(QBĐT) - Toàn tỉnh có khoảng 4.000 người khiếm thị; trong đó, có 1.400 hội viên Hội Người mù (HNM) hiện đang tham gia sinh hoạt ở 48 chi hội xã, phường, thị trấn. Thời gian qua, HNM tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để ổn định đời sống cho hội viên, tổ chức các hoạt nhằm hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tận dụng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm (QGVVL) để giúp hội viên phát triển sản xuất…
Được sự giới thiệu của HNM huyện Bố Trạch, chúng tôi đến thăm gia đình anh Thới Công Nghiểm ở xã Tây Trạch, một trong những hội viên tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu chăn nuôi được quy hoạch gọn gàng, anh Nghiểm chia sẻ: Gia đình anh trước đây hoàn cảnh rất khó khăn, khi đang học lớp 2 thì đột nhiên đôi mắt của anh bị lòa, đến năm 2006 thì mù hẳn.
Anh Thới Công Nghiểm tâm sự: Sau khi lập gia đình, năm 1995 vợ chồng anh vay 5 triệu đồng mua 3 con bê để chăn nuôi. Nhờ nuôi tốt nên đến nay gia đình anh đã có 11 con bò. Anh còn nhận khai hoang đất đồi để trồng gần 2ha cây cao su, 1ha sắn. Từ các mô hình cho thu nhập bình quân hàng năm từ 200-250 triệu đồng và lợi nhuận từ 120-150 triệu đồng/năm.
Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Võ Văn Bế ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch).
Phó Chủ tịch HNM huyện Bố Trạch Trần Đức Tuấn cho biết: Thời gian qua, HNM huyện luôn quan tâm đến công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo nguồn vốn giúp hội viên và kết nối với nhiều nguồn hỗ trợ khác để tạo sinh kế cho người khiếm thị, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để giúp hội viên xóa đói và giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2011 đến nay, HNM huyện Bố Trạch đã lập 20 dự án cho 50 lượt hội viên vay với doanh số trên 720 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động trong gia đình cùng tham gia. Hầu hết các dự án đều tập trung vào chăn nuôi bò sinh sản, trồng trọt và buôn bán nhỏ. Từ những hội viên, hộ gia đình nghèo quanh năm chỉ biết lam lũ, nhờ vào trợ cấp xã hội hàng tháng, cuộc sống thiếu thốn, giờ đây nhờ có nguồn vốn vay từ Quỹ QGVVL đã giúp các hội viên, hộ gia đình tập trung vào phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Có thể khẳng định, nguồn vốn từ Quỹ QGVVL đã phát huy hiệu quả, hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập ổn định, điều kiện sống được cải thiện rõ rệt, nhiều hội viên, gia đình hội viên đã thoát nghèo, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Thời gian tới, HNM tỉnh tiếp tục phấn đấu 100% hội viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu, đủ điều kiện, được vay vốn, được học nghề, tạo điều kiện tìm việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống. Hội phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội mỗi năm từ 1,5% trở lên; bảo đảm trên 80% người khiếm thị đủ điều kiện, được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, như: Trợ cấp xã hội, được hưởng BHYT, hỗ trợ làm nhà ở, nước sạch, khám mổ mắt nhân đạo…
Ngoài hỗ trợ tạo việc làm, nguồn vốn tín dụng từ Quỹ QGVVL giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội cũng giúp nhiều hội viên, nhất là tại khu vực nông thôn thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, sau khi hoàn trả nguồn vốn vay, các hội viên đều duy trì và phát triển kinh tế, không có hội viên nào tái nghèo.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HNM tỉnh cho hay: Từ nguồn vốn vay Quỹ QGVVL theo kênh riêng của Trung ương hội với lãi suất ưu đãi, hội tổ chức cho hội viên vay vốn, tạo điều kiện cho người khiếm thị cùng gia đình phát triển kinh tế, đầu tư chăn nuôi trồng trọt, làm các nghề thủ công, dịch vụ nhỏ... giúp hội viên có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ năm 2007 đến nay, hội đã lập được 213 dự án với doanh số hơn 7,5 tỷ đồng cho 817 lượt hội viên được vay vốn tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động trong gia đình cùng tham gia. Nhờ sự cần cù, sáng tạo, chịu khó, nhiều người khiếm thị đã biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nguồn vốn vay, đầu tư vào những việc làm chính đáng, nhiều hộ đã giảm được nghèo. Tuy số tiền được vay chưa phải là nhiều, mức vay chưa cao, thời gian vay còn ngắn, nhưng đây là nguồn vốn vô cùng quý báu đối với người khiếm thị.
Anh Võ Văn Bế ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) với mô hình nuôi bò vỗ béo.
Nhiều tấm gương điển hình trong vay vốn đã vươn lên làm giàu, như: Anh Phan Thanh Sơn ở xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), là chủ một cơ nghiệp mỗi năm xuất bán với hàng nghìn con gà thịt, hơn 100 con lợn thịt, nuôi hàng chục con lợn nái, nhím, 5 ao cá, trồng rừng… tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 người khuyết tật ở trong thôn; anh Võ Văn Bế ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), trồng rau màu, nuôi bò vỗ béo và trồng hơn 2ha cây keo lai phủ xanh đồi cát, nay đã xây được nhà cửa khang trang, có của ăn, của để; chị Trần Thị Thu ở TP. Đồng Hới vay vốn kết hợp cùng gia đình trồng rừng, chăn nuôi lợn, bò, gà vịt ngan, ngỗng, nuôi cá hoặc làm dịch vụ buôn bán nhỏ, mỗi năm thu được hàng trăm triệu đồng.
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thực sự là giải pháp quan trọng tạo việc làm tăng thu nhập, nâng cao mức sống của gia đình người khiếm thị. Trong 15 năm qua (2008-2023), ngoài nguồn vốn từ Quỹ QGVVL, thông qua các nguồn quỹ nhân đạo, từ thiện, Quỹ "Vì người nghèo"… đã có 13 con bò giống được tặng cho 13 gia đình người khiếm thị, mỗi con trị giá 15 triệu đồng từ sáng kiến “Đàn bò trao tay người khiếm thị”...
(QBĐT) - Tháng 4/2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho phép Công ty TNHH SX&TM Trường Tuấn khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng" (xã Trường Sơn, Quảng Ninh).
(QBĐT) - Xác định đô thị hóa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tỉnh Quảng Bình chú trọng công tác quy hoạch hệ thống đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.
(QBĐT) - Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang (Bang Onsen Spa&Resort), xã Kim Thủy, Lệ Thủy đi vào khai thác, sẽ góp phần đánh thức "kỳ quan" du lịch phía Tây Nam của tỉnh.