(QBĐT) - Sản xuất nông nghiệp vụ đông-xuân 2023-2024, việc đầu tư tuyến kè chống sạt lở tại xã Đức Hoá (Tuyên Hoá) và việc triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và việc chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ các-bon là những nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh.
Bảo đảm các điều kiện cho sản xuất vụ đông-xuân
Quan tâm đến công tác chuẩn bị cho vụ đông-xuân 2023-2024, đại biểu Nguyễn Xuân Hoàn, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực TX. Ba Đồn đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, sở đã có chỉ đạo, hướng dẫn gì để các địa phương triển khai vụ đông-xuân bảo đảm đúng lịch thời vụ, đạt năng suất và sản lượng; tình hình chuẩn bị giống, vật tư nông nghiệp và tích trữ nước tại các hồ đập để bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho vụ sản xuất này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Xuân Hoàn chất vấn lãnh đạo Sở nông nghiệp-PTNT về công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2023-2024.
Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh cho biết: Ngay từ đầu vụ, sở đã ban hành hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng chính gửi các địa phương để căn cứ thực hiện; chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng phương án phòng trừ dịch hại trên cây trồng năm 2024; đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai công tác làm đất, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng và vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống vụ.
Sở đã chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp trên địa bàn đảm bảo chất lượng theo đúng quy định. Hiện tại, các địa phương đã chuẩn bị đủ số lượng giống, vật tư phân bón bảo đảm chất lượng cho sản xuất vụ đông-xuân 2023-2024, (lúa khoảng 1.900 tấn, chiếm 60-70% tổng lượng giống, số còn lại người dân tự để; lạc 150 tấn; ngô 35 tấn…)
Về tích trữ nước tại các hồ đập, toàn tỉnh có 153 hồ chứa thủy lợi, hiện tại dung tích các hồ chứa bình quân đạt trên 96% thiết kế, cơ bản bảo đảm đủ lượng nước tưới cho sản xuất vụ đông-xuân.
Thu hoạch lúa hè thu 2023.
“Ngành Nông nghiệp-PTNT luôn xác định sản xuất đông-xuân là vụ chính trong năm, vừa bảo đảm năng suất, sản lượng vừa bảo đảm an ninh lương thực và ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh”, ông Mai Văn Minh cho biết.
Khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng
Đại biểu Ngô Thị Nhung, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Quảng Ninh đặt vấn đề: Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, Chính phủ xác định sẽ phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong nước trong những năm tiếp theo. Cụ thể, từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon.
Ngày 28/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Bình.
Đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn về những giải pháp để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng của tỉnh ta.
“Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNG cho biết, sở đã tham mưu tỉnh thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP như thế nào? Kết quả đạt được đến thời điểm này? Có những khó khăn, vướng mắc gì? Và những giải pháp trong thời gian tới để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon rừng của tỉnh ta?”, đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh cho biết: Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).
Theo đó, Quỹ Bảo vệ và PTR Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ các-bon thông qua IBRD, Quỹ Trung ương sẽ trích tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác (tối đa 3,5% hoặc khoảng 1,802 triệu USD) còn lại khoảng 49,698 triệu USD, Quỹ Trung ương sẽ điều phối cho các tỉnh theo quy định.
Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng khoảng hơn 2,4 triệu tấn CO2, theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp-PTNT, trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh). Năm 2023, tỉnh Quảng Bình dự kiến chi trả tổng kinh phí 82,4 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chi trả cho các đối tượng hưởng lợi 80 tỷ; kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 2,4 tỷ đồng.
Tằng cường hơn nữa công tác bảo vệ rừng, trồng rừng.
Diện tích được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên, bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha. Trong đó: Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng 59.085,35ha tương ứng 10 tỷ đồng; chủ rừng là tổ chức (Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các công ty nông lâm nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng): 342.215,8ha tương ứng 58,4 tỷ đồng; UBND xã 68.015,85ha tương ứng 11,6 tỷ đồng.
Nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (Bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; hoạt động quản lý.
Trong thời gian tới, để hướng tới thị trường các-bon, sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về kế hoạch tài chính năm 2023, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ khẩn trương chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện việc chi trả nguồn thu từ giảm phát thải theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chi trả nguồn thu từ Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Quảng Bình trong các năm tiếp theo bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng quy định...
Để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ các-bon rừng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ các-bon rừng của tỉnh ta, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Mai Văn Minh cũng đã nêu lên một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công kè chống sạt lở ở Đức Hóa
Đại biểu Đặng Thị Huệ, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Tuyên Hóa cũng đã chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT về việc đầu tư tuyến kè chống sạt lở tại xã Đức Hoá (Tuyên Hoá) và đã được ông Mai Văn Minh trả lời thỏa đáng theo từng nội dung cụ thể.
Đại biểu Đặng Thị Kim Huệ chất vấn về việc đầu tư tuyến kè chống sạt lở ở xã Đức hóa (Tuyên Hóa).
Trong đó, nêu lên những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, và đặc biệt đúng vào thời điểm tiến hành thi công thì gặp phải dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, dẫn đến làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Đến tháng 4/2023, công trình đã thi công đạt khoảng 87%, thi công cơ bản hoàn thành đoạn kè tại thôn Đức Phú (dài 480m) và tuyến kè tại thôn Phúc Tùng (dài 1.347m) đã thi công xong phần chân và 1.007m mái kè. Riêng đoạn mái kè dài 340m còn lại tại thôn Phúc Tùng (khu vực giáp trạm bơm Đồng Lâm) đơn vị thi công đã bóc phong hóa, đắp đường phục vụ thi công nhưng do thiếu kinh phí nên phải tạm dừng thi công đoạn mái kè dài 340m này.
Tuyến kè chống sạt lở xã Đức Hóa sau khi thi công hoàn thành theo phần vốn được giải ngân.
"Để bảo đảm an toàn công trình không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị thi công chỉnh sửa, gia cố đoạn mái kè chưa thi công dài 340m để hạn chế sạt lở.
Đồng thời, tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn còn thiếu để tiếp tục thi công hoàn thành các hạng mục còn lại và hoàn thành toàn bộ công trình bảo đảm an toàn, chống xói lở trong các mùa mưa lũ tới, ổn định đời sống của nhân dân”, ông Mai Văn Minh nói.
(QBĐT) - "Nuôi chim bồ câu chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập ổn định", đó là chia sẻ của anh Phạm Thanh Thế, thôn Đắc Thắng, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) về mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình.
(QBĐT) - Tham gia thảo luận về các công tác thu ngân sách năm 2024, công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình và Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư đều cho rằng nguồn thu ngân sách sẽ rất khó khăn, cần có giải pháp để thu ngân sách cũng như phương án bố trí kế hoạch đầu tư công hợp lý.
(QBĐT) - Sáng 8/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm toạ đàm, phổ biến kiến thức về phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn cho hội viên phụ nữ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.