Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

  • 06:08, 12/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 4/2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh cho phép Công ty TNHH SX&TM Trường Tuấn khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái “Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng” (xã Trường Sơn, Quảng Ninh). Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình du lịch thử nghiệm này đã thu hút hàng nghìn lượt khách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn…
 
Đánh thức Chà Cùng
 
Sinh ra và lớn lên ở xã Trường Sơn, anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trường Tuấn đã trải qua những ngày tháng cơ cực, bôn ba kiếm sống khắp nơi bằng nhiều công việc khác nhau. Có những năm, anh còn theo thanh niên trong xã lên rừng làm lâm tặc. Trong khoảng thời gian này, bước chân anh đi khắp núi rừng, lội qua nhiều con suối để chặt, xẻ, gùi gỗ về bán. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu.
 
Dần dần, anh Tuấn nhận thấy rằng, công việc mình làm là vi phạm pháp luật, lại ảnh hưởng đến môi trường, gây hậu quả nặng nề cho thế hệ mai sau. Qua nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định bỏ nghề lâm tặc để chuyển sang làm du lịch.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốcCông ty TNHH SX&TM Trường Tuấn (bên phải) trong chuyến khảo sát hệ thống hang động trên địa bàn xã Trường Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốcCông ty TNHH SX&TM Trường Tuấn (bên phải) trong chuyến khảo sát hệ thống hang động trên địa bàn xã Trường Sơn. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn kể: “Những ngày vào rừng làm lâm tặc, tôi thấy ở bản Cây Cà có hệ thống suối và hang Chà Rào-Chà Cùng rất đẹp. Trong hang có nhiều thạch nhũ, hình thù muôn màu muôn vẻ. Suối nước trong xanh, chảy quanh năm không bao giờ cạn. Vị trí các hang động, suối gần đường giao thông nên phát triển du lịch sẽ thu hút được khách. Nếu tiềm năng này không được đánh thức thì sẽ rất lãng phí mà bản thân tôi lại cảm thấy có lỗi với rừng, với quê hương”.
 
Theo anh Tuấn, suối, hang và núi Chà Rào là tên bản địa có từ xa xưa. Ngoài dòng suối Chà Rào mát lạnh, nhiều thác ghềnh thì hang Chà Rào cũng sẽ là một điểm đến thú vị. Hang có chiều dài khoảng 4km, nằm dưới những dãy núi đá vôi, rừng nguyên sinh với những khối thạch nhũ bắt mắt, dòng sông ngầm chảy trong hang len lỏi qua từng khối đá chắc chắn sẽ làm cho khách du lịch hài lòng khi đến đây.
 
Từ Chà Rào, đi thêm 2km là tới Chà Cùng-vùng đất mang tên loài Voọc Hà Tĩnh (tiếng bản địa gọi con Voọc là con Chà Cùng). Hiện, loài linh trưởng đó ở khu vực này còn khá nhiều.
 
Bắt tay vào làm du lịch, anh Tuấn đã vay mượn 300 triệu đồng để khai thác khu vực suối Chà Cùng. Từ số tiền này, anh đã cải tạo con đường mòn đi rừng năm xưa vào con suối. Tại đây, anh làm một cây cầu tre bắc qua. Bên bờ suối anh dựng nhiều cái lán bằng gỗ, tre, lợp lá nên rất hòa hợp với thiên nhiên.
Khách du lịch đến trải nghiệm tại suối Chà Cùng.
Khách du lịch đến trải nghiệm tại suối Chà Cùng.
Sau khi tắm mình trong dòng nước mát lạnh, chèo thuyền kayak, đu dây, trượt cầu, du khách có thể thuê lán và gọi những món ăn đặc trưng của Trường Sơn, như: Cá mát, cua đá, xôi nếp cẩm, thịt lợn bản, gà kiến... thưởng thức ngay bên suối.
 
Chị Nguyễn Thanh Huyền, một khách du lịch đến từ TP. Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến suối Chà Cùng. Mặc dù ở bên ngoài nắng nóng, nhưng vào đây lại rất mát mẻ, cảnh vật cũng rất đẹp. Nước suối ở đây trong xanh, nhiều ghềnh thác lớn nhỏ vô cùng đẹp mắt. Tôi thích nhất là được đu dây, trượt nước, chèo thuyền kayak và ngâm mình trong dòng suối mát lạnh, ăn những món đặc sản của người dân nơi đây. Đi dạo quanh suối một vòng, tôi chụp được nhiều bức ảnh đẹp. Về Hà Nội, tôi sẽ giới thiệu thêm cho người quen đến Chà Cùng để tận hưởng cảm giác tuyệt vời này”.
 
Chung tay bảo vệ rừng
 
Từ khi khu du lịch suối Chà Cùng được mở, nơi đây đã đón trên 3.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu đạt 450 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
 
Anh Hồ Văn Ninh, một người dân ở xã Trường Sơn phấn khởi: “Trước đây, tôi thường lên rừng xẻ gỗ, lấy lâm sản phụ về bán nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, lại vi phạm pháp luật. Từ khi suối Chà Cùng đưa vào khai thác du lịch, anh Tuấn nhận tôi vào làm công việc vận chuyển hàng hóa vào suối. Công việc ở đây không quá vất vả nhưng lại được làm thường xuyên, thu nhập cũng cao hơn nghề đi rừng”.
 
Ngoài tạo công ăn việc làm trực tiếp cho người dân trong xã, Công ty TNHH SX&TM Trường Tuấn đã tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản của bà con sản xuất, đánh bắt được với giá cao hơn thị trường 10%, như: Lợn bản, gà kiến thả vườn, gạo nếp, măng rừng, cá mát, cua đá…
Hệ thống hang động tại khu vực Chà Rào-Chà Cùng rất đẹp. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Hệ thống hang động tại khu vực Chà Rào-Chà Cùng rất đẹp. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết: “Từ khi trên địa bàn có khu du lịch, nhiều bà con trong xã đã tập trung nuôi lợn, gà bản, hái măng, bắt cua đá… về bán phục vụ du khách. So với trước đây, những mặt hàng của bà con được bán nhanh hơn, giá cao hơn. Khi tập trung phát triển sản xuất, nhiều người dân trong xã không còn vào rừng xẻ gỗ về bán nữa”.
 
Trước đó, công ty đã thuê 25ha rừng của BQLRPH huyện Quảng Ninh để mở khu du lịch này và thực hiện nghiêm túc việc đóng phí dịch vụ môi trường rừng.
 
Phó Giám đốc BQLRPH huyện Quảng Ninh Lê Anh Năm cho biết: “Khu vực rừng ở suối Chà Rào-Chà Cùng nói riêng và rừng trong lâm phận của chúng tôi nói chung còn rất nhiều loại gỗ quý. Trước đây, tình trạng phá rừng ở khu vực này vẫn hay xảy ra. Tuy nhiên, từ khi khu du lịch đi vào hoạt động, tình trạng phá rừng đã giảm hẳn. Một số người dân trước đây làm lâm tặc giờ đã quay lại chung tay với chúng tôi bảo vệ rừng”.
Hệ thống hang động tại khu vực Chà Rào-Chà Cùng rất đẹp. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Hệ thống hang động tại khu vực Chà Rào-Chà Cùng rất đẹp. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm: Để phát triển du lịch trên địa bàn xã Trường Sơn, sắp tới công ty sẽ đầu tư mở thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, khe suối và khám phá văn hóa bản địa tại địa phương. 
 
"Để phát triển du lịch trên địa bàn xã Trường Sơn, sắp tới công ty sẽ đầu tư mở thêm các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, khe suối và khám phá văn hóa bản địa tại địa phương. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là tạo thêm việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho nhiều người dân để bà con hạn chế sống phụ thuộc vào rừng, phá rừng, góp phần thúc đẩy sản xuất trên địa bàn", Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trường Tuấn cho hay.

Xuân Vương

tin liên quan

Phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Phát triển đô thị tăng trưởng xanh

(QBĐT) - Xác định đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tỉnh Quảng Bình chú trọng công tác quy hoạch hệ thống đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.

Đánh thức "kỳ quan" du lịch phía Tây Nam
Đánh thức "kỳ quan" du lịch phía Tây Nam

(QBĐT) - Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (Bang Onsen Spa&Resort), xã Kim Thủy, Lệ Thủy đi vào khai thác, sẽ góp phần đánh thức "kỳ quan" du lịch phía Tây Nam của tỉnh.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp cộng với môi trường ở các vùng nuôi ngày càng suy thoái, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người nuôi tôm ở Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi vẫn chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.