(QBĐT) - Từ sau khi triển khai Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng. Đặc biệt, với việc thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ gắn bó lâu dài sẽ tạo ra luồng gió mới cho khu vực kinh tế tập thể, HTX…
"Già hóa" nhân lực quản lý
Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh, Quảng Bình hiện có 460 HTX, trong đó 306 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm trồng lúa, cây dược liệu, cây ăn quả và các loại cây rau màu). Trong 306 HTX nông nghiệp có khoảng 180 HTX thuần trồng lúa, tập trung chủ yếu ở TP. Đồng Hới và các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh.
Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ HTX, Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Hồng Đức cho biết: Riêng đối với các HTX thuần trồng lúa, độ tuổi trung bình của đội ngũ quản lý khoảng 48-52 tuổi và đang có sự “già hóa”.
Lý giải về điều này, ông Ngô Gia Hồng Đức cho biết: Đối với các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa, độ tuổi của hội đồng quản trị (HĐQT) gần như được xem là tiêu chí “cứng”, bởi các HTX này liên quan đến an ninh lương thực, an ninh xã hội và các công việc ích lợi khác tại thôn, xóm. Giám đốc, HĐQT các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa vì thế thường phải là người có kinh nghiệm, có uy tín và nhận được sự đồng thuận cao của bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Thu hút người trẻ, năng động sẽ tạo ra luồng gió mới cho các HTX.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngô Bắc (Lệ Thủy) cho biết: HĐQT của HTX gồm 3 thành viên thì đều đã ở vào tuổi ngoài 60. Mặc dù trên thực tế, thực trạng “già hóa” đội ngũ quản lý HTX, nhất là các HTX nông nghiệp dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, xây dựng kế hoạch sản xuất, tính toán sổ sách kinh doanh... Tuy nhiên, đặc thù của HTX chủ yếu là làm các dịch vụ về nông nghiệp nên rất khó giao lại cho đội ngũ trẻ và người trẻ thường cũng không mấy mặn mà.
Đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, hoạch định chiến lược phát triển, bộ máy quản lý được xem là “đầu tàu” của HTX. Để nâng cao chất lượng nhân lực, hàng năm, Liên minh HTX tỉnh đều lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX. Bình quân mỗi năm có từ 12-15 lớp với hơn 1.000 học viên từ 300 HTX tham gia với đủ thành phần từ kế toán, kiểm soát cho đến đội ngũ quản lý, HĐQT các HTX.
Toàn tỉnh hiện có 60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, quy mô và hiệu quả hoạt động có sức lan tỏa trong cộng đồng; có 11 sản phẩm của các HTX đạt OCOP 4 sao, 63 sản phẩm của HTX đạt OCOP 3 sao. Điều hành các HTX thành lập mới từ năm 2018 đến nay chủ yếu là các bạn trẻ dưới 35 tuổi.
Ngoài cập nhật chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đổi mới sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, Liên minh HTX tỉnh còn đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, hỗ trợ các HTX tận dụng những cam kết ưu đãi, khai thác có hiệu quả các tiện ích của công nghệ thông tin và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động quảng bá sản phẩm. Liên minh HTX tỉnh cũng đã phổ biến kiến thức về kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của các HTX, sản phẩm OCOP; hỗ trợ các HTX tham gia vào các chương trình thương mại điện tử, kết nối cung cầu nông sản của Liên minh HTX Việt Nam…
Những nhân tố mới
Từ cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ, triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp. Theo đó, tại Quảng Bình, năm 2019, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 201/QĐ-UBND phê duyệt danh sách HTX tham gia thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đợt thí điểm này có 3 HTX tham gia, gồm: HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch), HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (Lệ Thủy) và HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng (Tuyên Hóa). Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cũng đã trích từ lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ thêm nhằm giúp cán bộ trẻ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với HTX. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, số cán bộ trẻ ở lại với các HTX không nhiều.
Chị Phạm Thị Ngọc Thúy, cán bộ trẻ duy nhất của đợt thí điểm hiện còn gắn bó với HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh chia sẻ: Với 14 sản phẩm được chế biến từ nấm (nấm linh chi quả thể, nấm linh chi bột, trà cà gai leo linh chi, nấm sò tươi, nước mắm chay từ nấm…), sản phẩm của HTX bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch quy trình VietGAP, đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và khẳng định được vị trí tại các chuỗi hệ thống siêu thị ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước…
Gắn bó với HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở vị trí cán bộ phụ trách kỹ thuật, chị Thúy chia sẻ, công việc ở HTX phù hợp với chuyên ngành chị được đào tạo. Kèm theo đó, mức lương cơ bản ổn định, điều kiện đi làm gần nhà, tiện chăm sóc gia đình nên chị đã gắn bó với HTX đến nay.
Thực tế vài năm trở lại đây, số lượng HTX do những người trẻ làm chủ ngày càng tăng và hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề: Dịch vụ tổng hợp, nông nghiệp, du lịch sinh thái… Những giám đốc độ tuổi 8X, 9X mạnh dạn đổi mới trong lãnh đạo, điều hành đã thực sự thổi một luồng gió mới vào khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Đội ngũ quản lý các HTX nông nghiệp thuần trồng lúa đang "già hóa".
Khởi nghiệp thành công với các sản phẩm miến dong, miến gạo cao cấp, miến sâm Bố Chính GaViNa và khẳng định được chỗ đứng vững chắc tại siêu thị Co.opmart, các cửa hàng nông sản sạch tại Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... và các nước Nhật Bản, Lào, Thái Lan..., Phan Trung Thông-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sinh thái sông Son là một trong số những “người trẻ” thuộc thế hệ 9X tham gia quản lý, vận hành HTX.
Anh chia sẻ: Lợi thế của người trẻ là có kiến thức, được đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo và biết cách nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Nhất là, trong thời đại công nghệ 4.0, khi mà việc quản lý quy trình sản xuất, doanh thu và tiến độ phân phối các đơn hàng, đều được ứng dụng linh hoạt qua app hoặc các phần mềm, sàn thương mại điện tử… thì người trẻ với sự nhanh nhạy về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật chắc chắn sẽ có những lợi thế nhất định.
Đồng quan điểm với anh Thông, chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm cho biết: Các HTX mới có mô hình hoạt động gần giống với các doanh nghiệp nhỏ. Do đó, để các HTX khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước và xa hơn là mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước… rất cần sự nhạy bén của người trẻ. Thế mạnh của đội ngũ này là họ có kiến thức được đào tạo bài bản, có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và hơn hết là sự quyết đoán, nhạy bén trong nắm bắt, kết nối thị trường.
Theo Kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, Quảng Bình phấn đấu có khoảng 15% HTX có ứng dụng công nghệ cao; 30% HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; bình quân mỗi năm hỗ trợ 10-15 HTX đầu tư ứng dụng công nghệ mới, xây dựng 2 mô hình HTX chuyển đổi số... Do đó, để hoàn thành kế hoạch này, việc thu hút, tạo điều kiện để người trẻ tham gia vào HTX là rất cần thiết, nhất là khi nông nghiệp nông thôn đang dần bước vào “cuộc đua” thị trường.
(QBĐT) - Là một thanh niên trẻ, ấp ủ trong mình hoài bão làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phạm Hùng Nhật, ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) trở thành người tiên phong đưa con dúi về nuôi tại địa phương.
(QBĐT) - 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với số tiền hơn 258,7 tỷ đồng.
(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, tính đến ngày 31/7/2023, đã có 6.415 hộ khoán (đạt 74,3% so với tổng số hộ khoán đang hoạt động), 731 hộ kê khai (đạt 100%) và 46.374 cá nhân làm công ăn lương (đạt 68,6%) sử dụng mã tài khoản giao dịch điện tử thành công.