(QBĐT) - Những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết nắng nóng ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm mùa hè, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ diện tích rừng rộng lớn, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã chủ động triển khai các phương án bảo vệ rừng (BVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR)…
Xác định vùng trọng điểm, có nguy cơ...
Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn (xã Hóa Sơn, Minh Hóa), được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 4.800ha rừng đặc dụng với 6 tiểu khu và 33 khoảnh. Diện tích rừng được giao quản lý nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, rừng kín thường xanh trên núi đá vôi cách xa khu dân cư, ít bị tác động; nguy cơ cháy rừng chủ yếu do người dân lén lút vào rừng lấy mật ong, bẫy bắt động vật rừng và khai thác lâm sản phụ. Do thực hiện tốt công tác PCCCR, từ năm 2014 đến nay, trong lâm phận rừng được giao cho Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn quản lý, bảo vệ chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn Đoàn Thanh Bình cho hay, mùa cháy rừng trên địa bàn lâm phần do đơn vị quản lý, bảo vệ là vào khoảng từ tháng 4-9 hàng năm, tập trung cao điểm từ tháng 6-8. Bởi vậy, căn cứ vào đặc điểm từng địa bàn, từng khu vực có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng, đơn vị đã bố trí lực lượng tuần tra, quản lý BVR, kết hợp canh gác, phát hiện sớm lửa rừng tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trong các tháng cao điểm, đợt nắng nóng kéo dài…
“Hiện khu vực rừng từ vùng Mõm (giáp ranh địa bàn Trạm Kiểm lâm Dân Hóa) dọc theo ranh giới VQG về mốc 25 (giáp ranh địa bàn Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa), là rừng đặc dụng có thảm thực vật dày với diện tích khoảng 15ha được xác định là vùng có nguy cơ cháy cao. Vì vậy, khi có cháy rừng xảy ra, ngoài lực lượng nòng cốt, cơ động thực hiện nhiệm vụ PCCCR của trạm, còn có sự phối hợp của các tổ BVR thôn, bản và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã Hóa Sơn…”, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hóa Sơn chia sẻ.
Từ năm 2015 đến nay, tại lâm phận Trạm Kiểm lâm Khe Gát (xã Xuân Trạch, Bố Trạch) quản lý xảy ra 4 vụ cháy rừng với diện tích rừng thiệt hại khoảng 13.000m2, cây cháy chủ yếu, là: Bìm bôi hoa vàng, dây leo, lau sậy. Nguyên nhân cháy được xác định là do người dân trên địa bàn đốt rẫy và cháy không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các vụ cháy đều được trạm phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương dập tắt kịp thời.
Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tuần tra phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng.
Phụ trách Trạm Kiểm lâm Khe Gát Nguyễn Ngọc Quy cho biết, trạm nằm trên địa bàn xã Xuân Trạch, nơi có 80% hộ gia đình có nghề chính là nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề rừng. Đời sống người dân ở đây đang còn gặp nhiều khó khăn; trình độ sản xuất nông, lâm nghiệp chưa phát triển kịp như những nơi khác, thụ động, một số phụ thuộc vào rừng nên dẫn đến áp lực trong công tác quản lý BVR. Đặc biệt, đa số người dân sống lân cận trên địa bàn thường vào rừng săn bắn, bẫy bắt, lấy mật ong rừng nên việc sử dụng lửa có thể xảy ra, tác động lớn đến công tác PCCCR…
“Các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao do Trạm Kiểm lâm Khe Gát quản lý , bảo vệ, đó là: Khu vực sân bay Khe Gát, rậy Lợ, dốc Bai Bai, hung Roi, hung Tre, hung Mui Đất Đỏ, khu vực từ mốc 59-78 giáp ranh với nương rẫy và khu dân cư. Ở những khu vực này chủ yếu có cây bụi, dây leo, thảm thực bì, rừng keo của người dân cho nên vào mùa khô rất có nguy cơ cháy. Trước thực trạng đó, tổ xung kích PCCCR của trạm đã có phương án, kế hoạch tổ chức phòng và chủ động chữa cháy khi có lửa xuất hiện…”, Phụ trách Trạm Kiểm lâm Khe Gát Nguyễn Ngọc Quy thông tin.
Chủ động PCCCR trong mùa nắng nóng
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, đơn vị được giao, quản lý, bảo vệ gần 123.330ha rừng đặc dụng và hơn 3.150ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Hiện trạng tài nguyên rừng phần lớn là rừng giàu và rừng trung bình (chiếm 64% tổng diện tích rừng), các kiểu rừng này thường xa khu dân cư nên ít bị tác động bởi con người và ít có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, đối với các diện tích rừng nghèo và rừng nghèo kiệt (chiếm 36% tổng diện tích rừng), các kiểu rừng này phần lớn tiếp giáp với khu dân cư và các vùng sản xuất nông nghiệp, nương rẫy… Vì vậy, đây là các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Từ năm 2014 đến nay, trong lâm phận VQG PN-KB đã xảy ra 4 đám cháy rừng, tất cả đám cháy đều được phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời nên không thiệt hại lớn về tài nguyên rừng…
Nhằm chủ động triển khai các biện pháp cấp bách về PCCCR, Ban Quản lý VQG PN-KB đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCCCR VQG tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra PCCCR đối với các đơn vị trực thuộc, các đơn vị thi công, khai thác du lịch trong VQG; trực tiếp chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Hạt Kiểm lâm VQG thực hiện nghiêm phương án BVR và PCCCR giai đoạn 2021-2025; bố trí lực lượng trực thường xuyên tuần tra, quản lý BVR, kết hợp canh gác, phát hiện sớm lửa rừng tại các khu vực trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc VQG thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR do các đơn vị đã xây dựng; tăng cường quán triệt, phổ biến công tác PCCCR đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác PCCCR. Các đơn vị khai thác du lịch trong VQG, triển khai phương án PCCCR VQG và phương án PCCCR của đơn vị mình đến toàn thể nhân viên để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả...
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB thông tin thêm, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, năm 2024, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn, cùng với các hoạt động, như: Khai thác, xử lý thực bì rừng trồng của người dân vùng đệm ở các khu vực giáp ranh VQG; hoạt động du lịch; dùng lửa để lấy mật ong; sử dụng lửa trong rừng của các đối tượng xâm nhập trái phép; các hiện tượng thời tiết cực đoan và tàn dư vật liệu nổ sau chiến tranh là những nguyên nhân gây ra nguy cơ cháy rừng rất cao ở VQG PN-KB.
“Để chủ động công tác PCCCR, VQG PN-KB đã thành lập 55 tổ xung kích PCCCR với hơn 580 người tham gia. Trong cơ cấu này, lực lượng Kiểm lâm của VQG PN-KB có 13 tổ đảm nhận những nhiệm vụ tuần tra, canh gác, chủ động chữa cháy. Ngoài ra, còn có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan, đơn vị, lực lượng dân quân trên địa bàn các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa; đồng thời trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ PCCCR; thực hiện công tác tuyên truyền về PCCCR cho khách tham quan du lịch và nhân dân ở các xã vùng đệm nhất là đồng bào dân tộc sinh sống ven rừng…”, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB cho biết thêm.
Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB Phạm Hồng Thái chia sẻ, trong cao điểm mùa nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng, VQG PN-KB đã xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với từng địa bàn; chỉ đạo kiểm tra, rà soát dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCCR; phân công trực canh gác lửa rừng 24/24 giờ tại các điểm, khu vực xung yếu; bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng chữa cháy; đồng thời tuyên truyền đến du khách, người dân ý thức chấp hành PCCCR; kiểm soát các hoạt động đốt nương làm rẫy, du lịch trái phép...
(QBĐT) - Hơn nửa tháng, sau vụ 4 tàu đánh cá chìm trên biển, 10 ngư dân bị nạn vẫn chưa có thông tin. Chưa bao giờ, người làng biển cùng lúc phải chịu nhiều nỗi đau như thế. Thế nhưng, những "người con" của biển nơi đây chưa bao giờ mất đi niềm tin với người "mẹ thiên nhiên" vĩ đại ấy, bởi đó là nguồn sống, là sự sống của họ.
(QBĐT) - Đó là chủ đề trọng tâm trong buổi tọa đàm và sự kiện truyền thông được tổ chức tại TP. Đồng Hới vào sáng 26/5, do dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Tổ chức Fauna & Flora và các cơ quan chức năng, nhà báo, diễn giả, tổ chức đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.
(QBĐT) - Việc 3 thôn đầu tiên của xã miền núi đặc biệt khó khăn Trường Sơn (Quảng Ninh) vừa "cán đích" nông thôn mới trong thời gian gần đây đã thực sự trở thành những "lá cờ đầu", góp phần thay đổi nhận thức của người dân, là tấm gương sáng cho các vùng khó trong tỉnh phấn đấu theo…