Để làng nghề phát triển bền vững

  • 08:08, 03/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - TX. Ba Đồn là một trong những địa phương có nhiều ngành nghề và làng nghề truyền thống được lưu giữ, duy trì và phát triển. Tuy nhiên, thực tế, quy mô các làng nghề và ngành nghề còn nhỏ lẻ, công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và sức cạnh tranh còn yếu.
 
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh, dịch vụ mây tre đan, nón lá Quảng Văn Trần Văn Hiếu cho biết, nghề mây tre đan là nghề truyền thống lâu đời của người dân xã Quảng Văn. Nếu như trước đây, người dân nơi đây chỉ tạo ra các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thì ngày nay bà con đã thực hiện được nhiều sản phẩm, với nhiều chủng loại hơn. Sau khi thành lập (năm 2011), HTX chủ yếu chỉ sản xuất mây tre mỹ nghệ. Hiện nay, HTX có 30 thành viên với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho hơn 50% dân số trên địa bàn xã.
 
Theo ông Trần Văn Hiếu, HTX không chỉ là đơn vị sản xuất, kinh doanh khá đặc thù bởi đây là những ngành nghề không chỉ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập tại chỗ cho người dân, mà quan trọng hơn là để gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống của ông cha để lại. Cuộc sống hiện đại đã khiến cho không ít nghề truyền thống bị mai một, nhưng nghề mây tre của xã Quảng Văn vẫn tiếp tục phát triển. Hiện nay, các sản phẩm làm từ mây tre thân thiện với môi trường, đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Các ngành nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn TX. Ba Đồn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Các ngành nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn TX. Ba Đồn còn nhỏ lẻ, manh mún.
Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, HTX khó có thể đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm mới từ mây tre, mà chủ yếu chỉ gia công cho các đối tác. Nguyên nhân là do thiếu vốn sản xuất và khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Riêng vấn đề mặt bằng để làm nhà kho chứa vật liệu và máy móc, từ lâu HTX đã đề nghị lên chính quyền các cấp, nhưng chưa được quan tâm.
 
Quảng Hòa là địa phương nổi tiếng với nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó nghề rèn đúc Nhân Hòa đã được công nhận làng nghề vào năm 2008. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn rải rác từ 5-7 hộ gia đình vẫn còn duy trì. Các hộ khác phải đã bỏ nghề hoặc chuyển đổi sang nghề vì thu nhập thấp. Điều đáng nói, trong khi các sản phẩm từ nghề rèn trên địa bàn không tìm được thị trường tiêu thụ, thì hiện nay có một số hộ nhập các sản phẩm rèn từ các địa phương khác về để kinh doanh.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa Nguyễn Văn Trường, những năm trở lại đây, nghề làm bún, bánh các loại và mộc mỹ nghệ trên địa bàn các thôn Cao Cựu và Thanh Tân phát triển khá mạnh. Hiện, các sản phẩm này có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nào được đăng ký chứng nhận và bảo hộ sản phẩm. Người dân chủ yếu làm nghề theo kiểu tự phát. Thấy có lợi nhuận, tiêu thụ được, họ sẽ làm. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động xây dựng nhãn hiệu, đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP nhưng người dân không mặn mà.
 
Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Khánh cho biết, việc phát triển của các ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống không chỉ góp phần tăng giá trị sản xuất hàng hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở nông thôn, mà qua đó thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu.
 
Mục tiêu đến năm 2030, TX. Ba Đồn hỗ trợ 9 làng nghề, làng nghề truyền thống xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường cho các làng nghề có nguy cơ.

Mặt khác, sản phẩm của các nghề, làng nghề truyền thống hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa quan tâm đến sự phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề, trong đó có làng nghề truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

“Xác định phát triển ngành nghề, làng nghề sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, thị xã sẽ chú trọng phát triển các ngành nghề, làng nghề tạo ra các sản phẩm có thế mạnh,giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh; chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tiếp tục bảo tồn, phát triển các làng nghề đang hoạt động và có khả năng phát triển. Về mặt bằng sản xuất, thị xã sẽ rà soát, bố trí quỹ đất, tạo điều kiện giao đất, thuê đất dài hạn cho các cơ sở, ngành nghề nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vào các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch, Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Khánh thông tin thêm.
Dương Công Hợp

tin liên quan

Từ khoa học đến thực tiễn
Từ khoa học đến thực tiễn

(QBĐT) - Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) đối với sự phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ... 

Phát triển hợp tác xã miền núi: Vẫn còn nhiều thách thức
Phát triển hợp tác xã miền núi: Vẫn còn nhiều thách thức

(QBĐT) - Khai thác lợi thế về đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều hợp tác xã (HTX) ở miền núi trong tỉnh được thành lập đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện các HTX này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển bền vững.

Cấp mới trên 300 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Cấp mới trên 300 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

(QBĐT) - Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng năm 2024, đơn vị đã cấp mới 329 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 5.270 tỷ đồng.