(QBĐT) - Để giúp bà con bản Eo Bù-Chút Mút, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), năm 2014, Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 79, Binh đoàn 15 đã đầu tư xây dựng lưới điện. Từ khi có điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Cũng từ đó, những “chiến sĩ áo cam” Điện lực Lệ Thủy đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để quản lý, vận hành tuyến điện này.
Niềm vui của bản làng
Bản Eo Bù-Chút Mút cách trung tâm huyện Lệ Thủy khoảng 70km. Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn do không có điện, đường giao thông đi lại cách trở. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, các công trình trường học, đường giao thông đã dần được xây dựng. Đặc biệt, tháng 11/2014, Đoàn KTQP 79 đã đầu tư xây tuyến đường dây trung thế dài gần 14km, hơn 3km đường dây hạ thế, 3 trạm biến áp về bản. Gần 1 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành, mang lại niềm vui cho bà con bản làng.
Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy hướng dẫn người dân bản Eo Bù-Chút Mút sử dụng thiết bị điện trong gia đình.
Trưởng bản Eo Bù-Chút Mút Hồ Văn Bình nhớ lại: “Ngày có điện, dân bản phấn khởi lắm. Gia đình tôi cùng nhiều bà con về thị trấn mua tủ lạnh để kinh doanh nước giải khát, ti vi, loa máy, nồi cơm điện... Từ đó, con em trong bản có ánh sáng để học bài ban đêm, bà con đi nương rẫy không còn lo về sớm để nấu cơm nữa, mùa hè nóng nực thì có quạt mát, có nước đá để uống. Sau nhiều năm có điện, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong bản đã được nâng lên đáng kể, số hộ nghèo đã giảm nhiều so với trước”.
Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy có 10 cán bộ, nhân viên. Hiện, đơn vị đang quản lý, vận hành 180km đường dây 22kV với 1.892 vị trí cột, 150km đường dây 0,4kV với trên 1.000 vị trí cột, 123 trạm biến áp với 8.500 khách hàng tại 7 xã, thị trấn phía Tây của huyện. Ngoài lưới điện lên bản Eo Bù-Chút Mút thì lưới điện vào bản Bạch Đàn hiện đang là tài sản của Đoàn KTQP 79 nên công tác quản lý, vận hành, sửa chữa còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện, 68 hộ dân bản Eo Bù-Chút Mút đã có điện sử dụng. Trong đó, 100% hộ đã mua nồi cơm điện, quạt; 50% hộ đã có ti vi, loa máy; 70% hộ mua được tủ lạnh để tích trữ thức ăn, làm đá, kinh doanh nước giải khát. Ông Hoàng Văn Long, một người dân ở bản Eo Bù-Chút Mút tâm sự: “Trước đây, không có điện nên muốn làm việc gì cũng khó. Từ ngày có điện, tôi đã mua máy xay xát, máy làm mộc, làm các công trình phục vụ cho bà con trong bản. Nhờ đó, tôi có việc làm thường xuyên, kinh tế trong nhà cũng được cải thiện đáng kể”.
Gian nan vận hành lưới điện
Để quản lý, vận hành lưới điện lên bản Eo Bù-Chút Mút, cán bộ, công nhân Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy (thuộc Điện lực Lệ Thủy) phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Bởi phần lớn lưới điện đều chạy qua rừng tự nhiên, băng qua khe suối. Do tuyến điện này là tài sản của Đoàn KTQP 79, toàn bộ là dây trần, không được bọc cách điện ở các đầu sứ nên thường xảy ra các sự cố do chim, chuột, rắn, giông sét, sạt lở đất và cây rừng tự nhiên... gây ra.
Nhiều hộ dân bản Eo Bù-Chút Mút đã mua các thiết bị điện phục vụ gia đình và dân bản.
Đội trưởng Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy Nguyễn Văn Chương cho biết: “Do đơn vị quản lý tài sản ít đầu tư, nâng cấp nên mỗi năm, lưới điện lên bản Eo Bù-Chút Mút xảy ra hàng chục lượt sự cố. Mùa gió Lào thì cây cối gãy đổ đập vào đường dây, mùa mưa lũ thì sạt lở đất, chia cắt khiến công tác quản lý, vận hành của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi có sự cố, chúng tôi phải vượt quãng đường hàng chục km, xử lý cả ngày lẫn đêm để cấp điện lại. Còn những sự cố lớn, mất điện dài ngày thì phải chờ đơn vị chủ quản đầu tư tu sửa”.
Để bảo đảm cho tuyến điện trên địa bàn vận hành thông suốt, hiệu quả, đội đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tuyên truyền cho người dân không trồng cây, làm nhà trong phạm vi hành lang lưới điện. Trung bình mỗi tuần 3 buổi, đội phải đi phát cây để giải phóng hành lang, thu dọn thực bì những nơi lưới điện đi qua. Có những vị trí xa, địa hình phức tạp, gặp trời mưa lũ thì anh em phải ăn, nghỉ trưa trong rừng, tối thì về nhà dân xin tá túc”.
Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên của đội còn phải thường xuyên đến nhà bà con để tuyên truyền, vận động họ sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; giúp bà con đấu nối, thay thế, sửa chữa một số thiết bị điện trong nhà. Nhờ nỗ lực của toàn đội nên sự cố lưới điện về bản đã giảm so với trước. Khách hàng trên địa bàn yên tâm sử dụng điện, tin tưởng, đồng hành với cán bộ, nhân viên của đội…
Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy vệ sinh hành lang lưới điện.
Anh Võ Văn Diện, nhân viên của đội tâm sự: “Một số hộ gia đình khó khăn có bóng đèn cháy, ổ cắm, phích cắm, cầu dao… hư hỏng nhưng không thể thay thế nên bà con phải chịu cảnh mất điện dài ngày. Thấy vậy, anh em chúng tôi thường bỏ tiền túi ra để mua thiết bị mới về thay thế giúp bà con”.
Giám đốc Điện lực Lệ Thủy Phạm Ngọc Hoài đánh giá: “Tuy khó khăn, vất vả, nhất là công tác vận hành lưới điện lên bản Eo Bù-Chút Mút nhưng anh em Đội quản lý điện tổng hợp khu vực phía Tây Lệ Thủy vẫn nỗ lực hết sức, thành tích của đội luôn dẫn đầu đơn vị. Bởi ở đó tập hợp những cán bộ, công nhân tận tâm, có sức trẻ, lòng nhiệt huyết và rất yêu nghề. Để vận hành lưới điện lên bản Eo Bù-Chút Mút hiệu quả hơn, chúng tôi đã đề xuất với Đoàn KTQP 79 bàn giao tài sản lại cho ngành Điện. Khi các mặt pháp lý rõ ràng, ngành Điện sẽ dễ quản lý và đưa vào đầu tư, sửa chữa, nâng cấp...”.
(QBĐT) - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Lê Hòa Sơn cho biết: Sau thời gian đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các cụm công nghiệp (CN) trên địa bàn TP. Đồng Hới đã được đưa vào quản lý khai thác hiệu quả…
(QBĐT) - Sau nhiều năm bôn ba làm việc ở nước ngoài, anh Bùi Anh Tuấn (quê ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch) đã trở về quê hương phát triển kinh tế. Từ vùng đất gò đồi, khô cằn, sỏi đá, vợ chồng anh Tuấn đã quyết tâm cải tạo đất, gây dựng thành công trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.