(QBĐT) - Thời gian qua, với sự nỗ lực chung của các đơn vị, đoàn thể, địa phương, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh Lê Chí Huy cho biết: Để CVĐ lan tỏa mạnh mẽ đến toàn dân, thời gian qua, Ban Chỉ đạo CVĐ huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của CVĐ đến cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các doanh nghiệp (DN), doanh nhân, nhà sản xuất trên địa bàn.
Các hình thức tuyên truyền chủ yếu, như: Tuyên truyền qua hội nghị, các buổi sinh hoạt cộng đồng khu dân cư; các câu lạc bộ; cấp phát tờ rơi, tài liệu, các panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, truyền thông lưu động…
Cùng với đó, huyện cũng đã triển khai các hoạt động hưởng ứng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam-Tự hào hàng Việt Nam” nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh, tạo quỹ đất để xây dựng hạ tầng, hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhãn, mác, tạo đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thu hút các đơn vị, DN đầu tư trên địa bàn huyện.
Huyện Quảng Ninh luôn hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Tiếp tục triển khai dự án phát triển sản xuất gắn với mô hình chuỗi giá trị nông sản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số sản phẩm nông, thủy sản được sản xuất, chế biến có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, vươn ra tỉnh bạn cũng như quốc tế; có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 1 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 10 sản phẩm đang tham gia đánh giá, phân hạng.
Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ nhằm chống sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các phòng chức năng huyện tăng cường công tác quản lý, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm tài sản công từ ngân sách nhà nước; ưu tiên và khuyến khích các đơn vị sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công, trong thẩm định dự án đầu tư và lựa chọn nhà thầu ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất trong nước…
Có khoảng 85% hàng hóa Việt được bày bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Quảng Ninh.
Với những hoạt động thiết thực, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Quảng Ninh ngày càng đi vào chiều sâu và tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp người dân và cơ quan, đơn vị nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt.
CVĐ cũng đã góp phần làm chuyển biến tư duy và trách nhiệm của các DN trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, giá thành sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các DN, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có khoảng 85% hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng bách hóa, siêu thị mini; riêng hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh có trên 90% là hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện CVĐ vẫn còn nhiều hạn chế, như: Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn chuộng hàng ngoại; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…vẫn còn nhiều trên thị trường, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm giảm uy tín của hàng Việt.
Trong hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số DN còn lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn…làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của CVĐ…
Theo ông Lê Chí Huy, để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn huyện Quảng Ninh đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, đoàn thể, ngành chức năng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, tiêu dùng hàng Việt; tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, vận động nhân dân ưu tiên dùng hàng hóa được sản xuất trong nước; chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng hóa; tăng cường hỗ trợ các DN, các cơ sở sản xuất, chế biến trong việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu; quảng bá, giới thiệu đưa các sản phẩm trên địa bàn huyện ra thị trường…
(QBĐT) - Với tiềm năng và sự khác biệt, Quảng Bình được đánh giá có nhiều lợi thế trong việc phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư. Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư tổ chức tại TP. Hà Nội vào ngày 25/6/2023 vừa qua, các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư có những kỳ vọng đối với sự phát triển của Quảng Bình trong thời gian tới.
(QBĐT) - Thực hiện quy định tại Nghị định số 23/2023/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN Chi nhánh Quảng Bình đã triển khai các nội dung liên quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1293/UBND-TH ngày 29/6/2023.
(QBĐT) - Chiều tối 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức.