Phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch: Vẫn còn bỏ ngỏ - Bài 2: Để làng nghề thành sản phẩm du lịch, còn thiếu những gì?
06:08, 17/08/2023
(QBĐT) - Tiềm năng không nhỏ, kỳ vọng cũng rất lớn nhưng việc phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch và xa hơn là đưa làng nghề thành sản phẩm du lịch ở Quảng Bình thực sự vẫn còn bỏ ngỏ.
Làng nghề và các sản phẩm của một số làng nghề nổi tiếng trong tỉnh, như: Làng chiếu cói An Xá, làng nón Quy Hậu (Lệ Thủy), làng nón Thổ Ngọa (TX. Ba Đồn), làng nghề rèn đúc Mai Hồng (Bố Trạch), làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An (Quảng Trạch)… đã được quảng bá, giới thiệu là những điểm đến hấp dẫn cho du khách trên Quangbinh Tourism-fanpage chính thức của Sở Du lịch.
Đoàn khách du lịch nước ngoài tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Tuệ Hương (xã Cảnh Dương).
Các xã Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) được quan tâm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống... Và trên thực tế, trước đây, cũng đã có một số tour, tuyến du lịch ở Quảng Bình đưa làng nghề vào lịch trình khám phá, trải nghiệm cho du khách, như tour “Đi đi thôi” của Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis), tour của Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin…
Nhìn chung, du khách khá hào hứng với những trải nghiệm ở các làng nghề khi ghé thăm. Chị Nguyễn Thiên Ngân, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Được trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa của các vùng quê; thăm các làng nghề, tìm hiểu quy trình họ làm sản phẩm, nếm thử đặc sản của Quảng Bình ngay tại nơi sản xuất thực sự rất thú vị, hấp dẫn. Nếu như có sự kết hợp tạo thành combo sản phẩm thì sẽ tiện lợi hơn so với việc tham quan và mua sắm các sản phẩm nhỏ lẻ, cá biệt.
“Khách du lịch về tham quan cung đường bích họa thì địa phương cũng giới thiệu các sản phẩm tại làng nghề đặc trưng của làng biển Cảnh Dương, như: Nước mắm, cá, mực khô... Du khách rất quan tâm và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần phát triển kinh tế đối với các cơ sở hoạt động tại làng nghề gắn với phát triển dịch vụ du lịch trong thời gian qua”, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương chia sẻ.
Mùa hè 2023, làng nghề sản xuất muối truyền thống xã Quảng Phú bắt đầu thu hút một số khách du lịch tới check in.
Ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch cho biết: Đã có một số tour dẫn khách đến thăm, trải nghiệm tại các làng nghề trên địa bàn, song chưa nhiều, chưa thường xuyên. Cơ bản, mới chỉ là dịch vụ hỗ trợ cho khách, phục vụ nhu cầu của khách du lịch thôi chứ thực sự chưa phải xây dựng làng nghề thành điểm đến du lịch. Để xây dựng làng nghề thành sản phẩm du lịch rất khó.
Kiên trì với mục tiêu dài hạn
“Sở Công thương đang xây dựng đề án, hướng dẫn các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh thực hiện mô hình gắn sản phẩm đặc sản của địa phương với du lịch cộng đồng. Quan điểm của chúng tôi là xây dựng đề án, chọn một vài sản phẩm điểm, tiêu biểu, nổi bật chứ không thực hiện dàn trải; từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình”, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho biết thêm.
Trở lại với câu chuyện của làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh). Hương vị truyền thống của bánh tráng Tân An vẫn còn giữ được trọn vẹn khi vẫn còn lưu giữ cách làm bánh thủ công. Khách đến vừa tham quan cảnh sắc bên sông, tìm hiểu về quy trình làm ra chiếc bánh và trực tiếp thưởng thức những sản phẩm ngay tại lò bánh,… là những hình dung về việc xây dựng làng nghề thành sản phẩm du lịch.
Song, để hiện thực hóa điều này và duy trì một cách hiệu quả, lâu bền thì không phải dễ. Hiện, mỗi năm, ở làng nghề Tân An chỉ đón khoảng trên 20 lượt khách tới tham quan du lịch và học hỏi kinh nghiệm.
Còn đối với làng nón Hạ Thôn, ông Phan Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) cũng cho rằng, kỳ vọng nhiều nhưng để làm được là rất khó. Ở địa phương, hiện mới chỉ bán sản phẩm cho du lịch, làm thương hiệu cho một số sản phẩm cần quảng bá và bán ra ngoài chứ chưa có gắn với tour, tuyến du lịch nào. Địa phương cũng chưa có định hình, phương hướng về vấn đề này, muốn làm, cần phải quy hoạch làng nghề và rất nhiều việc khác…
Không khí lao động sản xuất ở làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An nhộn nhịp vào mỗi buổi sáng.
Cản trở đầu tiên trong việc phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch, đó là xuất phát từ những khó khăn, hạn chế của làng nghề. Nhìn chung, hiện nay, các cơ sở làng nghề ở Quảng Bình phát triển còn chậm, mang tính tự phát, ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng; sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu; chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu; chưa có sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch…
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin cho rằng: Các làng nghề còn nhỏ lẻ, không tập trung lại với nhau để tạo ra một "làng" nghề đúng nghĩa. Mặt khác, do các làng nghề chưa được tập trung để phát triển du lịch nên công tác quảng bá còn hạn chế, ít người biết đến. Công ty đã từng đưa làng sản xuất nước mắm Nhân Trạch vào city tour kết hợp đồi cát Quang Phú. Du khách cũng rất thích sản phẩm này. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ từ người dân, doanh nghiệp và địa phương nên sau đó tour tạm dừng.
Bà Lê Thị Hải Yến, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Oxalis Holiday chia sẻ: Ở mình, chủ yếu là các cơ sở sản xuất chứ không phải là cả một làng nghề nên rất phụ thuộc chủ nhà. Đôi khi, quá trình tham quan làng nghề, khách hứng thú mà chủ cơ sở lại hờ hững nên cũng khó cho đơn vị tổ chức tour.
Thực tế, trong quá trình đến thăm các làng nghề, chúng tôi cũng ghi nhận được những ý kiến khác nhau về vấn đề này từ những người dân. Nhiều người hào hứng khi hình dung khách du lịch về tham quan cơ sở sản xuất, mua sản phẩm ở cơ sở mình nhưng cũng không ít tỏ ra dè dặt, e ngại, sợ bị làm phiền trong quá trình sản xuất. Sự chủ động từ phía người dân tại các cơ sở sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng để làng nghề có trở thành sản phẩm du lịch hay không.
Tự tay làm bánh và thưởng thức ngay tại chỗ là một trải nghiệm thú vị đối với khách du lịch. Ảnh Oxalis Holiday.
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam khẳng định: Có rất nhiều việc cần phải làm và phải mất một thời gian dài để đưa làng nghề thành sản phẩm du lịch, mà đầu tiên là phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch. Quy hoạch phát triển làng nghề, đào tạo, xây dựng cộng đồng biết làm du lịch; công tác đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, hoạt động quảng bá… cũng cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Để thực hiện được điều này cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ cũng như các địa phương.
“Nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người” là một trong những giải pháp được nêu lên tại Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình khóa XVII về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025. Vấn đề này cũng đã được tái khẳng định tại kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 (Kế hoạch số 2160/KH-UBND, ngày 15/11/2022).
Hy vọng rằng, với những đường hướng có tính chiến lược đó, sẽ có sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, địa phương đưa ra những quyết sách, hoạch định phù hợp để phát huy hiệu quả những tiềm năng vốn có của làng nghề ở Quảng Bình.
(QBĐT) - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Lê Hòa Sơn cho biết: Nhờ những chính sách phù hợp, đúng hướng nên công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực.
(QBĐT) - Phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách. Không ít địa phương trong nước đã thực hiện thành công. Còn ở Quảng Bình ra sao?
(QBĐT) - Theo kết quả vừa được công bố của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong danh sách 100 nông dân được bình chọn và tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023", tỉnh Quảng Bình có 2 nông dân vinh dự nhận danh hiệu này.