(QBĐT) - Nằm ở phía Nam của huyện Bố Trạch, xã Nam Trạch từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là cây mía. Hiện nay, cây mía Nam Trạch không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh mà đã vươn ra nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước.
8 giờ sáng, khi những giọt sương mai bắt đầu khô dần trên những cành lá chính là thời điểm hai bố con ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn Sao Sa, xã Nam Trạch ra đồng để thu hoạch mía. Ngoài năng suất cao, cây mía năm nay cũng được giá nên gia đình ông rất phấn khởi. Hiện tại, thương lái đến thu mua mía tại ruộng với mức giá 5 nghìn đồng/kg, tính ra với 7 sào trồng mía, năm nay gia đình ông Hòa sẽ có nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi trồng mía cũng được hơn 15 năm nay rồi. Đánh giá về hiệu quả thì cây mía có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Loại cây này cũng rất dễ trồng, nhưng phải trồng đúng thời vụ, mà tốt nhất là từ tháng 4-6 âm lịch. Theo thời gian sinh trưởng, trong vòng 1 năm cây mía sẽ phải bóc vỏ 4-5 lần, công việc lúc này khá vất vả. Vỏ mía khi đã bóc xong thường không cần chăm sóc thêm nhiều, khoảng 2-3 tháng làm cỏ cho mía một lần là cây mía sẽ sinh trưởng và phát triển tốt”.
![]() |
Dường như thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương này, nên cây mía ở Nam Trạch luôn cho năng suất cao và chất lượng ổn định. Chính vì vậy, việc tìm đầu ra cho sản phẩm không phải là nỗi lo của người dân nơi đây. Thông thường, khi sắp đến vụ thu hoạch, thương lái ở các nơi sẽ đặt hàng trước qua điện thoại và sau đó đến tận ruộng để thu mua mía cho bà con với mức giá dao động từ 4-6 nghìn đồng/kg. Chính nhờ đầu ra ổn định mà toàn xã Nam Trạch luôn duy trì diện tích trồng khoảng 45-50ha mía và đang có xu hướng tăng thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch Đoàn Ngọc Nhân cho biết: “Xã hiện có 4 loại cây nông nghiệp chủ lực gồm mía, sắn, ngô và lúa, trong đó cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng thêm diện tích, đồng thời xây dựng sản phẩm thương hiệu VietGAP để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
"Hiện huyện đang định hướng cho bà con xã Nam Trạch tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cây mía; tiến tới hỗ trợ xã xây dựng mật mía trở thành sản phẩm OCOP", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long chia sẻ thêm.
Tiến Thành
(Trung tâm VH-TT-TT Bố Trạch)