Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông-xuân

  • 07:12, 09/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vụ lúa đông-xuân tại huyện Lệ Thủy là vụ sản xuất chính, giữ vai trò quan trọng trong thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm. Hiện, bà con nông dân ở địa phương đang tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ lúa đông-xuân bảo đảm đúng lịch thời vụ…

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho biết, trận mưa lũ diễn ra vào cuối tháng 10/2024 khiến cho sản xuất nông nghiệp của địa phương chịu những thiệt hại nặng nề; đặc biệt là các công trình thủy lợi, đê điều phục vụ cho sản xuất lúa.

Theo đó, toàn huyện có trên 9.500m đê bao bị sạt lở, hư hỏng; hơn 18.000m kênh mương bị sập, hư hỏng; trên 18 cái cống và 19 trạm bơm bị hư hỏng nặng. Ngay sau lũ, UBND huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo nhân dân triển khai công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Xã Liên Thủy là một trong những địa phương có kế hoạch gieo lúa vụ đông-xuân khá lớn với hơn 855ha; trong đó, diện tích lúa thực hiện cánh đồng lớn là 800ha, diện tích thực hiện biện pháp canh tác lúa cải tiến là 540ha. 

Nông dân xã Hoa Thủy xuống giống vụ sản xuất lúa đông-xuân 2024-2025.
Nông dân xã Hoa Thủy xuống giống vụ sản xuất lúa đông-xuân 2024-2025.

Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh cho hay, theo kế hoạch, vụ đông-xuân năm nay địa phương sẽ cơ cấu giống lúa và bố trí lịch thời vụ phù hợp với chân đất; mỗi hợp tác xã phải cơ cấu tập trung từ 2-3 giống lúa chủ lực, mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu 1-2 giống lúa; đồng thời xây dựng, triển khai thực hiện phương án tưới tiêu hợp lý; tăng cường công tác chỉ đạo đầu tư thâm canh, đi đôi với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp canh tác cải tiến nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và ngày công của người lao động…

“Kế hoạch triển khai vụ lúa đông-xuân năm nay ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều công trình thủy lợi, đê điều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ cuối tháng 10/2024; đồng thời địa phương gặp một số vướng mắc trong công tác thẩm định giống hỗ trợ cho người dân trong vụ mùa mới…”, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy cho hay.

“Sau lũ lụt, điều kiện kinh tế, sản xuất của người dân cũng như ngân sách của xã, huyện còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, huyện Lệ Thủy đã đăng ký với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ hạt giống cây trồng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, gồm: 408.250kg lúa, 3.531kg ngô, 14.472kg lạc, 4.558kg hạt giống rau…”, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thông tin.

Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho biết thêm, vụ lúa đông-xuân 2024-2025, huyện Lệ Thủy có kế hoạch gieo hơn 10.100ha. Các giống lúa được cơ cấu chính, gồm: Nhị Ưu 838, VNR20, Hà Phát 3, VN20, P6, PC6, HN6, Thái Xuyên 111, C ưu đa hệ số 1 và nhiều giống lúa có triển vọng được bố trí gieo, như: MHC2, VT404, KH336, ĐB6, HG12, QS88, QC03, BT09, Bắc Thịnh, LTH31, Hương Bình, HĐ9, TBR97, Phú Ưu 978...

“Vụ lúa đông-xuân năm nay, đối với những vùng có kế hoạch sản xuất lúa hai vụ thì cơ cấu giống trung ngày, ngắn ngày để thu hoạch sớm bảo đảm triển khai vụ hè-thu. Các giống lúa có triển vọng và giống sản xuất thử nghiệm chỉ đưa vào sản xuất với diện tích vừa phải, bố trí nhiều vùng, trên các chân đất khác nhau để đánh giá mức độ phù hợp. Năm nay, trên chân ruộng sản xuất hai vụ huyện Lệ Thủy bố trí gieo lúa vụ đông-xuân 2024-2025 từ ngày 15/12/2024-20/1/2025; trên chân ruộng sản xuất một vụ bố trí gieo từ ngày 20/12/2024-25/1/2025…”, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho hay, trên cơ sở định hướng của huyện, các xã, thị trấn cần chủ động bố trí cơ cấu giống lúa và xây dựng lịch thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng và kế hoạch sản xuất của địa phương; mỗi xã, thị trấn tập trung cơ cấu từ 2-3 giống lúa chủ lực; đồng thời trên một xứ đồng bố trí từ 1-2 loại giống lúa để thuận tiện cho việc cơ giới hóa, theo dõi chỉ đạo sản xuất và liên kết với đầu mối thu mua; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về giống cây trồng; không đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng chưa được công nhận và thử nghiệm trên địa bàn huyện; các hợp tác xã kịp thời duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thủy lợi, bảo đảm vận hành phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt nhất…
Ngọc Hải

tin liên quan

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Tăng cường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
(QBĐT) - Chiều 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại biểu Nguyễn Xuân Tuyến, Tổ đại biểu huyện Quảng Trạch đề xuất một số giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh trong thời gian tới.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại

(QBĐT) - Với những lợi ích và giá trị kinh tế mang lại, mô hình sản xuất nông nghiệp 3F (Feed-Farm-Food) "từ trang trại đến bàn ăn" đang là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân nhằm hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, hiện đại.

Sản xuất thực phẩm từ nấm linh chi
Sản xuất thực phẩm từ nấm linh chi

(QBĐT) - Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: "Xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm nấm linh chi từ rượu truyền thống bảo đảm an toàn thực phẩm tại tỉnh Quảng Bình".