(QBĐT) - Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Đồng Hới phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Nhờ nguồn vốn vay được cấp kịp thời, các hộ dân đã đầu tư cải tạo nhà xưởng, cơ sở sản xuất, chăn nuôi để mở rộng quy mô các mô hình kinh tế, trang trại, gia trại.
Năm 2022, sản phẩm trứng vịt chạy đồng của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, xã Đức Ninh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Có được kết quả đó là cả hành trình nỗ lực phấn đấu, cố gắng của vợ chồng chị. Theo chị Hiền, năm 2010, vợ chồng anh chị bắt tay vào đầu tư mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng với khoảng gần 3.000 con. Với mong muốn phát triển mô hình thành cơ sở cung ứng trứng vịt và trứng vịt lộn cho người dân trong xã và TP. Đồng Hới, vợ chồng chị đã mạnh dạn mua thêm hệ thống lò sưởi về để ấp trứng vịt lộn. Tuy nhiên, năm 2020, đợt lũ lịch sử đã làm thiệt hại một số lượng lớn vịt giống của gia đình.
Để khôi phục lại trang trại chăn nuôi, vợ chồng chị phải vay mượn thêm vốn để gây lại đàn vịt giống. Được sự hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), vợ chồng chị đã vay 100 triệu đồng gói vay giải quyết việc làm để đầu tư mua thêm vịt giống. Hiện tại, trang trại chăn nuôi và cơ sở ấp trứng của gia đình đã hoạt động ổn định trở lại. Trung bình mỗi ngày cơ sở ấp khoảng 2.000-3.000 quả trứng, cho thu nhập 100-150 triệu đồng/năm.
Vốn vay chính sách giúp nhiều hộ dân duy trì và mở rộng sản xuất.
Được tiếp cận gói vay của NHCSXH, cơ sở làm hương của gia đình anh Nguyễn Xuân Nam, xã Nghĩa Ninh có cơ hội để phát triển quy mô và cải tiến phương pháp sản xuất. Anh cho biết: Trước đây, cơ sở làm hương của gia đình chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, do yêu cầu của thị trường, số lượng đơn hàng bán ra ngày càng lớn, sản xuất thủ công không thể kịp để cung ứng cho người dân. Được biết đến gói vay ưu đãi của NHCSXH, anh đã vay vốn để đầu tư nâng cấp sửa chữa xưởng sản xuất, đồng thời mua sắm thêm máy nghiền bột và máy trộn bột nhang. Nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất, số lượng nhang sản xuất nhanh và nhiều hơn trước. Sức lao động vì vậy cũng được giải phóng.
Nhờ được tiếp cận gói vay của NHCSXH, bà Đào Thị Duấn, phường Đồng Sơn cũng đã có điều kiện để cải tạo cơ sở sản xuất bánh ướt của gia đình. Bà Duấn chia sẻ: Gia đình tôi sản xuất bánh ướt đã mấy chục năm nay. Bánh được đổ bằng tay nên được nhiều người dân trong vùng ưa chuộng. Dù đang hoạt động tốt nhưng do cơ sở sản xuất lâu năm đã xuống cấp. Mái lợp bằng tấm fibro xi măng mùa hè rất nóng nên rất muốn có kinh phí để đầu tư mua lại bếp nấu và nâng cấp khu nhà bếp.
Đến nay, doanh số cho vay trên địa bàn thành phố hơn 55 tỷ đồng, trong đó, chương trình cho vay giải quyết việc làm hơn 40 tỷ đồng, nguồn vốn vay đã giúp gần 700 lao động địa phương có việc làm ổn định.
Qua giới thiệu của Hội Phụ nữ phường, tôi được vay gói vay giải quyết việc làm từ NHCSXH để đầu tư cải tạo, sửa chữa làm mới lại nhà bếp. Nhờ đó, cơ sở sản xuất an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và duy trì hoạt động tốt, trung bình mỗi ngày bán được 800kg-1 tạ bánh, cho thu nhập khoảng 80-100 triệu đồng/năm. Từ sự hỗ trợ vốn vay của NHCSXH, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển.
Ông Dương Xuân Trí, Phó Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, ngân hàng đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố lên kế hoạch rà soát, nắm chắc nhu cầu vay vốn của các trường hợp thụ hưởng theo quy định để chủ động triển khai cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Trong các chương trình vay được triển khai trên địa bàn tỉnh, gói vay chương trình giải quyết việc làm có doanh số cho vay lớn nhất. Qua đó đã giúp nhiều cơ sở sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh có thêm điều kiện mở rộng quy mô, ngày càng phát triển.
Có thể nói, nguồn vốn các chương trình tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn TP. Đồng Hới.
(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND về việc ban hành đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Từ nhiều năm qua, rất nhiều hội, chi hội ở cơ sở, như: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có sáng kiến xin phép UBND cấp xã được mượn tạm một số diện tích đất "nhàn rỗi" để trồng rừng gây quỹ.
(QBĐT) - Với nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Bố Trạch có cơ hội để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ vốn vay, nhiều hộ từ chỗ chạy ăn từng bữa, nay bắt đầu có của ăn của để và từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế.