểu từ bạn bè và nhận thấy nhu cầu của thị trường về lươn thành phẩm khá lớn, anh Tình quyết định xây 16 bể xi măng với tổng diện tích hơn 150m2 để nuôi lươn không bùn…
Mô hình nuôi lươn không bùn của gia đình anh Nguyễn Đức Tình.
Mỗi bể nuôi có diện tích 8m2, được lắp hệ thống cấp thoát nước để dễ dàng thay nước hàng ngày. Anh quyết định bỏ vốn ra để mua hơn 3.000 con lươn giống từ các tỉnh phía Nam để tiến hành thả nuôi. Kỹ thuật nuôi lươn anh Tình chủ yếu học qua sách vở. Nhờ chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên gia đình anh đã gặp nhiều thuận lợi ngay từ những bước đầu tiên trong quá trình nuôi thả con giống.
“Tôi thấy nuôi lươn không bùn không khó, nhưng cũng phải biết qua một chút kỹ thuật và tập tính của loài lươn, từ đó có cách chăm sóc phù hợp thì lươn mới lớn nhanh và không bị bệnh. Quan trọng nhất của việc nuôi lươn không bùn là người nuôi phải luôn giữ được nguồn nước trong bể sạch sẽ bằng cách thay nước 2 lần/ngày sau mỗi bữa cho lươn ăn để tránh vi khuẩn xâm nhập cũng như thúc đẩy và sinh trưởng tốt. Ngoài ra, loài lươn thích sống chui rúc nên phải có hệ thống giá thể sợi nilon hoặc thả lưới để loài lươn có thể trú ngụ sau ăn. Lươn nuôi 9-10 tháng có thể đạt từ 250-350g/con…”, anh Tình thông tin.
“Hiện, nguồn lươn tự nhiên đang bị suy giảm nhanh chóng và ngày càng khan hiếm. Để đáp ứng nhu cầu về lươn thương phẩm; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho người dân tại địa phương, gia đình tôi sẵn sàng chia sẻ cách xây dựng bể cũng như truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cách phòng trị bệnh cho những hộ dân có nhu cầu nuôi lươn không bùn…”, anh Nguyễn Đức Tình cho biết.
Năm 2024, với 16 bể nuôi lươn khép kín được che chắn cẩn thận cùng với việc thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật nuôi, anh Tình đã thu hoạch được gần 3 tấn lươn thành phẩm. Với giá bán sỉ cho các thương lái đến từ Nghệ An từ 110.000-120.000 đồng/kg, anh Tình đạt doanh thu gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh lãi gần 150 triệu đồng…
“Vụ đầu tiên gia đình tôi khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn khá thuận lợi. Qua nắm bắt, nhận thấy thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm khá mạnh; đồng thời để có nguồn lươn thương phẩm cung ứng thường xuyên, liên tục cho thị trường, ngay từ đầu năm 2025 gia đình tôi đã gia tăng số lượng lươn giống lên 5.000 con và thả nuôi theo hình thức “cuốn chiếu”, nhằm cung cấp cho thị trường quanh năm…”, anh Tình cho hay.
Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy Hồ Văn Núi cho biết, nuôi lươn không bùn là mô hình mới của xã Ngân Thủy cũng như của huyện Lệ Thủy mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xúc tiến, nhân rộng, bởi mô hình này có chi phí đầu vào thấp, phù hợp với điều kiện của các hộ dân có ít đất sản xuất. Qua đó, giúp nhiều hộ dân tại địa phương; đặc biệt là bà con Bru-Vân Kiều thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng…
(QBĐT) - Với sự đồng hành của nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp, trên những cánh đồng ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) đã áp dụng liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ và đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nhằm thay thế cho sức lao động của người nông dân, từ đó, tạo nên những cánh đồng "không dấu chân"...
(QBĐT) - Sáng 18/2, Câu lạc bộ Doanh nghiệp, doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.