Gỡ khó nông thôn mới nâng cao

  • 04:08, 07/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Sau khi bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được ban hành, các địa phương được lựa chọn đã bắt tay vào thực hiện các tiêu chí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều tiêu chí đã làm khó các địa phương khiến lộ trình về đích NTM nâng cao còn lắm gập ghềnh.  
 
Khó chồng khó
 
Xã Phong Thủy (Lệ Thủy) là một trong những địa phương được lựa chọn để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí, xã đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhiều tiêu chí quan trọng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chặng đường về đích NTM nâng cao dường như vẫn còn rất dài với địa phương này.
 
Một trong những tiêu chí mà xã đang lúng túng khi triển khai đó là tiêu chí y tế (tiêu chí 14) trong đó, nội dung tiêu chí 14.3 về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh (KCB) từ xa (≥40%), xã vẫn chưa đạt. Với người dân nơi đây, khái niệm KCB từ xa dường như còn là điều khá mới mẻ.
 
Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Phong Thủy cho biết: Mỗi khi có vấn đề về sức khỏe, bà thường ra trạm y tế xã để khám và lấy thuốc về uống. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn cố gắng ra tận nơi để được nhân viên y tế ở đây thăm khám cụ thể và hướng dẫn cách điều trị bệnh.
Tiêu chí y tế nâng cao đang làm khó nhiều địa phương.
Tiêu chí y tế nâng cao đang làm khó nhiều địa phương.
Không chỉ đối với bà Hoa, nhiều người dân trong xã cũng đang có thói quen và tâm lý đến trực tiếp trạm y tế để được KCB. Hiện nay, trạm y tế xã chỉ là nơi thực hiện chức năng KCB theo một số chương trình của Trung tâm Y tế huyện. Ngoài ra, trạm còn thực hiện chức năng cấp phát thuốc bảo hiểm, tiêm vắc-xin. Việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực để thực hiện KCB từ xa vẫn còn là điều hạn chế.  
 
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy cho biết: Được chọn để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nhưng xã hiện đang vướng tiêu chí y tế, cụ thể là tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng KCB từ xa. Cùng với tiêu chí y tế, theo bộ tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021-2025, xã Phong Thủy còn 6 tiêu chí quan trọng vẫn chưa thực hiện được, gồm: Giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiếp cận pháp luật và tiêu chí môi trường (hỏa táng).
 
Xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) hiện đang tích cực triển khai các tiêu chí để đáp ứng theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Đối với xã, tỷ lệ người dân KCB từ xa phải đạt trên 70%. Tuy nhiên đến nay, xã cũng chỉ thực hiện được 32%. Ngoài tiêu chí y tế, tiêu chí về môi trường, tiếp cận pháp luật, chất lượng cuộc sống cũng đang là rào cản lớn của xã trong kế hoạch về đích NTM nâng cao vào cuối năm nay.
 
Trong năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Võ Ninh, Lương Ninh (Quảng Ninh); Mai Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy (Lệ Thủy); Mai Hóa, Châu Hóa (Tuyên Hóa); Quảng Tân (TX. Ba Đồn); Bắc Trạch (Bố Trạch); Lộc Ninh, Đức Ninh, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới). Tuy nhiên, để thực hiện các tiêu chí còn lại, các xã chỉ còn thời gian 5 tháng cuối năm. Đây là một thách thức lớn, rất cần sự hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí nâng cao.

Trên thực tế, hầu hết các xã nằm trong lộ trình xây dựng NTM nâng cao đều đang gặp khó và loay hoay để thực hiện các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiếp cận pháp luật và tiêu chí môi trường (hỏa táng)... Do các tiêu chí này đều nâng cao hơn so với lộ trình xây dựng NTM nên để hoàn thành, các xã không chỉ cần kinh phí, thời gian mà còn cần sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng.    

Giải pháp tháo gỡ
 
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện xã NTM nâng cao của các địa phương, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Tiến độ triển khai các tiêu chí xã NTM nâng cao ở các địa phương trên địa bàn tỉnh còn chậm, đến nay mới đạt bình quân 14/19 tiêu chí. Nhiều xã đang gặp khó ở các tiêu chí y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin truyền thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tiếp cận pháp luật và tiêu chí môi trường.
 
Do các tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi về nội dung đánh giá và tỷ lệ đạt chuẩn các tiêu chí NTM được nâng cao hơn so với giai đoạn trước nên để thực hiện được các tiêu chí này cần có nhiều nguồn lực. Hiện, vẫn chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ các xã đăng ký NTM nâng cao nên các xã gặp khó khăn trong thực hiện.
Lộ trình về đích NTM nâng cao còn khó khăn đối với nhiều xã.
Lộ trình về đích NTM nâng cao còn khó khăn đối với nhiều xã.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh lộ trình xây dựng NTM nâng cao cho các địa phương, thời gian qua, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện chương trình, làm cơ sở để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai cho giai đoạn 2021-2025.
 
Đặc biệt, để giúp các xã thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, một số sở, ngành đã có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí cụ thể, như: Sở Tư pháp hướng dẫn giúp đỡ các xã với nội dung có mô hình điển hình về phổ biến pháp luật, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận; Sở Văn hóa-Thể thao xem xét, hướng dẫn giúp đỡ các xã với nội dung đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao riêng biệt ngoài khu hành chính của xã; Sở Y tế hướng dẫn các nội dung liên quan đến tiêu chí y tế...
 
“Bên cạnh sự hỗ trợ của các sở, ngành, các địa phương cần đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về chất lượng phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; trong đó chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, đem lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn tới từng thôn, bản, hộ gia đình. Thường xuyên, cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến; sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân rộng”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm.
Đoàn Nguyệt

tin liên quan

Bàn chuyện gỡ khó cho du lịch
Bàn chuyện gỡ khó cho du lịch

(QBĐT) - Đâu là "điểm nghẽn" của du lịch Quảng Bình và làm gì để "khơi thông" những "điểm nghẽn" đó? Một hội nghị sơ kết do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì đã diễn ra ngay tại thời điểm Quảng Bình đang bước vào mùa du lịch sôi động.

Nuôi lươn không bùn-"làm chơi ăn thật"
Nuôi lươn không bùn-"làm chơi ăn thật"

(QBĐT) - Không nuôi lươn ở ruộng như cách truyền thống, anh Trương Công Minh ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) làm bể nuôi lươn ngay tại nhà. Chỉ với vài chục mét vuông, nhưng với cách nuôi khoa học, anh đã khởi nghiệp thành công từ nuôi lươn không bùn, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

TP. Đồng Hới: "Gỡ khó" thu ngân sách
TP. Đồng Hới: "Gỡ khó" thu ngân sách

(QBĐT) - So với cùng kỳ, việc thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP. Đồng Hới trong nửa đầu năm 2023 đạt thấp, dự kiến khó hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Giải pháp nào "gỡ khó" đang là điều trăn trở lớn đối với cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương.