(QBĐT) - Những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) không chỉ góp phần nâng cao mức sống cho người dân, thay đổi diện mạo bản làng mà quan trọng hơn là khơi dậy ý thức tự lực, tự chủ của đồng bào, là “chìa khóa” giúp bà con chuyển mình trong đời sống hiện đại, rút ngắn dần khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.
Hiện nay, toàn huyện Minh Hóa có trên 3.200 hộ ĐBDTTS, với 13.700 nhân khẩu, chiếm 23,2% dân số toàn huyện, sống tập trung chủ yếu tại 42 thôn, bản của 4 xã biên giới: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Những năm gần đây, việc tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ năng, kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật… luôn là ưu tiên hàng đầu nhằm tạo động lực cho ĐBDTTS vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.
Đồng bộ hạ tầng thôn, bản
Đầu tháng 8/2024, chúng tôi vào bản K-Oóc, xã Trọng Hóa trên con đường bê tông phẳng lỳ vắt qua các sườn núi. Đây là con đường cuối cùng được bê tông hóa chạy thẳng vào trung tâm thôn, bản trên địa bàn huyện Minh Hóa được huy động từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Mặc dù còn một số hạng mục phụ cần hoàn thành nhưng với bà con bản K-Oóc thì “ước nguyện” bao năm đã thành hiện thực. Hồ Tha, một người con của bản phấn khởi chia sẻ, có đường mới rộng rãi, sạch đẹp rồi bà con ai cũng mừng. Từ đây, việc đi lại thuận tiện hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa không sợ sình lầy, trơn trượt như khi còn đường đất trước đây nữa.
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Buân cho biết, hiện nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông vào các bản đều được bê tông tạo điều kiện cho bà con giữa các thôn, bản thuận tiện đi lại cũng như kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.
Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Minh Hóa đã biết cải tạo vườn tạp thành vườn sản xuất.
Không chỉ hạ tầng giao thông, nhiều cơ sở trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện Minh Hóa cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Chị Cao Thị Dung, một hộ dân ở bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa cho biết, đường đi 11 bản trong xã nay được bê tông sạch sẽ, thuận lợi cho người dân; xe chở hàng, mua bán hàng hóa có thể vào tận trung tâm các bản. Việc học hành của con em cũng tiện lợi hơn nhiều. Nhiều điểm trường mới được xây dựng khang trang, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm dần, các thầy cô cắm bản cũng đỡ vất vả...
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết, những năm qua, kết cấu hạ tầng vùng ĐBDTTS trên địa bàn huyện được đầu tư tương đối đồng bộ từ “điện, đường, trường, trạm” đã tạo nên một diện mạo mới, tạo điều kiện quan trọng cho vùng DTTS phát triển. Đến nay, 100% thôn, bản có đường ô tô về trung tâm; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trở thành mạng lưới giao thông thuận tiện, mở ra cơ hội giao thương giữa các vùng, miền; 100% số xã có trường học các cấp và các điểm trường mầm non; hệ thống trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho ĐBDTTS; 100% xã phủ sóng phát thanh, truyền hình, mạng điện thoại di động và mạng internet đã về đến trung tâm; 100% xã có điện lưới quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98%.
“Chìa khóa” thoát nghèo bền vững
Bên cạnh việc đồng bộ, cải thiện cơ sở hạ tầng thì việc hỗ trợ sinh kế để giúp ĐBDTTS nâng cao nhận thức, tự thân vươn lên thoát nghèo luôn được huyện Minh Hóa chú trọng thực hiện. Ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của các cấp Trung ương, tỉnh, công tác dân tộc đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng ĐBDTTS so với bình quân chung toàn huyện.
Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho hay, để hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo hiệu quả cho ĐBDTTS, huyện luôn chú trọng phát huy tối đa hiệu quả, vai trò của người uy tín trong cộng đồng thôn, bản để đẩy mạnh tuyên truyền, song song với việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế để bà con vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn tín dụng… được tổ chức theo phương châm “bắt tay chỉ việc” đã góp phần chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con. Nhiều hộ gia đình ĐBDTTS trên địa bàn huyện không những quen dần với phương thức sản xuất thị trường mà đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình người Chứt ở xã Dân Hóa, gia đình chị Đinh Thị Thảo, bản K-Vi thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh. Sinh hoạt ăn uống hàng ngày của gia đình chủ yếu dựa vào việc đi rừng và hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2015, gia đình chị được các tổ chức đoàn thể dẫn đi thăm, học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở miền xuôi. Sau đó, chị được phổ biến, truyền đạt những kỹ năng cần thiết và được hỗ trợ vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi để “khởi nghiệp”.
Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Đinh Thị Thảo, bản K-Vi, xã Dân Hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau nhiều năm chịu khó, đến nay trong chuồng nuôi của gia đình chị luôn có 10 con lợn nái và 40 con lợn thịt. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị Thảo đã xuất bán 2 lứa lợn, trừ hết chi phí, gia đình chị thu về trên 100 triệu đồng. Chị Thảo tâm sự, để thành công được như hôm nay, chị đã rất quyết tâm. Những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng bỏ dở thì luôn nhận được sự hỗ trợ, động viên của các cấp chính quyền, đoàn thể. Mọi người đều tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình chị...
Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Minh Hóa là 2.179 hộ, chiếm tỷ lệ 15,30%; trong đó số hộ nghèo ĐBDTTS là 1.501 hộ, chiếm 68,99% tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Với những chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và sự đồng hành, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sau hơn 10 năm, gia đình chị Cao Thị Vây, bản Lương Năng, xã Hóa Sơn đã biến vùng đồi đầy cỏ hoang thành vườn cây ăn trái trĩu quả. Dưới những tán cây ăn quả đủ loại: Mít, hồng xiêm, cam, bưởi, ổi… cho thu hoạch quanh năm, chị Vây hào hứng chia sẻ, gia đình chị là một trong những hộ thoát nghèo đầu tiên ở bản. Giờ đây, gia đình chị không còn phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày, mà đang tìm cách để kiếm tiền, tích lũy và mở rộng mô hình sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, làm thế nào để truyền cảm hứng cho bà con có động lực vươn lên phát triển kinh tế là mấu chốt để công tác giảm nghèo có hiệu quả và bền vững. Những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục chú trọng các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, kiểm tra và giám sát để việc thực hiện các chương trình bảo đảm hiệu quả và đúng tiến độ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ĐBDTTS, để miền ngược dần bắt kịp với miền xuôi.
(QBĐT) - Kết nối sản phẩm OCOP với phát triển du lịch ở Bố Trạch không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm mà còn giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm đậm đà sắc thái văn hóa địa phương.
(QBĐT) - Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu, nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa có thông báo số 3472/TB-CTQBI công khai danh sách 50 người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm ngày 31/7.