Duy trì ổn định sản xuất công nghiệp, thương mại

  • 07:12, 21/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2023, dịch Covid-19 đã được kiểm soát hoàn toàn, các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) dần hồi phục, song lại đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khác do tình hình thế giới biến động phức tạp, lạm phát tăng cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, ngành Công thương đã đạt được một số kết quả khả quan, tiếp tục duy trì tăng trưởng khá so với năm trước.
 
Khó chồng khó
 
Năm 2023, hoạt động lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc mở cửa du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đã thu hút một lượng lớn khách đến với Quảng Bình, nhất là trong các dịp lễ, vì vậy, nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân tăng cao vào dịp nghỉ dài ngày đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt gần 53.094 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 45.970 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với năm 2022.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,2% so với năm 2022.
Mặc dù sức mua trên thị trường đã dần ổn định trở lại, tuy nhiên, dịch bệnh và suy thoái kinh tế đã làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập nên người dân tiết kiệm chi tiêu. Tại các siêu thị, sức mua giảm từ 5-7% so với cùng kỳ. Người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật phẩm tiêu dùng thiết yếu khác...
 
Có thể nói, năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp (SXCN). Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Do tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu… khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của doanh nghiệp (DN). Mặt khác, chi phí đầu vào và lãi suất vay vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN trên địa bàn. Nhìn chung, năng lực mới tăng thêm trong SXCN ít, chủ yếu dự án có quy mô nhỏ. Một số dự án đầu tư phát triển công nghiệp có quy mô lớn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023 nhưng chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành. 
Tại các siêu thị, sức mua giảm từ 5-7% so với cùng kỳ.
Tại các siêu thị, sức mua giảm từ 5-7% so với cùng kỳ.
Chính vì vậy, SXCN Quảng Bình năm 2023 mặc dù tiếp tục duy trì tăng trưởng khá so với năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch năm. Chỉ số SXCN tăng 7,2% (kế hoạch năm 2023 tăng 11,5%); giá trị SXCN tăng 7,6% (kế hoạch năm 2023 tăng 8,5%).
 
Tập trung các giải pháp, kích thích sản xuất, tiêu dùng
 
Năm 2023 là năm ngành Công thương Quảng Bình có khối lượng lớn công việc trong công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại. Sở chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn của ngành.
 
Sở đã tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Công thương, các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mời gọi và triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, như: Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; điện lưới các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch); hoàn thiện hạ tầng Cụm công nghiệp Thuận Đức (TP. Đồng Hới)… 
Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết tại các hội nghị kết nối giao thương do Sở Công thương tổ chức.
Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết tại các hội nghị kết nối giao thương do Sở Công thương tổ chức.
Đây cũng là một năm sôi động với các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại (XTTM), sau những năm phải hoạt động cầm chừng do tác động của dịch Covid-19. Trong năm, ngành đã triển khai 1 đề án khuyến công quốc gia năm 2023, xây dựng 1 đề án đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2024; tư vấn hướng dẫn cho hơn 21 cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký hỗ trợ vốn khuyến công địa phương năm 2023.
 
Đối với lĩnh vực XTTM, ngành đã triển khai thực hiện 1 đề án thuộc chương cấp quốc gia về XTTM năm 2023; xây dựng 2 đề án đăng ký chương trình cấp quốc gia về XTTM năm 2024; tư vấn hồ sơ dự án cho 10 đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí XTTM địa phương năm 2023. Hàng loạt chuỗi hoạt động XTTM (hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương,...) được tổ chức và phối hợp tổ chức ở trong và ngoài nước đã thực sự tạo môi trường để các sản phẩm của DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh vươn xa hơn ra thị trường; tạo cơ hội để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, từ đó đẩy mạnh SXKD.
 
Mục tiêu năm 2024: Chỉ số SXCN tăng 8,0%; giá trị SXCN (theo giá so sánh 2010) ước đạt 18.129 tỷ đồng, tăng 8,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 58.885 tỷ đồng, tăng 10,9%.

Xác định việc thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương khẳng định: “Cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh, sở đã đề ra các nhóm giải pháp để tập trung chỉ đạo, thực hiện như: Nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho DN đẩy mạnh phát triển SXCN, phát triển thương mại nội địa và quản lý giá cả thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu cũng như nhóm giải pháp về công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính. Các nhóm giải pháp nói trên sẽ được thực hiện một cách đồng bộ, linh hoạt, với phương châm đồng hành cùng các DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh kích thích sản xuất, tiêu dùng; thúc đẩy SXCN, thương mại phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra”.

Hương Lê

tin liên quan

Làm giàu từ mô hình nuôi "đa con"
Làm giàu từ mô hình nuôi "đa con"

(QBĐT) - Nắm bắt nhu cầu thị trường, những năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Bảy, ở thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đã đưa các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi.

Bảo đảm thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Bảo đảm thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

(QBĐT) - Ngày 21/12, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường phục vụ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nông dân Tuyên Hóa chủ động phòng, chống rét cho gia súc
Nông dân Tuyên Hóa chủ động phòng, chống rét cho gia súc

(QBĐT) - Những ngày này, nông dân huyện Tuyên Hóa đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Huyện cũng đã khuyến cáo phòng chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân không chủ quan trong phòng, chống rét và các dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi trong mùa đông.