Chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa đông-xuân

  • 07:02, 19/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện, toàn tỉnh đã gieo cấy 28.935/29.064ha lúa đông-xuân. Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt; lúa trà sớm giai đoạn đẻ nhánh, trà chính vụ 4-5 lá, lúa trà muộn 1-3 lá. Tuy nhiên, thời tiết và các loại dịch hại lúa diễn biến phức tạp, nông dân toàn tỉnh cần chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa để có vụ mùa thắng lợi.
 
Huyện Lệ Thủy hiện đã gieo 9.900/10.100ha lúa đông-xuân, đạt 98%, riêng xã Hồng Thủy còn 200ha chưa gieo. Hiện, cây lúa đông-xuân trà sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà chính vụ 3-4 lá, sinh trưởng phát triển tốt. Trên cây lúa cũng xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại rải rác, như: Bọ trĩ, rệp muội, tuyến trùng rễ, ốc bươu vàng, chuột…Chính vì vậy, từ mồng 4 Tết Nguyên đán, bà con nông dân đã tích cực xuống đồng để theo dõi, chăm sóc tỉa dặm lúa đông-xuân.
 
Ông Bùi Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lộc Hạ, xã An Thủy (Lệ Thủy) cho biết: HTX có 258ha lúa. Hiện, lúa của bà con cơ bản đã gần hoàn thành khâu tỉa dặm. Trước, trong và sau Tết là thời điểm sâu bệnh hại lúa có xu hướng diễn biến phức tạp, nên từ ngày mồng 4 Tết tôi và các thành viên HTX đã đi kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết là lúa bị chuột phá hại nhưng năm nay, HTX đã có kế hoạch diệt chuột từ đầu vụ nên hạn chế được chuột phá lúa, diện tích lúa bị chuột phá hại không đáng kể.
Nông dân Bố Trạch xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa đông-xuân.
Nông dân Bố Trạch xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa đông-xuân.
Tại huyện Bố Trạch, thời điểm này nông dân cũng đã tập trung ra đồng tỉa dặm, bón phân cho cây lúa; một số địa phương ruộng trũng đang tập trung nhổ mạ để cấy lúa. Xác định đây là vụ sản xuất quan trọng, thời gian qua, huyện đã tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền đến người dân thực nghiệm cơ cấu giống và tuân thủ khung lịch thời vụ.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch Hồ Minh Lợi cho biết, đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được gần 5.090ha lúa, 3.200ha sắn, 1.880ha hoa màu các loại. Ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các địa phương tích cực bám sát đồng ruộng để hướng dẫn nông dân sản xuất các loại cây trồng, đồng thời, đưa ra các biện pháp kỹ thuật ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi, thường xuyên theo dõi diễn biến sâu bệnh trên ruộng lúa để phòng trừ.
 
Thời tiết thuận lợi nên các loại cây trồng phát triển tốt, có phát sinh các loại sâu bệnh, như: Chuột, ốc bươi vàng, bọ trĩ, rệp muội… nhưng ít. Nông dân đang tập trung chăm sóc, tỉa dặm cây lúa, đồng thời làm đất để xuống giống những diện tích hoa màu còn lại.
 
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn trên lúa phát sinh và gây hại, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến loại bệnh này để chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời, hạn chế nguồn lây lan, bảo đảm vụ mùa toàn thắng.
Bà Nguyễn Thị Mừng, xã Đại Trạch cho biết: Gia đình tôi có 7 sào lúa, vụ đông-xuân năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, nguồn nước đầy đủ nên việc làm đất, gieo sạ kịp thời theo đúng khung lịch thời vụ. Sau khi gieo xong mặc dù có một số đợt mưa rét làm cây mạ non bị chết nhưng không nhiều. Đến nay, cây lúa phát triển tốt, đang thời kỳ đẻ nhánh, chưa thấy xuất hiện sâu bệnh. Chúng tôi đang tỉa dặm cho đều để bảo đảm năng suất. Mong rằng năm nay mưa thuận, gió hòa để mùa màng được bội thu.
 
Hiện nay, trên một số trà lúa ở các địa phương đã có sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng sâu bệnh, như: Chuột 86,5ha, ốc bươu vàng 129ha, rệp muội 164ha, tuyến trùng rễ 25ha, bọ trĩ 64ha…
 
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hồ Khắc Minh cho biết: Hiện nay, thời tiết thuận lợi, để chăm sóc và bảo vệ tốt lúa đông-xuân, đơn vị đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương cử lực lượng cán bộ kỹ thuật theo dõi, kiểm tra giám sát đồng ruộng; đồng thời tổ chức cùng nông dân thăm đồng nhằm nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời… Cùng với đó, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, hướng dẫn nông dân tiến hành chăm sóc, tỉa dặm đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh nhằm bảo đảm mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối phân bón theo đúng quy trình, điều tiết nước hợp lý để giúp cây lúa phát triển khỏe ngay từ đầu vụ.
Thanh Hoa

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Làm giàu từ nuôi lươn không bùn
Làm giàu từ nuôi lươn không bùn

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn hiện đang là mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ nông dân tại huyện Lệ Thủy áp dụng vì kỹ thuật đơn giản, sản phẩm có thị trường tiêu thụ khá mạnh. 

Cánh đồng "không dấu chân"…
Cánh đồng "không dấu chân"…

(QBĐT) - Với sự đồng hành của nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp, trên những cánh đồng ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) đã áp dụng liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ và đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nhằm thay thế cho sức lao động của người nông dân, từ đó, tạo nên những cánh đồng "không dấu chân"...