Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi trước mùa mưa lũ

  • 09:08, 19/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, các địa phương trên địa bàn tỉnh, đơn vị quản lý, khai thác đã chủ động kiểm tra, sửa chữavà xây dựng phương án ứng phó, bảo vệ công trình khi mùa mưa lũ đến.
 
Nhiều hồ, đập hư hỏng, xuống cấp
 
Quảng Bình hiện có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi, trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (Công ty Khai thác CTTL) đang quản lý, khai thác 34 hồ chứa nước và 4 đập dâng có chiều cao ≥ 5m, còn lại là do UBND các huyện giao cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác.
 
Bên cạnh việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho người dân, các công trình thủy lợi còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, phần lớn các công trình được xây dựng từ cách đây 20-30 năm, nên tài liệu, hồ sơ liên quan đến công trình bị mất mát, thất lạc. Do đó, các địa phương, đơn vị chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để báo cáo nên độ chính xác về số liệu của một số công trình không cao, gây khó khăn cho công tác phân loại đập, hồ chứa nước.
Hồ Eo Hụ (Minh Hóa) có thân đập chính và vai đập bị thấm mạnh.
Hồ Eo Hụ (Minh Hóa) có thân đập chính và vai đập bị thấm mạnh.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc, vật tư, vật liệu tại chỗ chuẩn bị cho việc ứng cứu công trình của các hồ chứa do địa phương quản lý không có, nên chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, vận hành cũng như gây khó khăn trọng việc ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, kinh phí bố trí cho bảo trì, duy tu sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế nên nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp, gây mất an toàn về mùa mưa lũ.
 
Giám đốc Công ty Khai thác CTTL Trần Hồng Quảng cho biết: Các đập, hồ chứa do công ty quản lý đa số được xây dựng từ năm 2010 trở về trước. Bên cạnh các hồ chứa đã được nâng cấp, sửa chữa thì vẫn còn một số công trình, hạng mục công trình đập, hồ chứa xuống cấp, nguy cơ làm mất ổn định trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du, nhất là khi mùa mưa lũ đến. Hiện, công ty có 3 công trình đập, hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp, gồm: Cửa Nghè, Rào Sen, Mỹ Trung; 11 công trình đập, hồ chứa hư hỏng đề nghị sửa chữa, nâng cấp, như: Eo Hụ, Cồn Ruộng, Troóc Vực, Trung Thuần…
 
Theo báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ đập thủy lợi, hiện toàn tỉnh có 13 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế; 25 đập bị thấm, trong đó 10 đập bị thấm nặng; 21 đập bị sạt lở, trượt mái thượng lưu, hạ lưu; 1 đập bị nứt thân đập. Ngoài ra, có 10 tràn xã lũ bị nứt, hư hỏng; 16 tràn bị xói lở, 3 tràn được đánh giá thiếu khả năng xả lũ...

Một số công trình cần kinh phí để ưu tiên sửa chữa sớm, như: Hồ Eo Hụ (Minh Hóa) thân đập chính và vai đập thấm mạnh, đá ốp mái thoát nước hạ lưu hư hỏng, hiện cần được khoan phụt chống thấm, sửa chữa. Năm 2020, đập chính hồ Cồn Ruộng (Bố Trạch) nước tràn qua đỉnh đập do khẩu độ tràn xả lũ không bảo đảm thoát lũ, rất cần làm mới tràn xả lũ bằng bê tông cốt thép, mở rộng khẩu độ thoát lũ, làm tường chắn sóng đập đất. Hồ Khe Ngang (Bố Trạch) thân đập chính thấm mạnh, bị sụt, lún đoạn giáp tường phía tả tràn xả lũ, cần được khoan phụt xử lý thấm, xử lý lún thân đập…

Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi
 
Là đơn vị khai thác và quản lý nhiều công trình có dung tích lớn, để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, hàng năm, ngay từ đầu mùa mưa lũ, Công ty Khai thác CTTL đã tổ chức kiểm tra tình trạng các công trình, tổ chức sửa chữa các hạng mục công trình có hư hỏng, bảo dưỡng máy móc thiết bị vận hành công trình đầu mối và các máy phát điện, thông tin liên lạc; lấy ý kiến góp ý và đề xuất nhân lực, vật lực tham gia ứng cứu khi tình huống khẩn cấp xảy ra của các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp các tiểu ban phòng, chống thiên tai cơ sở làm việc với các đơn vị, chính quyền địa phương có các công trình hồ chứa nằm trong địa bàn, thống nhất các giải pháp, phương án cụ thể đề phòng và xử lý khi có các sự cố xảy ra.
 
Khi mưa lũ xảy ra, công ty bố trí cán bộ trực theo dõi cập nhật mực nước chính xác kịp thời, báo cáo đúng quy định. Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật về các chi nhánh để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai; chỉ đạo các chi nhánh vận hành theo đúng quy trình đã được UBND tỉnh phê duyệt với các hồ chứa tràn sâu, như: Hồ Vực Tròn, Sông Thai, Phú Vinh… nhằm bảo đảm công trình an toàn, hạn chế ngập lụt hạ du và đủ nước phục vụ sản xuất năm tới.
Công tác kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình thuỷ lợi trên địa bàn được chú trọng.
Công tác kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình thuỷ lợi trên địa bàn được chú trọng.
Những năm qua, trải qua nhiều đợt thời tiết cực đoan nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, công tác vận hành điều tiết các hồ chứa tràn sâu thực hiện theo đúng quy trình, nên các công trình an toàn, giảm thiệt hại cho vùng hạ du, các hồ chứa đều tích nước bảo đảm cho sản xuất năm 2023.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hoài Nam cho biết: Để chủ động ứng phó kịp thời với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, sở đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Khai thác CTTL tiến hành kiểm tra việc vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn; rà soát và có giải pháp xử lý hạ du gây ách tắc, không đủ khả năng thoát lũ khi vận hành xả lũ của hồ chứa thủy lợi; đánh giá các nội dung không còn phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành nhằm bảo đảm vận hành an toàn công trình và vùng hạ du đập.
 
Cùng với đó, sở cũng chỉ đạo Công ty Khai thác CTTL bố trí lực lượng bảo đảm đủ năng lực chuyên môn để vận hành, tổ chức trực ban trong mùa mưa lũ; phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi công trình để phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa, bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế khi có sự cố vận hành…
 
Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn; tính toán lưu lượng nước, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn; kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình thuỷ lợi trước mùa mưa lũ; ngay sau mưa lũ phải kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình để có phương án sửa chữa, khắc phục.
Thanh Hoa

tin liên quan

Gắn kinh doanh với nghĩa vụ nộp ngân sách
Gắn kinh doanh với nghĩa vụ nộp ngân sách

(QBĐT) - Nhiều năm liền, Công ty CP Cấp nước Quảng Bình luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp dẫn đầu về nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, công ty được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nghĩa vụ thuế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Để sản phẩm OCOP tương xứng với tiềm năng
Để sản phẩm OCOP tương xứng với tiềm năng

(QBĐT) - Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, TP. Đồng Hới có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Thực hiện tốt vai trò trong hỗ trợ, liên kết hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Thực hiện tốt vai trò trong hỗ trợ, liên kết hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

(QBĐT) - Ngày 18/8, Ngân hàng Hợp tác Chi nhánh Quảng Bình tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm các quỹ tín dụng nhân dân địa bàn 3 tỉnh Quảng  Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.