Phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch: Vẫn còn bỏ ngỏ - Bài 1: Tiềm năng và kỳ vọng
06:08, 16/08/2023
(QBĐT) - Phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách. Không ít địa phương trong nước đã thực hiện thành công. Còn ở Quảng Bình ra sao?
Lợi thế vị trí địa lý bên sông đã tạo nên nét đẹp cho làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An.
Với 29 làng nghề, làng nghề truyền thống cùng lợi thế là một trong những trung tâm du lịch của cả nước, Quảng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển làng nghề gắn với điểm, tuyến du lịch.
Tiềm năng
Chúng tôi đến thôn Tân An ở xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), nơi có làng nghề chế biến bún, bánh mè xát đã tồn tại hơn trăm năm nay. Nằm bên bờ sông Gianh, làng ít đất để sản xuất nông nghiệp nên làm bánh tráng được xem là nghề tạo thu nhập chính cho người dân. Song, cũng chính với vị trí địa lý ấy, đã tạo nên nét đẹp cho làng nghề này. Đến Tân An, du khách sẽ được chứng kiến không khí lao động sản xuất nhộn nhịp, rộn ràng của người dân bên cảnh sắc dòng Gianh hữu tình.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết, thôn Tân An hiện có 210 hộ trực tiếp sản xuất bún, bánh với trên 420 lao động, hàng năm mang lại giá trị thu nhập cho xã ước tính trên 30 tỷ đồng. Hiện nay, làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An đã xây dựng thương hiệu và sản phẩm OCOP 3 sao.
Lợi thế vị trí địa lý bên sông đã tạo nên nét đẹp cho làng nghề chế biến bún, bánh mè xát Tân An.
Ông Bình cho rằng, xây dựng mô hình gắn phát triển làng nghề với tuyến du lịch ở Quảng Thanh rất khả thi. Địa phương đang từng bước để đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn, bờ kè dọc sông Gianh, quy hoạch để mở các vị trí kinh doanh dịch vụ thương mại để phục vụ khách trong thời gian tới.
Cách đó không xa là làng nghề nón lá truyền thống Hạ Thôn ở xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Trải qua hàng trăm năm phát triển, sản phẩm nón lá của làng nghề này ngày càng đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc. Những năm lại đây, nghề làm nón ở Quảng Tân đã được đầu tư máy móc, công nghệ, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, làng vẫn còn lưu giữ cách làm nghề truyền thống, thủ công.
Chủ tịch UBND xã Quảng Tân Phan Thanh Tâm cho biết, nghề làm nón thu hút 950 hộ, với 1.200 lao động. Đây là nghề phụ nhưng cho thu nhập cao ở xã, năm 2022, nghề này mang lại nguồn thu 19 tỷ đồng. Nếu được đầu tư gắn với điểm, tuyến du lịch, quảng bá sản phẩm thì sẽ có triển vọng hơn nữa.
Cảnh Dương là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Còn tại xã Cảnh Dương-địa phương được Sở Du lịch lựa chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đã có làng nghề với tổng diện tích 10,3ha, đi vào hoạt động từ năm 2006. Đến nay, có 56 dự án hoạt động tại làng nghề chủ yếu các ngành nghề, như: Nước mắm, làm hương, mộc dân dụng, cơ khí, nuôi trồng thủy sản…
Báo cáo số 1187/UBND-KT về tình hình phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp của UBND tỉnh ban hành ngày 16/6/2023, xác định rõ: Quảng Bình có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là các xã trên tuyến du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, do đó, các sản phẩm từ các làng nghề có điều kiện rất thuận lợi để tiếp cận với khách hàng cũng như để quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương.
Có cảnh quan thiên nhiên trù phú và các giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng độc đáo để phát triển du lịch, từ Cảnh Dương, du khách có thể lựa chọn nhiều cung đường, chương trình tour, tuyến để trải nghiệm cùng các điểm đến nổi tiếng lân cận như TP. Đồng Hới, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phong Nha-Kẻ Bàng. Với những điều kiện kể trên, xã Cảnh Dương có nhiều thuận lợi cho phát triển làng nghề gắn với du lịch.
Nói về tiềm năng đưa làng nghề thành sản phẩm du lịch, ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Quảng Bình hiện có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống, với 8.279 cơ sở sản xuất. Trong đó, có nhiều làng nghề nổi tiếng và có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch làng nghề.
Và những kỳ vọng
Ông Hồ Nhật Bình còn cho biết thêm: Hiện nay, tại Quảng Bình đã, đang hình thành và phát triển các điểm, tuyến du lịch gắn với các địa danh làng nghề. Cụ thể, như: Khu vực giáp đèo Ngang, có các làng nghề chế biến thủy hải sản Cảnh Dương, nước mắm Xuân Hòa (xã Quảng Xuân), làng nghề sản xuất muối truyền thống xã Quảng Phú. Hai bên bờ sông Gianh có các làng nón lá Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận), nón lá Hạ Thôn (xã Quảng Tân), làng đan lát Thọ Đơn (phường Quảng Thọ), làng rèn đúc Hòa Ninh, chạm trổ Thanh Tân (xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn); làng bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch). Khu vực huyện Bố Trạch có các làng nghề đóng tàu, thuyền, chế biến thủy hải sản ở Lý Hòa (xã Hải Phú), Nhân Trạch…
Sản phẩm nón lá truyền thống của làng nghề Hạ Thôn (xã Quảng Tân, TX. Ba Đồn) ngày càng đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, màu sắc.
Ở TP. Đồng Hới có làng nghề chế biến hải sản xã Bảo Ninh. Hai bên bờ sông Long Đại, Nhật Lệ ở huyện Quảng Ninh có làng nghề chổi đót Hà Kiên (xã Hàm Ninh), làng nghề chế biến hàu Phú Bình (thị trấn Quán Hàu),... Nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy cũng là một vùng quê có nhiều làng nghề nổi tiếng, như: Làng chiếu cói An Xá, làng nón lá Quy Hậu…
Hầu như các địa phương có làng nghề đều kỳ vọng đưa làng nghề, các sản phẩm của làng nghề gắn với tour, tuyến du lịch để vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế-xã hội, làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh Ngô Thanh Bình cho biết: “Nguyện vọng của địa phương là mở mang, phát triển làng nghề bền vững, gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo đảm tính hài hòa; xây dựng quy cách về chất lượng sản phẩm; xây dựng chương trình lễ hội phong phú về phần hội, trang trọng về phần lễ để thu hút con em trong và ngoài nước, ghé lại làng nghề Tân An tham quan, trải nghiệm làng nghề, từng bước nâng cao giá trị về phát triển kinh tế-xã hội của làng nghề, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân làng nghề”.
Hình thức làm bánh thủ công truyền thống ở Tân An (xã Quảng Thanh, Quảng Trạch) tuy năng suất chưa cao nhưng thu hút sự quan tâm của khách du lịch.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Thông tin và du lịch Netin-một trong những đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực lữ hành-chia sẻ: “Quảng Bình có một số làng nghề theo tôi là sẽ làm được và phát triển thành sản phẩm du lịch, với điều kiện quy hoạch lại khu vực và sản phẩm đa dạng cho du khách, tập trung quảng bá để du khách đến mua về làm quà và trải nghiệm một số khâu trong quá trình sản xuất. Đặc biệt nghiên cứu đầu ra cho các sản phẩm đó. Nếu được đề xuất, theo tôi, nên phát triển các làng nghề mây tre đan và nón lá, tìm kiếm thị trường xuất khẩu và các sản phẩm nhỏ gọn để phục vụ du lịch”.
Hương Lê
>>> Bài 2: Để làng nghề thành sản phẩm du lịch, còn thiếu những gì?
(QBĐT) - Theo kết quả vừa được công bố của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong danh sách 100 nông dân được bình chọn và tôn vinh là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023", tỉnh Quảng Bình có 2 nông dân vinh dự nhận danh hiệu này.
(QBĐT) - Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại vừa phối hợp với siêu thị Co.opmart Quảng Bình tổ chức chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.