(QBĐT) - Từ nhiều năm qua, rất nhiều hội, chi hội ở cơ sở, như: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có sáng kiến xin phép UBND cấp xã được mượn tạm một số diện tích đất “nhàn rỗi” để trồng rừng gây quỹ (TRGQ). Thực tế cho thấy, TRGQ đã mang lại khá nhiều lợi ích thiết thực cho các hội, chi hội ở cơ sở nhưng cũng bắt đầu nảy sinh một số vướng mắc cần phải được giải quyết, tháo gỡ...
Niềm vui nhờ... trồng rừng gây quỹ
Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) hiện có 191 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội. Trước năm 2014, nhận thấy ở địa phương có một số diện tích đất trống, đồi trọc bị bỏ hoang khá lãng phí, một số chi hội CCB đã xin phép UBND xã đứng ra mượn tạm một ít diện tích đất “nhàn rỗi” để TRGQ, khi nào địa phương cần đến thì trả lại. Đến nay, đã có 7/8 chi hội CCB ở xã Cao Quảng thực hiện mô hình TRGQ, bình quân mỗi chi hội có từ 0,7ha trở lên nhằm gây dựng thêm chân quỹ hoạt động.
Anh Nguyễn Tiến Nghị, Chi hội phó Chi hội CCB thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng tâm sự: “Chi hội hiện có 32 hội viên. Kể từ khi được UBND xã cho mượn hơn 4ha đất “nhàn rỗi” thực hiện TRGQ, chi hội đã trồng và bán được 2 lứa cây keo lai (mỗi lứa trồng từ 4-5 năm thì thu hoạch). Ở lứa trồng thứ nhất, do bão lớn (năm 2017) gây gãy đổ gần như toàn bộ diện tích, nên chi hội chỉ thu về được 80 triệu đồng. Bước sang lứa trồng thứ 2, thu hoạch vào cuối năm 2023, chi hội đã thu về được 420 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí…, toàn bộ tiền lãi ròng từ bán gỗ rừng kinh tế đều được nhập vào quỹ chung của Chi hội CCB thôn Tân Tiến. Nhờ xây dựng được nguồn quỹ hoạt động khá dồi dào, những năm qua, chi hội đã đầu tư cho nhiều hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, như: Thăm nom, động viên các trường hợp khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; cho hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; xây dựng nông thôn mới…”.
Một diện tích trồng rừng gây quỹ của Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa).
Tương tự, Hội CCB xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) hiện có 508 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 12 chi hội. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Hội CCB xã cho biết, hiện có 6 chi hội đang thực hiện TRGQ, với tổng diện tích 4,4ha. Nổi bật, Chi hội CCB thôn Tây Trúc đã thực hiện TRGQ từ năm 1990 đến nay. Nhờ có mô hình TRGQ, hiện nay, chân quỹ của chi hội đã đạt 3,5 triệu đồng/hội viên, 100% hội viên đã thoát nghèo. Không chỉ bảo đảm nguồn quỹ phục vụ hoạt động của chi hội, từ năm 2022 đến nay, các CCB thôn Tây Trúc còn hỗ trợ xây dựng một công trình “thắp sáng đường quê” và mái che tại nhà văn hóa thôn với trị giá hơn 23 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 57 cột cờ với trị giá hàng chục triệu đồng...
Được biết, hiện có khá nhiều hội, chi hội ở cơ sở, như: Người cao tuổi, CCB, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện TRGQ, trong đó tập trung nhiều tại hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa... Việc TRGQ tại các hội, chi hội cơ sở thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; xây dựng tổ chức hội, chi hội ngày càng vững mạnh…
Bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa cho biết, hiện trên địa bàn huyện có Hội LHPN các xã: Tân Hóa, Hóa Phúc, Xuân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa đang triển khai thực hiện TRGQ, bình quân mỗi đơn vị từ 1ha trở lên.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện phần lớn diện tích mà các hội, chi hội ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đang sử dụng để TRGQ đều thuộc quỹ đất “nhàn rỗi” do UBND cấp xã quản lý như đất 5%, biền bãi, khuôn viên các cơ quan, đơn vị, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang tạm giao cho UBND cấp xã quản lý. Điều đáng nói, do có sự thay đổi, điều chỉnh về Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, hoạt động TRGQ này đã nảy sinh một số vướng mắc về tính pháp lý, dẫn đến nguy cơ sai phạm tại các địa phương.
“Với đặc thù của địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, trước đây, kinh phí để các chi hội CCB hoạt động chủ yếu dựa vào hội phí của hội viên đóng góp hàng năm nên rất eo hẹp; muốn thực hiện bất cứ một công việc gì cũng phải cân nhắc, rất vất vả. Kể từ khi được UBND xã đồng ý cho mượn tạm một ít diện tích đất “nhàn rỗi” để TRGQ, rất nhiều phong trào, hoạt động ở một số chi hội CCB đã có sự tiến bộ vượt bậc”, ông Trần Thanh Nghị, Chủ tịch Hội CCB xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) bày tỏ.
Ông Đinh Lâm Sòng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa (Minh Hóa) chia sẻ: Toàn xã hiện có hơn 4ha quỹ đất “nhàn rỗi” ở khu vực thôn Cây Dầu, đã được giao cho các hội, chi hội để TRGQ. Vào những năm 1970, toàn bộ phần đất nói trên được giao cho hội phụ lão (nay là người cao tuổi) thực hiện trồng tre, chè xanh để gây quỹ. Sau đó, hội phụ lão đã san sẻ cho các hội, chi hội ở địa phương để chuyển sang trồng rừng kinh tế gây quỹ. Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện việc giao đất, giao rừng thì địa phương và đơn vị chuyên môn đã đưa phần đất này vào diện tích đất rừng khoanh nuôi bảo vệ. Do vậy, trong quá trình triển khai thì nảy sinh một số vướng mắc về tính pháp lý liên quan đến Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Chính vì vậy, UBND xã Xuân Hóa đã quyết định tạm đình chỉ việc trồng mới lại rừng trên toàn bộ diện tích kể trên…
Căn cứ theo Điều 8, Luật Lâm nghiệp thì các hội, chi hội ở tỉnh không thuộc đối tượng được giao làm chủ rừng để thực hiện TRGQ. Như vậy, quá trình trồng, chăm sóc, khai thác, các hội, chi hội sẽ khó tránh khỏi những sai phạm về mặt pháp lý kể từ thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn…
(QBĐT) - Với nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Bố Trạch có cơ hội để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ vốn vay, nhiều hộ từ chỗ chạy ăn từng bữa, nay bắt đầu có của ăn của để và từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế.
(QBTĐ) - Để bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn cho các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949-15/7/2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1/7/1989-1/7/2024), Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã tích cực triển khai các phương án chi tiết, cụ thể, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố và ưu tiên cấp điện đối với các sự kiện.
(QBĐT) - Nấm được mệnh danh là "vua của các loại rau". Nhận biết được giá trị của nấm và nhu cầu thị trường, vợ chồng anh Đỗ Quang Trung, xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.