(QBĐT) - Hiện, toàn tỉnh gieo trồng được 6.587ha sắn. Sắn trà đầu đang phát triển thân lá, trà chính vụ giai đoạn mọc mầm, ra rễ. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra điểm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và báo cáo của các địa phương, bệnh khảm lá đã phát sinh gây hại trên cây sắn trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Theo đó, tính đến ngày 16/3/2023, diện tích nhiễm khảm lá sắn là 1.287ha; trong đó huyện Bố Trạch 1.200ha, Lệ Thủy 40ha, Tuyên Hóa 30ha, Quảng Trạch15 ha, Minh Hóa 2ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5-10%, nơi cao 15-30%, cục bộ 70-100% ở huyện Bố Trạch. Bệnh xuất hiện trên trên giống sắn KM94…
Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn sự phát sinh và lây lan của bệnh khảm lá sắn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai giải pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn trên địa bàn theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.
Trong đó, ưu tiên tập trung xác định ruộng sắn bị nhiễm bệnh để xử lý tiêu hủy cây sắn bị bệnh với phương châm "xác định đến đâu, tiêu hủy đến đó" nhằm kịp thời khống chế không để bệnh khảm lá sắn lây lan diện rộng.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT (huyện), Phòng Kinh tế (thị xã, thành phố), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn trong tổ chức phòng trừ bệnh khảm lá sắn.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm bắt được nguyên nhân, triệu chứng, cơ chế lan truyền bệnh, tác hại của bệnh khảm lá sắn và biện pháp phòng trừ để người dân biết, chủ động phòng, chống.
Bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus, lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị và bọ phấn trắng đang ở tuổi trưởng thành (có khả năng bay) nên đã và đang lây lan bệnh rất nhanh, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của tỉnh…
Ngọc Hải