(QBĐT) - Thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường nước thay đổi khiến nhiều diện tích nuôi tôm, cá dìa của bà con nông dân xã Duy Ninh (Quảng Ninh) bị chết hàng loạt. Thiệt hại kinh tế cho các hộ nuôi trồng thủy sản dọc nhánh sông Kiến Giang lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Tôm nhiễm bệnh và chết
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng nuôi tôm rộng 1,5ha của mình, nhìn các hồ nuôi trống không, cạn đáy, ông Nguyễn Văn Thao, thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh buồn bã tâm sự: “Đây là những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình tôi. Tháng 5 vừa qua, gia đình tôi đầu tư số tiền lớn để mua 1,1 triệu con tôm giống thả nuôi cho vụ mới.
Tuy nhiên, sau khi thả nuôi được hơn 1 tháng tuổi thì tôm bắt đầu xuất hiện bệnh đường ruột, thải ra phân trắng, dần dần bị óp rồi chết. Lúc đầu các ao nuôi chỉ bị chết vài con, nhưng mấy ngày sau, số tôm chết tăng lên 1-2 tạ/ngày. Số lượng tôm chết trong đợt này lên đến 6-7 tấn. Thiệt hại ước tính khoảng 300-350 triệu đồng. Hiện tại, một số hồ nuôi của gia đình đã được xử lý và thả giống cho đợt nuôi mới”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thao là một trong những hộ nuôi tôm lớn của xã Duy Ninh. Với phương pháp nuôi tôm theo hướng công nghệ cao và VietGAP, sản lượng nuôi hàng năm của gia đình ông lên đến hàng chục tấn, lãi từ 700-800 triệu đồng/năm. Nuôi tôm đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định và kinh tế khá giả.
Nắng nóng và nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều hộ nuôi tôm bị thiệt hại.
Tuy nhiên, vụ tôm này do thời tiết nắng nóng kéo dài, 4 hồ nuôi của gia đình ông, tôm chết gần hết. Theo ông Thao, tình trạng tôm chết hàng loạt ngoài nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài còn do nguồn nước sông Kiến Giang bị ô nhiễm.
Ông Thao cho biết: Tôi nuôi tôm đã 20 năm nay, cũng đã nghiên cứu, tìm ra những phương pháp nuôi hiện đại để giảm bớt dịch bệnh và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Vụ tôm này, tôm bị chết do nguồn nước sông Kiến Giang ô nhiễm bởi tình trạng người dân khai thác chắt chắt bằng thuyền giã cào với tần suất cao. Trong quá trình khai thác, họ sử dụng các dụng cụ để cào làm lớp bùn dưới sông bị sục lên, gây ô nhiễm nặng. Kèm theo đó, thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài đã làm nồng độ phèn tăng cao nên nguồn nước dẫn vào hồ bị ô nhiễm. Mặc dù chúng tôi đã xử lý cẩn thận trước khi dẫn nước vào ao nuôi, nhưng do nồng độ phèn trong nước quá lớn, cộng thêm thời gian nước bị ô nhiễm kéo dài nên tôm nuôi bị mắc bệnh và chết dần.
"Tôi mong muốn các cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý, khuyến cáo đối với tình trạng người dân sử dụng thuyền giã cào với tần suất lớn để không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên sông không bị ảnh hưởng”, ông Thao đề nghị.
Nhiều hộ nuôi cá lồng cũng bị thiệt hại nặng
Với điều kiện tự nhiên có nhánh sông Kiến Giang chảy qua, từ nhiều năm nay, người dân xã Duy Ninh đã tận dụng lợi thế này để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá dìa trên sông. Ảnh hưởng của thời tiết và nguồn nước sông bị ô nhiễm khiến nhiều hộ nuôi cá dìa trên sông cũng bị thiệt hại nặng.
Dự báo thời tiết nắng nóng vẫn kéo dài. Trong khi đó, hiện nay tình trạng thuyền giã cào khai thác chắt chắt vẫn diễn ra hàng ngày với số lượng khai thác ngày càng đông. Điều này đang đe dọa đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân dọc nhánh sông Kiến Giang.
Đầu tư khoản tiền lớn để mua cá dìa giống về để thả nhưng cả 2 đợi thả, cá đều bị chết. Ông Phạm Văn Thông, thôn Phù Ninh ngậm ngùi chia sẻ: “Đợt nuôi vừa rồi, gia đình tôi thả 250.000 con cá dìa giống, chia làm 2 đợt, đợt 1 thả vào tháng 5 dương lịch, đợt 2 là tháng 6 dương lịch. Tuy nhiên, cả 2 đợt thả này đều gặp đợt nắng nóng kéo dài. Thời điểm này, nhiều thuyền giã cào khai thác chắt chắt hoạt động khiến nồng độ phèn trong nước tăng lên. Môi trường nước thay đổi làm cá dìa chết rất nhiều, số lượng lên đến nửa đàn, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng”.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Thông, nhiều hộ nuôi cá dìa ở thôn Phù Ninh cũng bị ảnh hưởng. Ông Phạm Minh Đậu, Tổ trưởng tổ hội cá lồng thôn Phù Ninh cho hay: “Cá dìa là loại cá dễ nuôi. Tuy nhiên lại có đặc điểm là rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Nếu nguồn nước thay đổi hay ô nhiễm thì cá sẽ bỏ ăn. Vừa rồi gia đình tôi có thả 1.000 con thì bị chết gần hết. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng và thuyền giã cào khai thác chắt chắt hoạt động nhiều, trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến khai thác dọc tuyến sông. Mỗi lúc thủy triều xuống, thuyền hoạt động và đào xới lòng sông, khiến nước sông đục ngầu. Việc nuôi cá lồng của các hộ dân nuôi dọc tuyến sông vì vậy cũng ảnh hưởng”.
Nhiều hộ nuôi cá dìa trên sông bị thiệt hại nặng nề.
Toàn thôn Phù Ninh có 22 hộ nuôi cá dìa trên sông, trong đó có nhiều hộ nuôi với quy mô số lượng lớn. Nuôi cá dìa lâu nay đã trở thành nguồn thu nhập kinh tế chính với nhiều hộ gia đình nơi đây và giúp họ thoát nghèo. Ảnh hưởng của thời tiết và ô nhiễm nguồn nước khiến nhiều hộ bị mất trắng, thiệt hại lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Ninh Lê Văn Thái cho biết: Qua báo cáo của người dân, chính quyền xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về kiểm tra và xác định nguyên nhân tôm, cá bị chết, bước đầu xác định là do nắng nóng, môi trường nước bị thay đổi. Bên cạnh đó là do hoạt động khai thác chắt chắt của các thuyền giã cào.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết: “Thời gian gần đây, đã xảy ra tình trạng tôm, cá lồng nuôi của các hộ dân ở các xã Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh bị chết (diện tích thiệt hại 7ha). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Qua kiểm tra và gửi mẫu xét nghiệm đã xác định tôm ở các hồ nuôi bị chết là do nắng nóng kéo dài, tôm bị sốc nhiệt. Một số hồ nuôi, tôm chết còn do bị bệnh đốm trắng. Ngoài ra, tình trạng thuyền giã cào hoạt động cũng có thể gây ra tình trạng ô nhiễm khiến cá dìa của các hộ dân bị ảnh hưởng và chết. Huyện cũng đã có công văn nhắc nhở, chỉ đạo các xã có biện pháp xử lý, ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện, huyện đã hướng dẫn người dân vệ sinh, xử lý các hồ nuôi để thả nuôi vụ mới. Riêng đối với cá dìa nuôi trên sông, do phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên nên rất khó để phòng trừ dịch bệnh”.
(QBĐT) - Thời tiết diễn biến bất thường, giá cả vật tư sản xuất nông nghiệp và chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá lúa thương phẩm lại thấp đã khiến nông dân ở nhiều địa phươngbỏ hoang hàng trăm ha đất sản xuất lúa trong vụ hè-thu, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất hiện nay.
(QBĐT) - Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Trường Hà đấu giá thành công 15 lô đất tại xã Bắc Trạch.