(QBĐT) - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn huyện Lệ Thủy, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm triển khai, thực hiện đúng tiến độ.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ…
Dự án qua địa bàn huyện Lệ Thủy có chiều dài 31,952km đi qua 6 xã, thị trấn, gồm: Kim Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh, thuộc gói thầu XL-01, dự án thành phần Vạn Ninh-Cam Lộ.
Trên địa bàn xã Trường Thủy, dự án đi qua có chiều dài 5,19km, với tổng số 115 đối tượng bị ảnh hưởng theo hồ sơ trích đo. Đến nay, địa phương đã hoàn thành công tác kiểm kê tài sản; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 66 hộ gia đình, cá nhân với số tiền gần 13 tỷ đồng và bàn giao mặt bằng sạch được 2,93km cho đơn vị thi công…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết: “Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động người dân sắp xếp chỗ ở để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đối với phần diện tích đã phê duyệt liên quan đến nhà ở; hoàn thiện các thủ tục công khai, niêm yết và phê duyệt để chi trả đúng quy định, sớm bàn giao trong tháng 7/2023 đối với phần đất nông nghiệp còn lại đang lập phương án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu TĐC để lên phương án bồi thường bảo đảm bàn giao mặt bằng sớm nhất có thể…”.
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho biết, xác định đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, bởi vậy, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành liên quan để triển khai dự án đúng tiến độ đã đề ra…
“Khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai, thực hiện dự án ở địa phương, đó là: Việc xác định loại đất trồng rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm có bảng giá chênh lệch lớn nên nhiều hộ dân chưa đồng tình. Mặt khác, cơ quan chức năng cần xác định lại loại đất thu hồi. Đặc biệt, tại địa phương, việc triển khai xây dựng khu tái định cư (TĐC) và liên quan đến công tác xác định phần đất ở, đất liền vườn còn chậm…”, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy chia sẻ.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua thị trấn Nông trường Lệ Ninh được đa số người dân trên địa bàn đồng tình, ủng hộ. Hiện, chính quyền địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị chức năng để công tác GPMB của dự án bảo đảm đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh Phạm Minh Điền cho biết, tuyến đường đi qua địa phương có tổng chiều dài 3,98km, với 107 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng; trong đó có 56 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện TĐC. Đến nay, thị trấn đã giao mặt bằng sạch được hơn 2,3km cho đơn vị thi công; chi trả bồi thường, hỗ trợ, TĐC với tổng số tiền gần 19 tỷ đồng…
“Hiện, khó khăn nhất đối với địa phương là chưa bố trí được quỹ đất để bồi thường cho các đối tượng TĐC, bồi thường đất nên chưa có cơ sở để tiến hành định giá đất tại các thửa đất bị thu hồi. Ngoài ra, có 28 hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng nhà ở và các công trình sinh hoạt vượt hạn mức đất ở. Mặt khác, một số hộ gia đình, cá nhân ở ngoài phạm vi GPMB nhưng có nhà ở sát đường bộ cao tốc Bắc-Nam đề nghị cơ quan có liên quan thu hồi phần diện tích đất và nhà ở nhưng chưa được kiểm tra, giải quyết; có 16 hộ có phần diện tích đất nông nghiệp còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND tỉnh nhưng chưa được cơ quan liên quan kiểm tra để đề xuất UBND huyện cho chủ trương thu hồi…”, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Lệ Ninh cho hay.
Thi công cầu Thác Cóc trên đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua xã Trường Thủy.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường cho biết, hiện địa phương đã phê duyệt 44 phương án của 470 đối tượng và đã tiến hành chi trả cho 12 tổ chức, 450 hộ gia đình với số tiền 141 tỷ đồng; bàn giao cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh là 22,896km, đạt 71,65%. Chiều dài còn lại chưa bàn giao là 9,056km, trong đó, chiều dài liên quan đến đất ở và công trình xây dựng là 8,256km; chiều dài đất nông nghiệp đang lập phương án, công khai và phê duyệt do mới xác định loại đất liên quan đến khiếu nại, kiến nghị tại xã Phú Thủy là 800m…
Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy cũng cho biết thêm, đến nay, việc xây dựng các khu TĐC đang được triển khai thực hiện, như: Khu TĐC xã Trường Thủy đang lập thiết kế báo cáo kinh tế kỹ thuật; khu TĐC Phú Thủy đang hoàn chỉnh hồ sơ đánh giá tác động môi trường để phê duyệt; khu TĐC thị trấn Nông trường Lệ Ninh đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường để trình phê duyệt…
Cùng với đó, việc di dời lăng mộ, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông (VNPT, Viettel), di dời hoàn trả kênh mương thủy lợi đang được chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục, triển khai thực hiện khẩn trương.
“Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy có chiều dài lớn nhất, với một khối lượng TĐC nhà cửa, công trình, mồ mả lớn nhất từ trước đến nay; thủ tục pháp lý để thực hiện TĐC, di dời hạ tầng rất nhiều trong khi cơ chế đặc thù không quy định cắt bỏ các thủ tục liên quan; dự án thuộc địa bàn hai tỉnh nên thực hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, trước khi phê duyệt phải xin ý kiến Bộ Giao thông vận tải về phương án nên mất thời gian; công tác trích đo địa chính mặc dù đã được Sở TN-MT chỉ đạo, đơn vị tư vấn nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của UBND tỉnh; quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất tại các vị trí đề nghị thực hiện TĐC phải điều chỉnh nên chậm tiến độ. Ngoài ra, quy mô TĐC cũng có thay đổi do nhu cầu của người dân nên cũng bị ảnh hưởng; khu vực dự án đi qua có nguồn gốc đất đai phức tạp, lịch sử quá trình sử dụng thay đổi nhiều…, đó là một số khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang gặp phải khi triển khai thực hiện dự án…”, Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy thông tin.
(QBĐT) - Chưa kịp "trở dậy" sau các đợt dịch Covid-19, đang tiếp tục "chạy đua" với xu hướng mua hàng online thì suy thoái kinh tế toàn cầu lại "đánh" vào sức mua của người tiêu dùng khiến chợ truyền thống vốn đang gặp khó lại càng lao đao.
(QBĐT) - Vạn Trạch (Bố Trạch) là xã thuần nông, có diện tích trồng lúa 2 vụ khá lớn (654ha), là điều kiện thuận lợi cho phát triển mô hình chăn nuôi vịt. Nhận thấy cơ hội đó, anh Lê Quốc Bảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi vịt Vạn Lộc (THT Vạn Lộc) đã mạnh dạn đầu tư nuôi hàng nghìn con vịt đẻ trứng, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
(QBĐT) - Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, sở đã tiến hành 2 đợt kiểm tra với tổng số 54 đơn vị sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm trên địa bàn tỉnh.